Vụ cưỡng chế tại Hải Phòng: Có dấu hiệu của tội “hủy hoại tài sản”

(Dân trí) - Những ngày qua các phương tiện thông tin đại chúng liên tục có những phản hồi đa chiều xung quanh vụ chính quyền huyện Tiên Lãng cưỡng chế đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn tại xã Vinh Quang.

Vụ cưỡng chế tại Hải Phòng: Có dấu hiệu của tội “hủy hoại tài sản” - 1
Nhiều vấn đề đằng sau vụ cưỡng chế cần phải làm rõ.

Trước sự quan tâm của dư luận, cảm thông cho những việc làm “cực chẳng đã” của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) dưới góc nhìn pháp lý xung quanh những việc làm gây tranh cãi của chính quyền địa phương.

Luật sư Trương Anh Tú cho hay: Trước hết, trong quá trình lao động, cải tạo và phát triển đầm nuôi trồng thủy sản của ông Vươn và gia đình đã khai hoang và mở rộng diện tích, mà theo như lãnh đạo Thành phố Hải Phòng cho rằng đây không phải là đất nuôi trồng thủy sản, không thuộc vào diện đất nông nghiệp mà đây được xác định là “đất bãi bồi ngoài đê biển” là không đúng, bởi trong Luật Đất đai không hề có thuật ngữ “bãi bồi ngoài đê biển” mà chỉ có “đất bãi bồi ven sông, ven biển” (điều 80 Luật Đất đai).

Loại đất trên là một trong số rất nhiều loại đất nông nghiệp khác được Luật Đất đai quy định, vì vậy, tinh thần giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chế độ sử dụng phải được thực hiện đúng với quy định của pháp luật đối với loại đất nông nghiệp. Ngoài ra, việc ông Vươn và gia đình đầu tư, khai hoang, và đưa vào sử dụng có hiệu quả đối tượng đất này còn là việc làm được Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện.

Về lý do mà UBND huyện Tiên Lãng đưa ra về việc quyết định thu hồi là do diện tích đầm của gia đình ông Vươn đã hết thời hạn được giao là 14 năm (từ 1993-2007) là không hợp lý. Vì theo Luật Đất đai 2003 thì thời hạn giao đất nuôi trồng thủy sản là 20 năm (khoản 1- điều 67 Luật Đất đai), do thời gian gia đình ông Vươn được giao là năm 1993 nên thời hạn này vẫn được xác định là 20 năm theo quy định tại khoản 1, Nghị định 181/2004 -NĐ-CP về thi hành luật Đất đai ngày 14/1/2004 của Chính Phủ: “Hộ gia đình, cá nhân đã được Nhà nước giao đất Nông nghiệp trước ngày 1/7/2004 thì được tiếp tục sử dụng theo thời hạn giao đất còn lại”.

Như vậy, qua đây còn thấy thực trạng giao đất không đúng thời hạn luật định của địa phương này khi chỉ giao cho ông Vươn trong 14 năm mà Luật quy định là 20 năm, và theo đó, phải đến 2013 gia đình ông Vươn mới phải trả lại diện tích đầm nói trên.

Mặt khác, trong trường hợp hết thời hạn được giao, việc thu hồi đất không phải là phục vụ cho mục đích công cộng hay có dự án đã được phê duyệt thì người sử dụng đất được Nhà nước tiếp tục giao đất, cho thuê đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và việc sử dụng đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt. Như vậy thì việc cưỡng chế thu hồi của chính quyền huyện Tiên Lãng trong vụ việc này phải chăng là có lý do cá nhân (?).
 
Vụ cưỡng chế tại Hải Phòng: Có dấu hiệu của tội “hủy hoại tài sản” - 2
Luật sư Trương Anh Tú đang trao đổi cùng PV Dân trí.
(Ảnh: Vũ Văn Tiến)

Một điều đáng nói nữa là, cách thức thực hiện cưỡng chế là phản cảm, có thể ví với một vụ dẹp bạo động của những đối tượng chống phá chính quyền bởi nó có sự tham gia với sự phối hợp của các lực lượng vũ trang tại địa phương có phù hợp với bản chất của vụ cưỡng chế hay không (?). Phải chăng người chỉ đạo vụ cưỡng chế đã không tính toán và hậu quả thì như đã rõ, 6 chiến sỹ, cán bộ tham gia cưỡng chế phải chịu.

Một số ý kiến của địa phương cho rằng, bà con phá nhà ông Vươn do bức xúc (?). Tuy nhiên theo dư luận và các nguồn thông tin báo chí và truyền thông, thì sự việc nhà ông Vươn nhận được sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc của bà con trước việc một người đã giúp dân tránh lũ, một người lương thiện bị dồn vào bước đường cùng mới có hành vi bức xúc như thế.

Sự việc nhà ông Vươn bị đập phá không đúng pháp luật thì đã có dấu hiệu của “Tội hủy hoại tài sản” quy định tại điều 143 Bộ luật Hình sự, cần có sự can thiệp kịp thời của pháp luật, làm rõ đối tượng vi phạm, xử lý đúng người đúng tội.

Dư luận hiện nay đang rất đồng tình trước những động thái tích cực từ phía những vị lãnh đạo sáng suốt như:  Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Thước,… đã đưa ra những quan điểm bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người nông dân, lao động chân chính.

Vũ Văn Tiến (ghi)