Vườn hoa Hàng Đậu như lô cốt, giống phim trường "Đào, phở và piano"

PV

(Dân trí) - "Đi qua cứ ngỡ phim trường Đào, phở và piano. Hà Nội lập lô cốt kháng chiến năm 1946 bằng bao cát, nay 2024 hiện đại hơn nên lập lô cốt bằng bê tông", độc giả Dân trí so sánh hóm hỉnh.

Dự án cải tạo Vườn hoa Hàng Đậu (Vườn hoa Vạn Xuân) nằm đối diện tháp nước Hàng Đậu (quận Ba Đình, Hà Nội), được hoàn thiện từ cuối năm 2023 và tạm hoàn thiện các hạng mục "cứng" trước thềm Tết Nguyên đán 2024. Tuy nhiên, sau khi cải tạo, công trình bị nhiều người dân và chuyên gia phản đối vì bị "bê tông hóa" toàn bộ hạng mục.

Theo ghi nhận thực tế, không gian phía trước tượng đài cảm tử trước đây là vườn hoa và đài phun nước đã bị san phẳng để lát bê tông, thiết kế đèn led và tạo khu vực trình diễn nhạc nước. Cây xanh ở khu vực cũng đã bị di dời để lấy thêm khoảng trống và được lát gạch toàn bộ.

Chứng kiến sự thay đổi trên, nhiều độc giả Dân trí không giấu được sự bất bình. Họ cho rằng dự án không những không giúp cải thiện hình ảnh của Vườn hoa Hàng Đậu mà còn gây lãng phí tiền bạc, làm mất không gian xanh cũng như "xóa sổ" một trong những công trình biểu tượng của thành phố Hà Nội.

Vườn hoa Hàng Đậu như lô cốt, giống phim trường Đào, phở và piano - 1

Từ một khuôn viên mát mẻ bao trùm bởi cây xanh, vườn hoa Hàng Đậu (Hà Nội) bị bê tông hóa sau khi cải tạo. Không gian này hiện chỉ có những khối đá cứng nhắc, không còn dấu vết của một vườn hoa (Ảnh: Mỹ Hà).

"Mùa hè tới, mời lãnh đạo quận ra đây ngồi phơi nắng cho mát!"

Độc giả Phan Trọng bình luận về vấn đề này bằng giọng điệu gay gắt: "Mùa hè tới, người dân mời cán bộ quận Ba Đình ra vườn hoa Hàng Đậu ngồi phơi nắng cho mát, thử xem lúc đó các vị sẽ nói thế nào. Vườn hoa Hàng Đậu hay công viên Thanh Xuân, những công trình chỉ toàn bê tông và đá hoa cương cùng vài cái cây xanh gọi là chứ chẳng thấy mọc. Tôi cho rằng những công trình đó hoàn toàn không phải vì dân.

Theo tôi, với một vườn hoa công viên nhỏ trong lòng thành phố, ngoài các lối đi được lát đá nhám hay gạch lá dừa, diện tích còn lại tốt nhất để trồng cỏ và cây xanh là hợp lý nhất. Không những phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, hóng mát thực tế cho người dân mà còn đem lại cảnh quan môi trường rất thân thiện.

Còn với vườn hoa Hàng Đậu, công trình này vừa tốn kém tiền bạc, vừa làm mất đi cảnh quan tươi mát vốn có. Vậy mà sau đó, họ còn muốn biến hồ Thiền Quang thành một tổ hợp quảng trường và chắc chắn cũng bê tông hóa y hệt vườn hoa Hàng Đậu. Giờ mùa xuân mát mẻ, nhưng thử hình dung chỉ vài hôm nữa, khi mùa hè đến thì có ai dám ra vườn hoa Hàng Đậu ngồi phơi nắng cho mát nữa không? Nếu không cải tạo được thì hãy giữ nguyên những gì vốn có của Hà Nội, đó đã là một thành công lớn trong việc gìn giữ nét đẹp của thủ đô rồi".

Tương tự, độc giả Canh Nguyen Ngoc cho rằng xu hướng "bê tông hóa" đang được quận Ba Đình "lạm dụng", triển khai tại nhiều điểm trong quận nhưng không hợp lý, không có tính hiệu quả cao. Độc giả này viết: "Quận Ba Đình đang triển khai nhiều điểm với thiết kế tương tự. Bản thân người dân thấy không phải chỗ nào cũng phù hợp và thực tế. Bê tông tạo khối nhưng chiếm hết không gian và cây xanh, chưa kể chăm sóc về lâu dài thì không đáp ứng được không gian sống của cây và hoa trong các tiểu cảnh".

Còn với người dùng Huong Nguyen, độc giả này sử dụng cụm từ "tầm nhìn vỉa hè" để ám chỉ về cách quy hoạch tại Hà Nội hiện nay: "Buồn cho Hà Nội quá, tư duy cũng bị "bê tông hóa" nên mới ra cơ sự vậy. Tầm nhìn vỉa hè, nên chỉ thấy bê tông mà không thấy đất trời, thấy thiên nhiên xung quanh".

"Hàng ngày đi qua, tôi có cảm nhận rằng đã mất vườn hoa Hàng Đậu rồi, giờ biết lấy tên gì mới đây? Không gian cây xanh và vườn đất thay thế bằng mảng miếng bê tông và đá, nặng nề, bức bối lắm", độc giả Manh Toan Ngo trải lòng.

Còn với độc giả Khanh Nguyen, là người con của thủ đô, sinh ra và lớn lên tại khu vực gần vườn hoa Hàng Đậu, anh không giấu được sự luyến tiếc, bùi ngùi khi một công trình gắn liền với tuổi thơ đã bị xóa sổ và chỉ còn lại "một mớ hỗn độn".

Người này trải lòng: "Tại sao họ  hay sửa chữa nơi công cộng? Tôi lớn lên ở khu vực này, nhưng những gì đang diễn ra khiến tôi như bị lạc. Vườn hoa Hàng Đậu là một trong những địa chỉ, hay còn gọi là mốc giới để đi, giống như cụm Hồ Gươm, Bưu điện Hà Nội hay các cửa ô. Nhưng bây giờ, chúng đâu rồi? Để lại cho thế hệ sau là những gì, một mớ hỗn độn? Tôi nhớ ngày xưa, UBND thành phố rất đẹp nhưng họ lại đập đi và thay bằng một cái cột đá. Rất nhiều thứ họ đã bỏ đi, xây lại, họ không sống ở thời kỳ mà trước đây, chúng ta đã có những thứ tuyệt đẹp".

"Đi qua cứ ngỡ phim trường Đào, phở và piano"

Bên cạnh việc làm mất màu xanh của thành phố, nhiều độc giả còn cho rằng dự án này biến khu vực vườn hoa Hàng Đậu không khác gì những lô cốt chiến tranh, hay thậm chí nặng nề hơn là làm người khác liên tưởng tới những khối bê tông trong… nghĩa địa.

Lấy ví dụ về bộ phim đang rất được quan tâm thời gian qua là "Đào, phở và piano", nói về Hà Nội thời chiến tranh, độc giả An Nhiên đưa ra phép so sánh hóm hỉnh: "Đi qua cứ ngõ phim trường Đào, phở và piano. Hà Nội lập lô cốt kháng chiến năm 1946 bằng bao cát, nay 2024 hiện đại hơn nên lập lô cốt bằng bê tông".

"Lập tức phải chỉnh sửa lại, thay đơn vị thiết kế, đục một số vị trí nền bê tông, thay gạch lỗ, tạo các block trồng cỏ và bổ sung các mảng thảm cỏ xanh để có không gian xanh mát như cũ. Mấy cái bồn cây hình "xe tăng" hay "mộ gió" kia cũng không phù hợp. Phía trước đã có những chiến sĩ cảm tử thì phải sạch bóng "xe tăng". Ngoài ra, phải cho thành bồn thấp xuống bằng mặt sân, bổ sung cây bóng mát và ghế đá", anh Minh Nguyen Quang nêu ý kiến và đưa ra giải pháp khắc phục.

"Thảm họa về cái gọi là cải tạo, nâng cấp. Rất lâu mới có dịp qua đây vào dịp Tết, việc đầu tiên mình nói ngay sau khi nhìn thấy bộ dạng mới là "Ôi! Sao lạ vậy, trước đây chỗ này khác nhiều mà?". Cái đập vào mắt là các bồn cây được ốp đá cứng, cao hơn rất nhiều so với nền sân, với mặt đường và đặc biệt với tượng đài. Giờ anh lính hay anh công nhân kia trên tượng đài chỉ còn biết… ngắm cái bồn cây. Một cải tạo rất không hợp lý", một ý kiến khác từ chủ tài khoản Vi NV.

Còn với anh Nguyễn Kiên Cường, anh cho rằng dự án này với các khối bê tông trắng như nấm mộ, không thấy cây xanh và hoa cỏ sẽ tạo cho người dân cảm giác như đi qua… nghĩa trang tưởng niệm hơn là vườn hoa. Tương tự, những người dùng có nickname Tôi Là Tôi hay Hai Doan cũng cho rằng cách thiết kế mới ở vườn hoa Hàng Đậu gợi cảm giác giống những… ngôi mộ hay khối bê tông ở nghĩa địa thay vì các vườn hoa.

Vườn hoa Hàng Đậu như lô cốt, giống phim trường Đào, phở và piano - 2

Không chỉ bê tông hóa, giảm bớt mảng xanh, mà kiến trúc mới còn quá nhiều góc cạnh, dốc trượt gây nguy hiểm cho trẻ em vui chơi tại đây (Ảnh: Mỹ Hà).

Lo ngại về sự an toàn cho trẻ em

Không chỉ vấp phải sự phản đối về mặt mỹ thuật, thiết kế, công trình này còn bị quan ngại về tính an toàn cho những người vui chơi tại đây, đặc biệt với trẻ em khi có sự xuất hiện của rất nhiều khối bê tông lớn, góc cạnh.

Anh Binh Nguyen Van nêu quan ngại: "Vườn hoa để mọi người, trong đó có trẻ em đến chơi. Liệu có đứa nào trèo lên những khối bê tông kia rồi trượt ngã vỡ đầu thì ai chịu trách nhiệm? Tất cả các công trình kiến trúc, công cộng khi sửa chữa, cải tạo hoặc xây mới cần xin ý kiến của người dân, cần công khai chi tiết dự án để mọi người cùng góp ý trước khi tiến hành thì mới tốt và đẹp được".

Tương tự, chủ tài khoản Adama Studio viết: "Không chỉ bê tông hóa, giảm bớt mảng xanh, mà kiến trúc mới còn quá nhiều góc cạnh, dốc trượt gây nguy hiểm cho trẻ em vui chơi tại đây".

"Toàn góc với cạnh vuông, nhọn. Chỉ nói một chuyện đơn giản: Đây sẽ là nơi nhiều trẻ em sẽ vui chơi, chạy nhảy, các cháu thường khó kiểm soát các hành vi, lỡ may xô, va, ngã vào mấy cái góc cạnh đó thì vô cùng nguy hiểm. Hãy học tập Nhật Bản, chỉ riêng đồ chơi cho trẻ mà các goc cạnh, gờ, viền… dù bằng nhựa đều được họ làm cho mịn màng. Chưa kể, công viên mà mất đi nhiều cây xanh, xấu quá thể. Thiết kế tồi và người phê duyệt cái này cũng thiếu thẩm mỹ. Công viên của chung thì lẽ ra nên lấy ý kiến người dân", độc giả Ha Nguyen Thanh phản ánh.

Hoàng Diệu (tổng hợp)