Cần giáo dục kỹ năng sống từ bậc tiểu học (bài 2):

Hành trang vào đời

(Dân trí) - Người đi dạy cần tạo môi trường cho trẻ học tự lập qua cách thức tổ chức lớp học, bằng những phương pháp sống động, trong đó có sự tham gia tích cực của học trò, tổ chức bài học từ những vốn liếng của chúng…

Hành trang vào đời - 1

Các học viên cùng nhau sinh hoạt nhóm (ảnh: giadinh.net.vn)

Những bài học gây hứng thú
 

Cách thức tổ chức lớp học, đồng thời cũng cần không quên những cách thức sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt nhóm,  những bài học ứng dụng ...

 

Một thí dụ cụ thể mà chúng tôi vẫn gợi ý cho những giáo viên trẻ ở bậc tiểu học là tổ chức buổi học sáng thứ hai, dựa trên “kinh nghiệm sống” của các em học sinh trong ngày cuối tuần.

 

Môn Toán sẽ là tính thời gian di chuyển của một em đã cùng gia đình đi thăm họ hàng hay đi dã ngoại ở xa thành phố. Môn Địa lý cũng dựa trên một kinh nghiệm tương tự. Môn Sinh học sẽ có điểm khởi đầu bằng chuyện một em đã cùng cha đi câu. Môn Văn ...

 

Chương trình vẫn xong mà các bài học hứng thú biết bao nhiêu cho các em! Mỗi em sẽ học được “kinh nghiệm của bạn bè” làm giàu cho kiến thức của mình, lại hãnh diện đã góp sức trực tiếp cho sinh hoạt ở lớp ... Bài học sẽ vừa mang những ý nghĩa tâm lý đặc biệt, lại vừa thực tiễn và sống động. 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

 

Học kỹ năng sống và kỹ năng tự lập qua phương pháp sinh hoạt nhóm.

 

Mới nghe qua có vẻ đối nghịch: làm sao học tự lập khi phải sinh hoạt nhóm, nhưng thật ra không có đối nghịch tí nào. Trong sinh hoạt nhóm, trẻ biết được vai trò riêng của mình, những liên hệ với các thành viên khác, các “ranh giới” cần phải tôn trọng, các xung đột cần dung hòa hay tranh cãi – mà dung hòa vì lợi ích chung, hoặc tranh cãi để nhóm làm việc tốt hơn.

 

Sinh hoạt nhóm cần có tổ chức, có tôn ti trật tự, vai chính vai phụ, có “luật” điều hành để đạt đến kết quả. Các em học cách phân công và tinh thần trách nhiệm đối với công việc được giao phó.

 

Trong một môi trường được bảo vệ, vì trường học là một nơi được bảo vệ, đó là những dịp quí giá để các em học cách sống và sinh hoạt với người khác. Đó là cho những đề tài nhỏ, có giới hạn ở trường. Nhưng từ sông ra biển, đã có kỹ năng cho những đề tài nhỏ, đã được tập tành, các em sẽ từ đó quen với hình thức sinh hoạt và dùng hành trang ấy sau này khi cần để sống trong xã hội.    

 

Dạy trẻ tự lập và có trách nhiệm bằng phương pháp giao kèo. Làm sao lập giao kèo với một trẻ 6 tuổi hay 10 tuổi. Được chứ và tôi bảo đảm là trẻ có khả năng tôn trọng giao kèo không thua người lớn (hay hơn cả người lớn ?)

 

 Cố gắng làm xong bài đúng kỳ hạn, cố gắng  đạt tới đích mà thầy và trò cùng đồng ý đặt ra ... Kỹ năng giữ lời hứa, đúng hẹn, trung thành, chữ tín ... thông thường học trò không để thầy thất vọng. Dĩ nhiên phải tạo ra một môi trường tin cậy, khuyến khích, không áp đảo và ít chế tài (tôi nói “ít” chứ không nói “cấm” chế tài, vì vị trí của người đi dạy đã là một chế tài tinh thần với học trò rồi).

 

Dạy trẻ tự lập bằng cách cho chúng có quyền làm sai hoặc phạm lỗi lầm, bằng phương pháp chấm điểm đào tạo chứ không phải chấm điểm chế tài. Trong chúng ta, ai chưa bao giờ thất bại hay làm sai? Thế tại sao lại “phạt” trẻ khi chúng làm sai hay thất bại? Phải giúp trẻ tiến lên. Nếu chúng lúc nào cũng thành công thì chúng đâu có cần phải đến trường? Chúng là những Thánh Gióng rồi!

 

Cái cần là sử dùng những thất bại, những sai trái của trẻ để phân tích, giảng giải để chúng có thể hoàn thiện làm tốt hơn. Cho chúng có dịp “tự chấm điểm” tức là “dạy” chúng kỹ năng  phán đoán, biết cái tốt cái xấu, biết tại sao đã thất bại và biết cả cách để làm tốt hơn.

 

Dạy trẻ kỹ năng sống, sống độc lập bằng cách định nghĩa lại vai trò của thầy. Thầy hết là người truyền kiến thức và giữ vai trò của người có quyền. Thầy và trò cùng làm một công việc chung : cùng sống và làm việc với sự hiểu biết.
 
Hành trang vào đời - 2

 

Mô hình sinh hoạt nhóm (ảnh: bupsenhong.vicongdong.vn)

Thầy có cái lợi là lớn tuổi hơn, đi trước,  thế thôi. Bổn phận của thầy là làm thế nào cho trò thích hiểu biết, cần hiểu biết. Thầy giúp phương tiện để trò đi đến và hấp thụ hiểu biết tùy theo khả năng của trò. Nói có vẻ lý thuyết, nhưng nếu thầy không khuyến khích nâng đỡ  trò, không giúp trò có hứng học và hăng say học, thì công trình dạy của thầy  khó thành công!

 

Thầy và trò là hai diễn viên trong vở tuồng, hai đối tác trong một “doanh nghiệp”, hai thành viên trong một công trình, ngang hàng nhau và cùng làm việc với nhau. Cái cơ sở dân chủ đó rất cần cho việc “dạy” kỹ năng sống.

 

Nếu tiếp tục duy trì mối quan hệ quyền lực - cao thấp - giữa thầy và trò thì trò vẫn bị lệ thuộc thầy: việc tự lập, tự quản thành xa vời, trò khó có khả năng sống mà dễ trở thành con chó của Pavlov hành động theo “phạt thưởng” chứ không suy nghĩ !

 

Tất nhiên còn có người nghĩ rằng: trong quá khứ, bao nhiêu thế hệ cha ông ta đã được giáo dục theo kiểu xưa mà vẫn thành người. Nhưng xin đừng quên rằng trong quá khứ, số người học hết  trung học chỉ chiếm tối đa là 20% dân số cho những năm 1950-1960 chẳng hạn. Họ thành công một phần vì họ “hơn” số còn lại vốn “dốt” hơn họ (chữ “hơn” và chữ “dốt” tôi để trong dấu ngoặc vì đó là một cách nói nhanh).
 
(còn tiếp)
 
                                                                                                                                                                   Nguyễn Huỳnh Mai
                                                                                                                                                                                     (Liège, Bỉ)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm