Vụ trộm nước sạch sông Đà gây thiệt hại hơn 1 tỷ: Có thể bị phạt 20 năm tù?
(Dân trí) - Theo luật sư, hành vi tự ý đấu nối trái phép đường ống nước có dấu hiệu của tội Trộm cắp tài sản. Nếu giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên, người phạm tội có thể bị phạt 20 năm tù.
Như đã đưa tin, Công ty CP Viwaco vừa phát hiện một vụ đấu trộm nước sạch sông Đà lớn nhất từ trước tới nay, xảy ra tại địa chỉ 17 Hồ Tùng Mậu, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy.
Theo đó, ngày 29/12/2022 trong quá trình cải tạo mạng lưới cấp nước tuyến đường Hồ Tùng Mậu, Công ty CP Viwaco phát hiện 1 đai nước nối từ ống phân phối gang DN200 ra ống HDPE 50 dẫn nước vào trong nhà khách hàng tại địa chỉ 17 Hồ Tùng Mậu. Theo tính toán của đơn vị cấp nước, khối lượng thất thoát lên tới hơn 1 tỷ đồng.
Có thể nói, đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn gây thất thoát, lãng phí nguồn nước - nguồn tài nguyên có vai trò đặc biệt quan trọng đối với đời sống con người cũng như sản xuất công - nghiệp… Nhiều độc giả Dân trí cho rằng, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng xác định thiệt hại, làm căn cứ để xử lý nghiêm hành vi vi phạm, đảm bảo tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật cũng như góp phần bảo vệ, gìn giữ nguồn tài nguyên nước.
Được biết, Công ty đã tiến hành mời khách hàng lên làm việc nhưng ông này không đến. Với thiệt hại gây ra đã rõ ràng như vậy, người này có thể đối diện với hình thức xử lý thế nào là điều khiến nhiều độc giả thắc mắc.
Trao đổi về vụ việc, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, người dân khi sử dụng nước sạch phải có nghĩa vụ thanh toán theo số nước mà bản thân và gia đình đã sử dụng. Tuy nhiên, trong vụ việc này, người dân đã có hành vi đấu trộm nước sạch sông Đà và theo ước tính ban đầu của Công ty CP Viwaco thì số tiền thiệt hại có thể lên tới 1 tỷ đồng.
Hành vi đấu trộm nước sạch là hành vi vi phạm pháp luật, cơ quan chức năng cần nhanh chóng làm rõ, xác định thiệt hại để kịp thời xử lý về hành vi trái pháp luật trên.
Hành vi "trộm cắp nước" được quy định tại Nghị định 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 124/2011/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2007/NĐ-CP.
Theo đó, đây là hành vi lấy nước trái phép không qua đồng hồ đo nước, tác động nhằm làm sai lệch chỉ số đo đếm của đồng hồ và các thiết bị khác có liên quan đến đo đếm nước, cố ý hoặc thông đồng ghi sai chỉ số đồng hồ và các hành vi lấy nước gian lận khác. Và theo quy định tại khoản 5 Điều 10 Nghị định này, trộm cắp nước là hành vi bị nghiêm cấm.
Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi, mà người này có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo ước tính sơ bộ từ phía Công ty Viwaco, nếu tính toán tổn thất nước do hộ dân đấu nối trái phép từ thời điểm đơn vị tiếp nhận đường ống sông Đà năm 2009 đến nay, tổng thiệt hại của công ty là hơn 1 tỉ đồng; nếu tính theo chỉ số nước của hộ gia đình đang sử dụng (theo đồng hồ là 3.817m3), nhân ba lần (do đường ống đấu trộm lớn gấp 3) thì thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng.
Căn cứ vào quy định của pháp luật và số tiền thiệt hại đã được ước tính, có thể thấy hành vi tự ý đấu nối trái phép đường ống nối từ mạng lưới cấp nước sông Đà để sử dụng của hộ dân có địa chỉ tại đường Hồ Tùng Mậu (phường Mai Dịch, Cầu Giấy) có dấu hiệu của tội Trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự.
Đối với tội danh này, nếu giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên, theo khoản 4 Điều 173 Bộ luật này, người phạm tội có thể bị phạt tù với mức phạt cao nhất là 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Tuy nhiên, để xác định cụ thể khung hình phạt đối với tội này, Luật sư Tiền cho rằng cần có kết luận định giá tài sản chính thức từ phía cơ quan chức năng nhằm xác định thiệt hại của Công ty CP Viwaco bị gây ra bởi hành vi đấu trộm nước.