"Xã hội đen" được giao quản lý đầm ông Vươn?
Theo thông tin từ người dân xung quanh, ngay sau khi ông Đoàn Văn Vươn bị bắt, nhiều tay anh chị giang hồ đã đứng ra tiếp quản khu đầm.
Như Thanh Niên đã đưa tin, ngay sau khi lực lượng cưỡng chế rút đi vào chiều 5.1, ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng khẳng định với báo chí tại cuộc họp báo chiều cùng ngày: “Toàn bộ diện tích khu đầm của gia đình ông Vươn được bàn giao cho UBND xã Vinh Quang quản lý”. Tuy nhiên, theo một số người dân xung quanh khu đầm, ngay buổi chiều 5.1 (sau khi ông Vươn bị bắt) đã có rất đông người do một chủ đầm cũng ở Tiên Lãng tên Kết điều hành, xuống tiếp quản đầm của gia đình ông Vươn.
Bà Hiền, vợ ông Đoàn Văn Quý, em ông Vươn cũng xác nhận: “Tôi nghe người mua cá tôm và bà con nói lại, người của ông Kết đến tiếp quản khu đầm, đánh bắt hải sản. Ban đầu họ còn bán công khai ngay tại đầm này, sau đó thì họ cho lên thuyền, chở đi nơi khác bán”.
Ông Kết hiện đang sở hữu một khu đầm diện tích lớn hơn nhiều khu đầm của ông Vươn, là người có tiềm lực tài chính, có máu mặt và có quan hệ rộng. Cũng theo nguồn tin riêng của Thanh Niên, trước ngày UBND huyện Tiên Lãng tiến hành cưỡng chế khu đầm gia đình ông Vươn, một số “tay chân” của các đàn anh được coi là có máu mặt ở Kiến An, Tiên Lãng (TP Hải Phòng) như: Trọng “ Phồn”; Chương “Sực”; Phường “Tố”... được mời về khu vực cưỡng chế. Điều quan trọng, những người này đều có quan hệ khá thân thiết với chủ đầm Kết.
Chiều 10.1, khi nhóm PV xuống khu đầm bị cưỡng chế để tác nghiệp đã bị đàn em của Phường “tố” cản trở, thậm chí còn định giằng máy ảnh, hành hung một nam phóng viên. Một tay anh chị có máu mặt ở Tiên Lãng có quan hệ với Kết còn thừa nhận, việc đưa người ra khu vực đầm của gia đình ông Vươn là do một số người "có máu mặt nhờ vả" chứ không chỉ vì làm theo đơn đặt hàng của ông Kết.
Trở lại vụ việc hàng chục tấn thủy sản trong đầm của gia đình nhà ông Vươn bị “bốc hơi”, ông Lê Văn Liêm, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang nói: “Xã chỉ được giao quản lý khu vực trên chứ không có trách nhiệm bảo vệ thủy sản trong đầm. Việc mất mát gì thì cứ hỏi cái Thương (vợ anh Vươn) vì nó ra quản lý đầm từ ngày mùng 1 tết rồi”.
Tuy nhiên, thực tế trước khi bà Thương và bà Hiền trở về khu đầm sáng mùng 1 tết, thủy sản trong đầm đã bị lấy hết, khu nhà canh đầm ở sâu bên trong khu vực cưỡng chế cũng đã bị đập, đốt. Điều đáng nói là, kể từ khi ông Vươn bị bắt, xã Vinh Quang đã tổ chức lực lượng để bảo vệ hiện trường. Không thể có chuyện người vào tát đầm, bắt cá, phá nhà mà chính quyền xã, huyện lại không hay biết?
Ông Vươn từng được bồi thường
Một điều đáng chú ý là trong hàng loạt văn bản cũng như phần trả lời PV, lãnh đạo huyện Tiên Lãng đều khẳng định thu hồi 40 ha đầm nhà ông Vươn mà không bồi thường, đền bù hoa màu, công bồi trúc, cải tạo. Tuy nhiên, theo một số tài liệu mà Thanh Niên đang có lại chứng minh, năm 2005 gia đình ông Vươn đã từng được thành phố bồi thường khi tiến hành thu hồi hơn 4,8 ha đất đầm nuôi trồng thủy sản (cùng trong khu 40 ha đầm, ở Cống Rộc, Vinh Quang).
Theo đó, năm 2005, UBND TP Hải Phòng có quyết định thu hồi đất nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng. Theo quyết định này, gia đình ông Vươn bị thu hồi hơn 4,8 ha đất trong số 40,3 ha đầm nuôi trồng thủy sản tại khu Cống Rộc. UBND huyện Tiên Lãng, Ban đền bù thành phố... cũng xác định rõ trong bảng tổng hợp kinh phí bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất đây là đất nông nghiệp hạng 5, loại đất nuôi trồng thủy sản. Không biết các sở ban ngành tính toán thế nào, chỉ biết rằng với 4,8 ha đất nuôi trồng thủy sản, gia đình ông Vươn được bồi thường cho tất cả các hạng mục như: khối lượng đắp bờ bao, nhà chòi, chi phí cải tạo đầm, hỗ trợ về lao động... với số tiền lên tới gần 300 triệu đồng.