Ma túy và cái nhìn từ phía cộng đồng (bài 2):

Xã hội với chức năng trị liệu và phục hồi

(Dân trí) - Đối với các tệ nạn xã hội, vai trò của cơ quan quản lý và tuyên truyền là rất quan trọng. Tuy nhiên, trong công tác đấu tranh phòng chống các tệ nạn mà tiêu biểu ở đây là tệ nạn ma tuý, các cơ quan quản lý vẫn còn nhiều sơ hở, thiếu sót.

Bài toán việc làm

 

Đặc biệt là trong công tác quản lý, xuất nhập khẩu các chất ma tuý, các chất độc dược có tính gây nghiện. Công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân, gia đình, đoàn thể nâng cao nhận thức và chủ động phòng chống ma tuý chưa đủ mạnh, chưa đi sâu, ít chú ý nêu cao những tấm gương tốt trong phòng ngừa và đấu tranh chống ma tuý...

 

Hiện nay các biện pháp đấu tranh phòng ngừa ma túy đã đưa ra, thực tế vẫn còn chưa đi sâu trong toàn dân, chưa sát sao, chưa mạnh mẽ.

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Việc tuyên truyền phải thường xuyên, trong  các buổi tập trung dân cư để phổ biến tại địa phương nên có những hình ảnh trình chiếu về cảnh người nghiện đầy nguy hại và nên nêu những câu hỏi để thử sự hiểu biết của người dân về ma túy. Nên thể hiện qua cách nói chuyện thân mật có thể pha chút hài hước, để giảm căng thẳng và tăng tính hấp dẫn trong những buổi tuyên truyền… Dán nhiều bảng khẩu hiệu về tác hại của ma túy và cách phòng chống nó ven đường phố, các cụm dân cư tại nông thôn… Thường xuyên đăng những thông tin cơ bản liên quan đến ma túy trên các đài phát thanh của địa phương. Như vậy sẽ hiệu quả hơn.

 

Hiện nay những hiểu biết về ma túy trong học sinh, sinh viên cũng chưa thật sự rõ ràng. Trong khi đây là thế hệ tương lai của Tổ quốc. Bởi vậy,  ngoài việc tất yếu là phải lồng ghép các kiến thức về tác hại của ma tuý trong chương trình học của học sinh, sinh viên, tất cả các trường, các cấp nên có các chương trình cụ thể, hấp dẫn, mà bổ ích, gây chú ý như có những vở diễn về tác hại của ma túy bằng cách sân khấu hóa. Như vậy sẽ tạo nên ấn tượng và nhớ lâu trong học sinh, sinh viên. Chương trình có thể do trường phát động hoặc sự kết hợp giữa các trường trong khu vực với nhau. Như vậy vừa hiệu quả vừa bổ ích.

 

Một thực tế đau đầu diễn ra hiện nay, là người nghiện sau khi cai nghiện khó có được một việc làm vì các cơ quan, tổ chức thiếu lòng tin vào họ. Bởi vậy, Nhà nước cần có những giải pháp cụ thể hơn như: mở ra những xưởng sản xuất phù hợp với nghề mà họ đã được đào tạo trong trại. Sau đó nâng cao tuyên truyền trong toàn dân về những nỗ lực mà họ đã thực sự đạt được bằng chính những cố gắng của mình, và có những đóng góp nhất định cho đất nước.

 

Xã hội với chức năng trị liệu và phục hồi  - 1

(nguồn ảnh: chaobuoisang.net)
 
Hy vọng với sự nỗ lực của chính bản thân người nghiện và sự giúp đỡ của Nhà nước, sẽ  làm lay động được tấm lòng của những tổ chức, cơ sở để cho họ một cơ hội làm việc. Như vậy, phần nào mang niềm tin đến những người nghiện sau cai. Đồng thời, cũng thể hiện sâu sắc tinh thần nhân văn, đầy truyền thống của dân tộc ta tự bao đời.

 

Ngoài ra, một vấn đề cũng được khá nhiều người quan tâm là việc vận động người dân phá bỏ việc trồng cây thuốc phiện. Trước tiên cần đi sâu tìm hiểu tâm lý của người dân, nói cho họ nghe và hiểu về những tác hại của ma túy, vận động cho các con em trong các bản làng được đi học, như vậy mới thoát được nghèo. Cũng nên có những trình chiếu hình ảnh cụ thể cho người dân tộc về lợi ích của việc học tại bản làng…

 

Điểm tựa sẻ chia

 

Đặc biệt đối với nhân viên công tác xã hội, khi tiếp xúc với người nghiện cần tỏ thái độ thân thiện, cảm thông, tôn trọng. Vì hầu hết họ là những người đã rơi vào trạng thái cảm xúc buồn chán, bi quan trong cuộc sống. Hơn lúc nào hết, ta cần phải cảm hóa họ bằng những tình cảm chân thành, nhằm đem đến cho họ sự ấm áp của tình người và tạo ra ở họ những tia hy vọng mà họ cần phải hướng đến, về một cuộc sống vẫn còn nhiều điều tốt đẹp.
 
Xã hội với chức năng trị liệu và phục hồi  - 2

Các biện pháp đấu tranh phòng ngừa ma túy cần đi sâu trong toàn dân (nguồn ảnh internet)

 

Tuyệt đối nhân viên công tác xã hội không được tiếp xúc với thân chủ của mình bằng sự gượng ép, gò bó, giả dối tình cảm. Vì có thể nói, về mặt tình cảm nhân viên công tác xã hội như một người đang giang tay giúp những những người sắp rơi  vào vực thẳm tối tăm trở lại ánh sáng cuộc đời. Vì vậy, nếu người nghiện thấy ở người nhân viên công tác xã hội sự giả dối thì họ đã tuyệt vọng càng tuyệt vọng hơn về tình cảm của con người trong cuộc đời với mình. Họ có thể trả thù đời bằng nhiều cách, như vậy sẽ càng nguy hiểm hơn cho những người vô tội.

 

Một thực tế đau đầu diễn ra hiện nay, là người nghiện sau khi cai nghiện khó có được một việc làm vì các cơ quan, tổ chức thiếu lòng tin vào họ. Bởi vậy, Nhà nước cần có những giải pháp cụ thể hơn như: mở ra những xưởng sản xuất phù hợp với nghề mà họ đã được đào tạo trong trại. Sau đó nâng cao tuyên truyền trong toàn dân về những nỗ lực mà họ đã thực sự đạt được bằng chính những cố gắng của mình, và có những đóng góp nhất định cho đất nước.

 

Qua đây, ta thấy vai trò và trách nhiệm của một nhân viên công tác xã hội là khá lớn. Vì vậy để làm tốt vai trò của mình, họ cần phải có sự lạc quan, tin tưởng, không tỏ ra bi quan chán nản, thay vì đó phải luôn tìm kiếm cho mình một hướng đi hợp lý. Có như vậy, họ mới có đủ tự tin giúp thân chủ của mình vượt qua bóng tối.

 

Hơn nữa, để thân chủ có thể chia sẻ tất cả những tâm sự một cách thành thật, thì ở nhân viên công tác xã hội kỹ năng lắng nghe làm sao có hiệu quả là rất quan trọng. Tức là khi thân chủ chia sẻ thì phải chú ý nghe thật chăm chú, không nên cắt lời họ khi không cần thiết. Nếu muốn họ đi sâu vào vấn đề thì nhân viên công tác xã hội phải biết khéo léo, dẫn dắt câu chuyện để họ không cảm thấy tự ái mà vẫn thoải mái.

 

Nên phát hiện ở họ những điểm tốt và có những lời khen kịp thời nhằm giúp họ thay đổi dần bản thân, tìm lại những khả năng của chính mình. Nên đối thoại với họ bằng những câu hỏi mở, không nên đối thoại dài dòng sẽ gây nhàm chán, nên nhấn mạnh vai trò của họ, kích thích họ suy nghĩ. Không nên nói với họ bằng những từ không thiện cảm như: thiếu trách nhiệm, nhút nhát, ăn chơi…
 
Nên tạo điều kiện cho họ sinh hoạt theo nhóm nhỏ, để từng người có thể phát biểu trước đám đông nhằm giúp họ lấy lại những niềm tin, phân tích những hành vi nào là bình thường, hành vi nào là không bình thường.

 

Nhân viên công tác xã hội cũng phải tuân thủ tốt những quy định nơi đến phục vụ, để phòng ngừa sự lây lan và các bệnh truyền nhiễm, có sự hợp tác tốt trong việc thực hiện các mục tiêu chung.

 

Với những điều đó, hy vọng sẽ đạt được những kết quả nhất định trong việc giúp người nghiện lấy lại cân bằng trong cuộc sống và định hướng cho họ tìm lại hướng đi đúng cho mình, đúng nghĩa với chức năng của xã hội là trị liệu và phục hồi.

 

Bùi Hữu Cường

VNH K08 Đại Học Quảng Nam