Nam Định - Bài 6:
Vụ xã vay tiền dân 14 năm không trả: Công lý thực thi sau 5 kỳ báo Dân trí
(Dân trí) - Sau 5 kỳ báo của Dân trí phản ánh sự việc UBND xã Nghĩa An, huyện Nam Trực (Nam Định) chây ì khoản nợ đã vay của ông Mai Văn Phong, công lý đã chính thức được thực thi!
Vui mừng "khoe" với PV Dân trí, ông Mai Văn Phong cho biết, UBND xã Nghĩa An mới đây đã chính thức chuyển tiền vào tài khoản của Chi cục Thi hành án huyện Nam Trực theo đúng quy trình, ngay sau đó ông sẽ nhận lại được số tiền đã cho UBND xã Nghĩa An vay nợ trước đây.
Không giấu được sự xúc động, ông Phong một lần nữa gửi lời cảm ơn tới báo Dân trí đã quyết liệt vào cuộc giúp đỡ ông giành lại công lý, điều mà ông tưởng chừng không thể nào giải quyết được:
"Một khoản nợ rất nhỏ đối với chính quyền, nhưng lại là một tài sản đáng giá với người dân, trong một sự việc mà công lý rõ ràng đã thuộc về người dân, nhưng không hiểu sao nó lại không được thực thi. Công lý trong sự việc của gia đình tôi bị đẩy đi đẩy lại từ xã lên huyện, từ đời chủ tịch nọ sang chủ tịch kia... ròng rã 14 năm trời. Chỉ khi lá đơn cầu cứu của tôi may mắn được gửi tới báo Dân trí, công lý mới được thực hiện.
Báo Dân trí chính là cầu nối của nhân dân, luôn lắng nghe, không nề hà giúp đỡ người dân khắp mọi miền tổ quốc. Xin chân thành cảm ơn quý báo đã giúp đỡ tôi có được cái kết có hậu cho chuỗi ngày cuối đời của mình!", ông Mai Văn Phong ngậm ngùi.
Như Dân trí đã thông tin, năm 2006 UBND xã Nghĩa An vay 116.400.000đ của gia đình ông Mai Văn Phong để chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng xây trường học.
Sau khi các công việc đã hoàn thành, gia đình ông Phong có ý kiến với xã để xin lại số tiền đã vay thì xã trả lời là chưa rút được tiền. Cứ thế, hết năm này qua năm khác mà UBND xã không trả cho gia đình ông, đến nay là 14 năm.
Quá bức xúc, tháng 6/2018, ông Phong làm đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Nam Trực. Ngày 16/10/2018, TAND huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự giữa nguyên đơn là ông Mai Văn Phong và bị đơn là UBND xã Nghĩa An, huyện Nam Trực.
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên: buộc UBND xã Nghĩa An có nghĩa vụ trả cho ông Phong số tiền vay gốc là 116.400.000đ.
Ngày 26/3/2019, Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự (THADS) huyện Nam Trực đã ký quyết định thi hành án số 220/QĐ-CCTHADS, cho thi hành án đối với UBND xã Nghĩa An, buộc phải trả số tiền trên cho ông Phong trong thời hạn 10 ngày kể từ khi nhận được thông báo.
Tuy nhiên bản án đã tuyên được 2 năm mà ông Phong vẫn chưa nhận được số tiền đã cho UBND xã Nghĩa An vay, hàng loạt đơn thư được ông Phong gửi đến các cơ quan chức năng trong tỉnh đề nghị giải quyết, nhưng đều nhận được câu trả lời chung chung với nội dung: "UBND huyện đã nhận được báo cáo của UBND xã Nghĩa An và đã giao cho phòng tài chính kế hoạch hướng dẫn UBND xã thủ tục hoàn thiện hồ sơ".
Càng xót xa hơn, khi vợ ông Phong đã mất trên con đường cùng chồng chờ mòn mỏi 14 năm để có tiền đi chữa bệnh trọng, nhưng "con nợ" chây ì vì còn mải đổ lỗi, chờ ý kiến chỉ đạo từ cấp trên… Trước khi vợ nhắm mắt, ông Phong đã nuốt nước mắt vào trong để nói dối bà rằng "hay tin bà trở nặng, xã đã cử người xuống trả tiền cả gốc lẫn lãi rồi, mình yên tâm đi nhé!".
Bản thân ông cũng đang bị bệnh tiểu đường giai đoạn cuối đã biến chứng, tình trạng bệnh khá nặng, 2 người con thì một đã mất, người còn lại do di chứng chất độc da cam nên không được nhanh nhẹn lại lấy chồng xa. Ông phải sống trong cảnh một mình tự chăm sóc bản thân, giờ nếu chẳng may có cơn bệnh nặng ập đến, tiền không có để chữa trị, cũng chẳng biết bấu víu vào ai.
Sau 4 kỳ báo phản ánh của Dân trí, ngày 18/11/2010, ông Lưu Quang Tuyển - Chủ tịch UBND huyện Nam Trực cho PV Dân trí biết, ông đã chủ trì buổi họp với một số ban ngành của huyện gồm: tài chính, kho bạc, tài nguyên môi trường cùng UBND xã Nghĩa An.
"Buổi họp đã đi đến thống nhất là tới đầu tháng 01/2021, bằng nguồn ngân sách địa phương mới được phân bổ cho năm mới sẽ ưu tiên dành trả nợ cho bác Phong đầu tiên. Tôi đã chỉ đạo UBND xã Nghĩa An xuống kho bạc tỉnh Nam Định làm tạm ứng ngân sách để trả bác, sau đó sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết để hoàn thiện hồ sơ khép lại vụ việc".
Chia sẻ thêm với PV, ông Tuyển cho biết quả thực ông khá áp lực khi mới tiếp nhận vị trí Chủ tịch huyện được 2 tháng, đã phải nhận nhiệm vụ khá "nhạy cảm" tồn đọng từ mấy đời chủ tịch để lại. "Quan điểm của tôi là nợ thì phải trả, không thể để sự việc kéo dài thêm được nữa, 14 năm là quá đủ với cuộc đời của một con người!".