Vụ tranh đoạt tang vật tiêu huỷ: Người lấy và người quản lý phạm luật thế nào?
(Dân trí) - “Vụ tranh nhau chiếm đoạt tang vật trước giờ tiêu huỷ xảy ra ngay tại trụ sở cơ quan nhà nước, trong lúc cơ quan chức năng đang thực hiện nhiệm vụ, có sự tham gia của nhiều bên là biểu hiện sự coi thường pháp luật, thiếu nghiêm túc và buông lỏng quản lý của người có thẩm quyền của cơ quan chức năng khi thi hành, giám sát thi hành công vụ”, luật sư Đào Thị Liên nhận định.
Ngày 21/10/2016, tại Bộ KH&CN, Thanh tra Bộ đã phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an thành phố Hà Nội (PC 46) tổ chức tiêu hủy hàng hóa vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp. Việc tiêu hủy được thực hiện bởi Hội đồng tiêu hủy hàng hóa vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp gồm các cán bộ của Thanh tra Bộ KH&CN và PC 46, Công an thành phố Hà Nội (theo Quyết định số 104/QĐ-TTra của Chánh Thanh tra Bộ KH&CN) và cán bộ của Bộ KH&CN tham gia cắt, tiêu huỷ hàng hoá vi phạm.
Tuy nhiên, ngay khi hàng chuẩn bị được đưa đi tiêu huỷ, nhiều người có mặt tại đây đã ào ào lao vào tranh đoạt, lấy hàng hóa vi phạm mang ra khỏi khu vực tiêu hủy. Trong khi Bộ trưởng Bộ KH&CN yêu cầu làm rõ sai phạm và xử lý nghiêm đối với các đơn vị, cá nhân, tổ chức tham gia đợt tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp này thì Luật sư Đào Thị Liên - Công ty Luật Tiền Phong (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đã đưa ra những phân tích sự việc dưới góc độ pháp lý.
Theo Luật sư Liên, Nghị định số: 115/2013/NĐ-CP quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu:
Điều 4. Các hành vi bị nghiêm cấm
…1. Chiếm đoạt, bán, trao đổi, cầm cố, thế chấp, đánh tráo, thay thế tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu và các hành vi trục lợi khác.
Điều 9. Trách nhiệm trong quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu
1. Người ra quyết định tạm giữ, tịch thu có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu.
2. Trường hợp tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Người trực tiếp quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định tạm giữ, tịch thu về việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện.
Tang vật bị bỏ lại sau khi bị những người chiếm đoạt bới móc, chọn lựa.
Điều 14. Giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản
….6. (…..) trường hợp để xảy ra mất, bán, đánh tráo, trao đổi, cầm cố hoặc có hành vi định đoạt khác đối với phương tiện thì phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Nhận định về việc những hành vi đang bị dư luận phản ứng gay gắt này, luật sư Liên cho rằng: “Sự kiện này rất đáng chú ý ở điểm xảy ra ngay tại trụ sở của Bộ Khoa học và Công nghệ, có sự có mặt của liên ngành: Thanh tra Bộ KH&CN và Phòng PC 46 Công an TP Hà Nội mà để xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm điều cấm. Vì vậy, cả 2 hành vi chiếm đoạt tang vật và hành vi buông lỏng quản lý để tang vật bị mất đều vi phạm pháp luật”.
Theo luật sư Liên, tuy việc chiếm đoạt số lượng tang vật không nhiều, quy mô không lớn, có thể chỉ với mục đích lấy đồ để sử dụng nhưng hành vi xảy ra ngay tại trụ sở Bộ, trong lúc cơ quan chức năng đang thực hiện nhiệm vụ, có sự tham gia của nhiều bên thể hiện sự coi thường pháp luật, thiếu nghiêm túc và buông lỏng quản lý của người có thẩm quyền của cơ quan chức năng khi thi hành, giám sát thi hành công vụ.
Luật sư Đào Thị Liên: "Cả người lấy và người quản lý tang vật đều phạm luật”
“Mặc dù Nghị định 115/2013/NĐ-CP quy định: “chiếm đoạt tang vật” là hành vi bị cấm (điều 4) và “trường hợp để xảy ra mất, bán, đánh tráo, trao đổi, cầm cố hoặc có hành vi định đoạt khác đối với phương tiện thì phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của pháp luật” (điều 14) nhưng không quy định chế tài xử lý cụ thể. Đây là một khe hở, gây khó khăn trong việc xử lý người có hành vi này.
Tuy nhiên, Luật Cán bộ Công chức năm 2008 quy định CBCC có nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật (điều 8), có thể bị xử lý bằng các hình thức: khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc bãi nhiệm. Người có thẩm quyền mà lơi lỏng quản lý để tình trạng vi phạm pháp luật diễn ra trong quá trình thực thi pháp luật cũng có thể bị xử lý theo Luật CBCC.
Ngoài ra, chiểu theo quy định tại Nghị định 115/2013/NĐ-CP, Nghị định 99/2013/NĐ - CP Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; Thông tư 11/2015/TT – BKHCN của của bộ khoa học công nghệ, tịch thu lại tất cả những sản phẩm bị tiêu hủy đã bị chiếm đoạt”, luật sư Liên nói.
Xin cảm ơn luật sư!
Anh Thế (thực hiện)