Cần giáo dục kỹ năng sống từ bậc tiểu học (bài cuối):
Xã hội hóa một cách tự nhiên
(Dân trí) - Quá trình xã hội hóa của gia đình được nối tiếp bởi học đường - một môi trường tương đối được bảo vệ. Cách tổ chức, sinh hoạt, các lớp về giáo dục công dân ... của trường học giúp học sinh tiếp thu kiến thức và học đạo làm người.
Đối với tôi, những kỹ năng sống ta được rèn luyện bằng quá trình xã hội hóa, nhờ đó ta hòa hợp với xã hội, sống với người khác, hành động như người khác ...
Xã hội hóa đầu tiên là xã hội hóa bởi gia đình. Đó là một hình thức hết sức nhẹ nhàng, gói ghém trong tình yêu thương của cha mẹ. Trẻ hấp thụ những cách sống với người xung quanh. Trẻ học tiếng mẹ, học cách đối xử với người thân, bắt chước theo mẫu của cha mẹ, đạo đức của cha mẹ thành đạo đức của con. “Cha nào con nấy”. Muốn con sống tốt, cha mẹ cũng phải làm gương tốt.
Quá trình xã hội hóa của gia đình được nối tiếp bởi học đường - một môi trường tương đối được bảo vệ. Cách tổ chức, sinh hoạt, các lớp về giáo dục công dân... của trường học giúp học sinh tiếp thu kiến thức và học đạo làm người.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
Trường học có thể dạy nhiều kiến thức cho trẻ. Với một số vốn liếng về vệ sinh thường thức, về sinh học, về chính trị, về lịch sử hay về toán ... Ra đời học sinh có thể “bươn chải” giỏi hơn, sống tốt hơn, nhưng đạo đức và triết lý về cuộc sống trong cộng đồng là kết quả của nhiều yếu tố hợp lại.
Tuy nhiên, vẫn có những người học cao nhưng bất nhân, thiếu tình thương đồng loại, thiếu cả lương tâm nghề nghiệp. Trong khi có những người không bằng cấp nhưng vẫn là những công dân tốt, suốt đời sống cho người khác.
Nhà sư phạm tốt
Kỹ năng sống không phải là một kiến thức kỹ thuật có thể lập thành bài bản. Trong tiếng Pháp, người ta phân biệt savoir (kiến thức) và savoir-être hay savoir-devenir (cách xử sự hay cách diễn tiến trong tương lai). Kiến thức và cách xử sự có thể có liên hệ, chứ khó mà kê lên cái hỗ tương giữa kiến thức với cách diễn tiến trong tương lai.
Nhưng trường học đóng một vai trò quan trọng trong quá trình xã hội hóa, vì mỗi một người trong chúng ta đi học nhiều năm (từ hai đến 18 – 20 tuổi). Vì trường học là nơi, ít nhất là trên lý thuyết, gìn giữ, bảo vệ và lưu truyền những giá trị xã hội.
Trường học, nhất là bậc tiểu học, dạy các em khi các em còn bé, chưa bị tiêm nhiễm bởi những thói hư tật xấu của trường đời đầy điên đảo. Những lý do đó tăng tầm quan trọng của vai trò trường học trong việc “truyền” kỹ năng sống.
Muốn “dạy” kỹ năng sống cho trò, thầy cần phải sống tốt và là một nhà sư phạm tốt. Vì “dạy” kỹ năng sống là “dạy” một cách gián tiếp, là cung cấp môi trường sinh động và hài hoà để trẻ phát triển, cho chúng thấy những tấm gương để chúng có thể bắt chước và tự đánh giá về mình ...
Thầy còn là người có thể tập tành cho trẻ khả năng phán đoán và suy nghĩ để không mù quáng đi theo một số trào lưu nhất thời. Trẻ sẽ được xã hội hóa một cách tự nhiên (khác với “nhồi sọ”), mà kết quả thì bền vững (các em thấm nhuần cách sống, cách làm, đã trở thành những thói quen ... chứ các kiến thức “nhồi nhét” dễ bị quên lắm !)
Thế mới thấy là “thói quen đi thầy, tặng phong bì cho thầy” rất nguy hiểm : nó ươm mầm cho cả “phong tục hối lộ và nhận hối lộ” sau này !
Một dịp khác tôi, sẽ bàn đến môi trường ngoài gia đình và trường học. Báo chí, quảng cáo, internet, bạn bè, cả xã hội... cũng góp phần xã hội hóa các thành viên, cũng đề nghị và đưa ra những “mẫu”, những “gương” cần phải theo.
Nếu đã được chuẩn bị, biết phán đoán, trẻ có thể cảnh giác, ngẩng cao đầu đi thẳng, tiếp tục sống với bậc thang giá trị của mình.
Nguyễn Huỳnh Mai
( Liège, Bỉ)
LTS Dân trí - Bài viết trên đây của nhà giáo Nguyễn Huỳnh Mai đem lại những thông tin mới mẻ cả về quan điểm giàu tính nhân văn đối với sự nghiệp giáo dục, cũng như ý nghĩa giáo dục kỹ năng sống đối với trẻ em ngay từ bậc tiểu học.
Những mục tiêu như đã nêu có “to tát” quá không đối với lứa tuổi trẻ em ở bậc tiểu học? Đọc kỹ cách trình bày và lý giải của tác giả, chúng ta thấy tính hợp lý và lôgich của vấn đề. Cách “dạy” kiến thức kết hợp với tình huống thực tế của cuộc sống, tạo ra môi trường giáo dục giúp cho trẻ từng bước hình thành tính tự lập và phát huy tính độc lập sáng tạo; cũng từ đó giúp cho người thầy và trò lồng ghép được nhiều mục tiêu giáo dục trong việc “dạy và học làm người”.