Xác minh tính hợp pháp của di chúc

Ông Bùi Quang Thanh ở tập thể Nam Đồng, phường Nam Đồng, quận Đống Đa (TP Hà Nội) gửi đơn trình bày, bố mẹ ông có hai người con (ông Thanh và em trai).

Năm 2021, sau khi bố mẹ đều đã qua đời, em trai ông công khai bản di chúc của bố mẹ với nội dung cho mình thừa kế căn nhà tập thể duy nhất của bố mẹ. Bản di chúc có dấu vân tay được cho là của bố mẹ, có xác nhận của văn phòng công chứng, tuy nhiên, ông Thanh nghi ngờ bản di chúc đó không hợp pháp.

"Tôi phải làm gì để xác minh tính hợp pháp của bản di chúc? Người làm giả di chúc bị xử lý như thế nào?", ông Bùi Quang Thanh hỏi.

Bản di chúc không hợp pháp thì không có hiệu lực pháp luật.

Khoản 1, Điều 630 Bộ luật Dân sự quy định về di chúc hợp pháp như sau: "Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây: a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật". 

Nếu ông nghi ngờ về tính hợp pháp của bản di chúc nói trên thì cần kiểm chứng theo những căn cứ như: Tại thời điểm lập di chúc, người viết di chúc có minh mẫn, sáng suốt hay không? Người lập di chúc có bị lừa, đe dọa, cưỡng ép không? Chữ ký, dấu vân tay trong di chúc có phải của người lập di chúc hay không...

Việc giám định chữ ký, dấu vân tay được thực hiện ở giai đoạn vụ việc đã được đưa ra tòa án. Khi đó, ông phải có đơn yêu cầu, trên cơ sở đó, tòa sẽ ra quyết định trưng cầu giám định. Điểm d, khoản 1, Điều 621 Bộ luật Dân sự quy định người không được quyền hưởng di sản trong di chúc như sau: "Người có hành vi giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý của người để lại di sản".

Trong trường hợp làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan công chứng hay của chính quyền, người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự: "Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm". 

Theo www.qdnd.vn