Cần giáo dục kỹ năng sống từ bậc tiểu học (bài 1):

Trường học - nơi trẻ phát triển độc lập

(Dân trí) - Ở Bỉ, bất cứ nhà giáo dục nào cũng nhìn nhận rằng giáo dục tức là giải phóng (éduquer, c'est libérer). Giải phóng khỏi sự ngu dốt, giải phóng để có thể tự suy nghĩ và tự do hành động. .. Và đấy cũng là quá trình giáo dục kỹ năng sống tự lập.

 
Trường học - nơi trẻ phát triển độc lập - 1

Một giờ thực hành trong lớp học kỹ năng sống. (Ảnh: A.T, nguồn:pda.vietbao.vn)

Sứ mạng giúp trẻ tự lập

 

Hiện ở Bỉ có nhiều nhà sư phạm theo trường phái quan niệm rằng vai trò chính của trường học là giúp cho trẻ phát triển và sống hạnh phúc. Cổ điển hơn, còn có một số người, trong đó có nhiều cha mẹ và bậc phụ huynh học trò, vẫn quan niệm rằng trường học là nơi truyền kiến thức cho trẻ.

 

Trường tiểu học có sứ mạng dạy trẻ học đọc, học viết, học làm toán và học một số kiến thức căn bản về khoa học, lịch sử, địa lý ... Thế còn kỹ năng sống ? Phải cậy nhờ môn Công dân giáo dục, thông qua những bài “học làm người”?

 

Một cách tổng quát và đi từ một trong những sứ mạng của trường tiểu học: giúp cho trẻ tự lập, chúng ta có thể xem sơ qua những kỹ năng mà trường có thể “dạy” cho học trò và sẽ “dạy” như thế nào (chữ “dạy” tôi để trong dấu ngoặc vì kỹ năng sống là  những khả năng mà trẻ hấp thụ được bằng nhiều “cách” khác nhau, chứ không phải chỉ nhờ những bài bản mà thầy hay cô giáo lên lớp truyền cho).                      

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Một cách thực tiễn và thực dụng nhất: có học, có khả năng làm việc là có khả năng kiếm sống và độc lập về kinh tế. Còn lý thuyết hơn, có học là có độc lập về tư duy và không dễ bị người khác ảnh hưởng, vì bị ảnh hưởng tức là bị tước đoạt tự do của mình.

 

Môi trường rèn luyện cá thể

 

Trường học là nơi dạy cho trẻ tự lập? Thật vậy, trường học là môi trường để:

 

            . Cho trẻ gây dựng những liên hệ xã hội với người khác.

            . Cho trẻ tập tành những luật lệ cách sống trong cộng đồng.

            . Cho trẻ hành động trong liên hệ  “cho và nhận”, “có đi có lại”, “tiếp thu và phê bình”.

            . Trẻ học phương pháp làm việc (thời dụng biểu đã là một phương pháp làm việc).

            . Trẻ khám phá những luật chơi khách quan hơn các luật của gia đình.

            . Nơi trẻ có trách nhiệm trong phân công xã hội và từ từ ý thức được cơ cấu tổ chức và những cách sinh hoạt của xã hội.

            . Nơi trẻ phát triển khả năng của mình ở những khung cảnh mới, địa thế mới mà em chưa gặp ở nhà.

            . Nơi trẻ học có cơ hội để sáng chế ra những cách đối xử mới trong những hoàn cảnh mới.

            . Trẻ bắt đầu học làm thành nhân trong xã hội, khám phá “đạo làm người” qua tiếp xúc với một khung cảnh lớn hơn gia đình, nơi mà liên hệ vượt qua vòng tay yêu thương và tha thứ của cha mẹ, ông bà. Nhờ vậy, trẻ sẽ khám phá ra vai trò, chỗ đứng của mình so với người cùng trang lứa và  so với người khác, từ đó sẽ rèn luyện được cá thể của mình.

 

Rèn luyện được cá thể của mình là một chủ đích “dạy làm người và học làm người”. Trường học không phải là một lò rèn ra cả muôn ngàn chú lính chì giống hệt nhau, mà là nơi cho các em phát triển độc lập.
 
Trường học - nơi trẻ phát triển độc lập - 2
 
sơ đồ phương pháp giảng dạy kỹ năng sống (ảnh: vietanhschool.edu.vn)
 

Làm sao để vừa phát triển độc lập, vừa để trở thành những công dân của xã hội?

 
- Nghe thầy giãng bài và trả lời đúng lúc đã là một cách học kỹ năng sống.

 

- Tôn trọng giờ giấc, đi học đúng giờ, tôn trọng bạn bè và những “luật” tổ chức và “lệ” hay hình thức sinh hoạt của lớp, cũng là chuẩn bị làm người sống với cộng đồng.

 

- Học cách chăm chú trong lớp, học giữ sách tập sạch sẽ, học trả lời theo thứ tự đưa tay ...là để tập tành lối sống “văn minh” trong xã hội sau này.

 

- Trả lời các câu hỏi của thầy, bảo vệ ý kiến mình trước bạn bè trong lớp là thực hành kỹ năng suy nghĩ độc lập, ứng dụng hiểu biết và lý luận có cơ sở ... Đó là những kỹ năng rất cần thiết cho khi vào đời sau này và vừa để khẳng định cá thể của mình.

 

Trong một chừng mực nào đó, khi học xong, trẻ vừa có kiến thức để tự lập, vừa có kỹ năng cần để thành một công dân của xã hội.

 

 (còn tiếp)

                                                                                                                                                   Nguyễn Huỳnh Mai

                                                                                                                                                                   (Liège, Bỉ)