Vua đi cày

Trước chúng ta một nghìn năm có lẻ, tức là vào thời kỳ còn rất lạc hậu về thông tin cũng như về thể chế chính trị, đã có một vị Vua thân chinh cùng con trâu, xuống ruộng đi cày đúng như một người Dân!

Năm đó là năm Đinh Hợi (987). Vua đó là Lê Hoàn, vị Vua đầu tiên của triều Lê.

Từ đó trở về sau, trải qua các triều đại Lý, Trần… Nguyễn, các Vua Chúa đều làm theo và “Tịch Điền” trở thành Quốc Lễ - lễ cày ruộng!

VUA ĐI CÀY! Chắc chắn không phải vì thời đó nhân dân ta thiếu … “lực điền”, thiếu lao động, đến mức phải “huy động” đến cả Vua! Càng không phải vì chẳng có công việc gì để làm, sợ “nhàn cư vi bất thiện”, mà Vua phải ra ruộng đi cày cho khuây khỏa! Cần nhớ rằng, khi Lê Hoàn lên làm Vua (Lê Đại Hành), bên trong thì phải lo trấn áp các hào trưởng và xứ quân không chịu tuân phục, bên ngoài thì lo chống ngoại xâm. Việc triều chính ngổn ngang trăm mối. Vậy có thể khẳng định, việc cày “tịch điền”, chỉ có một nguyên cớ thôi, đó là Vua muốn thực sự quan tâm phát triển nghề nông và chăm lo đời sống của dân, khuyến khích dân tăng gia sản xuất cải thiện đời sống, sau nhiều năm đất nước trải qua chinh chiến. Quả vậy, theo www..hanam.gov.vn: “các cuốn sử cũ đều ghi chép Lê Hoàn… tiến hành lễ cày tịch điền, nhằm mục đích khuyến khích sản xuất nông nghiệp”.

VUA ĐI CÀY! Với một đất nước mà  Nông dân chiếm một tỉ lệ dân số rất cao như nước ta, thì đó là biểu  hiện cụ thể nhất của sự GẦN DÂN, của quan niệm DÂN VI BẢN, mà các triều đại đã nói rất hay, nhưng thực hiện nhiều khi không tương xứng! Triều đại nào thì Nông dân cũng đóng vai trò quyết định đến sự hưng  vong của triều đại đó. “Không có Nông dân thì kháng chiến ta không  thể thành công!”. Đã có một bài hát như thế vang mãi trong những  năm năm mươi, sáu mươi của thế kỉ trước!

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

VUA ĐI CÀY, thì quan làm sao dám chỉ biết ngồi võng lọng hạch sách Nhân dân? Nạn quan liêu hách dịch, nhờ đó mà cũng hạn chế đi rất nhiều.

VUA ĐI CẦY, tấm gương mẫu mực to  lớn đó cũng đã từng được chủ tịch HỒ CHÍ MINH noi theo. Chắc hẳn chúng ta không ai không có ít nhất một lần trông thấy trên truyền hình, hình ảnh vị chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngồi đạp guồng tát nước chống hạn cùng nông dân? Học trò của Hồ  Chí Minh cũng có nhiều người làm được những công việc tương tự: Nguyễn Chí Thanh từng lội ruộng cấy cùng nông dân, bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc đã có lần cải trang làm kẻ hành khất để tìm hiểu đời sống thực của dân thời bao cấp…!

VUA ĐI CÀY! Các triều đại phong kiến tiếp sau đã coi đó là QUỐC LỄ. Trong ngày Quốc lễ, Dân và Vua cùng xuống ruộng đi cày, chứ không phải là dùng đại tiệc hay lên lầu xem bắn pháo hoa. Đại tiệc cũng tốt, pháo hoa cũng tốt, bởi đó là hình ảnh của Đất Nước Phồn Vinh; nhưng giá như có thêm những lễ kiểu như… lễ Tịch Điền!..

Được tin đầu năm mới này, năm con Trâu, nhằm ngày 6 và 7 Tết, tỉnh Hà Nam dự kiến sẽ tổ chức “Phục dựng đại lễ Tịch điền” tại chân núi Đọi (huyện Duy Tiên), tức tại chính nơi lần đầu tiên cách nay trên một ngàn năm, Vua Lê Đại Hành đã thực hiện việc đi cày. Một việc làm vô cùng ý nghĩa! Và ý nghĩa sẽ còn to lớn hơn, nếu như đó không chỉ dừng lại ở sự “Phục dựng”,trìnhdiễn.   

Phục dựng đại lễ Tịch điền là một việc làm mang tính “Ôn cố tri tân”. Học Người xưa không nhất thiết cũng phải vác cày lội ruộng như Lê Đại Hành, hoặc xuống đồng tát nước như Hồ Chủ tịch. Nhưng cái tinh thần cốt lõi của “TỊCH ĐIỀN” là gần Dân, thương Dân, trọng Dân, vì Dân; là “lấy Dân làm gốc” - phải được thấm nhuần trong tư tưởng, phẩm cách cũng như hành động cụ thể của người cán bộ cách mạng.

Vâng! Đó là cách tốt nhất nhớ  lại Lễ Tịch Điền - một thời đã được tôn làm QUỐC LỄ!

Trần Huy Thuận
(Nam Định)

LTS Dân trí - Năm nay là năm Con Trâu, chúng ta nhớ lại sự tích hơn nghìn năm trước: Vua Lê Đại Đại Hành đã thân chinh cùng con trâu đi cày ruộng. Đấy là hình ảnh sâu đậm thể hiện rõ tầm vóc tư tưởng cũng như hành động gương mẫu và tác phong hết sức gần dân của Vị Vua khởi đầu cho sự nghiệp Nhà Lê, mở ra thời kỳ hưng thịnh của đất nước.

Hành động đó cũng cho thấy Người đứng đầu đất nước từ thời ấy đã thấy rõ ý nghĩa quan trọng của lao động sản xuất nông nghiệp cũng như vai trò của người nông dân.

Câu chuyện “Vua đi cày ruộng” cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc mà các đời sau cần kế thừa và phát huy như bài viết trên đây đã nêu rõ.