Vụ tiếp viên hàng không bán dâm: Có được công khai danh tính người mua dâm?

Hải Hà

(Dân trí) - Luật sư cho biết, hành vi mua dâm và bán dâm không thuộc trường hợp cơ quan công an được phép công khai danh tính của những người thực hiện hành vi này.

Như đã đưa tin, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM vừa triệt phá đường dây môi giới mại dâm tiếp viên hàng không, người mẫu ảnh do Vỏ Thị Mỷ Hạnh (26 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cầm đầu.

Quá trình điều tra, công an xác định Mỷ Hạnh quản lý trên 30 gái bán dâm, trong đó có các nữ tiếp viên của nhiều hãng hàng không như: Vietnam Airlines, Bamboo Airways, các tiếp viên VietJet và nhiều người đẹp, người mẫu ảnh nổi tiếng. Giá bán dâm một lần là 27 triệu đồng, tương đương hơn 1.000 USD; trường hợp khách muốn qua đêm phải trả số tiền 60 triệu đồng, tương đương khoảng 3.000 USD.

Mỷ Hạnh thu tiền trực tiếp qua chuyển khoản ngân hàng của khách mua dâm và chuyển trả cho gái bán dâm. Mỗi lần môi giới thành công, Hạnh được hưởng 7 triệu đồng.

Ngoài việc môi giới mại dâm, Hạnh còn trực tiếp tham gia bán dâm với giá hàng nghìn đô cho các đại gia tại Hà Nội, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, thông qua một số người nổi tiếng môi giới.

Gửi bình luận về báo Dân trí, độc giả thắc mắc, tại sao sau khi các vụ bán dâm nghìn đô bị triệt phá, cơ quan chức năng không công khai danh tính người mua, bán dâm?

Vụ tiếp viên hàng không bán dâm: Có được công khai danh tính người mua dâm? - 1

Vỏ Thị Mỷ Hạnh khi còn là tiếp viên hàng không (Ảnh: Công an cung cấp).

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, cho biết, việc những hoa hậu, người mẫu, tiktoker, thậm chí là những người có tiếng trong showbiz thực hiện hành vi mua bán dâm không phải là chuyện hiếm. Sau khi triệt phá các đường dây này thì cơ quan công an sẽ để tên viết tắt, che mặt của những người bán dâm và không công khai danh tính người mua dâm.

Việc này nhằm bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân. Điều này phù hợp với quy định tại Điều 21 của Hiến pháp 2013: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình" và tại Điều 34 Bộ luật dân sự 2015: "Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ".

Trên thực tế hành vi mua dâm và bán dâm chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 24, Điều 25 Nghị định 144/2021/NĐ-CP trừ trường hợp mua dâm người dưới 18 tuổi sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 329 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Theo quy định tại Điều 72 Văn bản hợp nhất số 31/VBHN -VPQH ngày 07 tháng 12 năm 2020 về Luật xử lý vi phạm hành chính, việc công bố, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính chỉ áp dụng trong trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược;

Khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt.

Như vậy, hành vi mua dâm và bán dâm không thuộc trường hợp cơ quan công an được phép công khai danh tính của những người thực hiện hành vi này.