Vụ sập web đấu giá biển số đẹp: Nên đấu thầu lựa chọn đơn vị đủ năng lực?

PV

(Dân trí) - Nhiều độc giả không đồng tình với lời xin lỗi từ Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam và yêu cầu đơn vị này đưa phương án đền bù.

Theo thông tin được thông cáo rộng rãi trên báo chí, phiên đấu giá trực tuyến biển số ô tô lần đầu tiên tại Việt Nam sẽ diễn ra vào lúc 9h15 đến 11h05 ngày 22/8. Thế nhưng từ 9h20 phút, trang web truy cập vào hệ thống đấu giá (https://dgbs.vpa.com.vn/) do Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam (VPA) vận hành đã trong tình trạng quá tải. 

Nhiều người dù đã đăng ký và đặt cọc tiền tham gia đấu giá thành công nhưng không thể truy cập tài khoản. 10h22 sáng ngày 22/8, trang web đấu giá biển số ô tô hiện thông báo "Các cuộc đấu giá biển số ngày 22/8/2023 tạm dừng vì lý do kỹ thuật". 

Không chỉ những người đã đặt cọc 40 triệu để tham gia đấu giá biển số mà dư luận cũng vô cùng hoang mang trước sự việc hi hữu này. 

Vụ sập web đấu giá biển số đẹp: Nên đấu thầu lựa chọn đơn vị đủ năng lực? - 1

Bà Lâm Thị Mai Anh, Giám đốc VPA, đưa ra lời xin lỗi tại phiên họp báo (Ảnh: Nguyễn Hải).

Đến chiều 22/8, bà Lâm Thị Mai Anh - Giám đốc Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam đã gửi lời xin lỗi đến khách hàng trong phiên họp báo vì sự cố nghiêm trọng ngay trong phiên đấu giá đầu tiên. Tuy nhiên dư luận không đồng tình với lời xin lỗi của bà Mai Anh!.

Rất nhiều độc giả đã đưa ra các góc nhìn đa chiều về vụ việc, cho rằng đơn vị tổ chức cần có trách nhiệm với sự việc trên chứ không chỉ xin lỗi là xong.

Đơn vị tổ chức có đủ năng lực thực hiện?

Đây là băn khoăn của không ít độc giả Dân trí trong loạt bài viết nói sự cố sập hệ thống trong phiên đấu giá biển số ô tô đẹp ngày 22/8. Nhiều độc giả còn dẫn ra những trường hợp có hệ thống truy cập lớn hơn nhưng hoạt động vẫn rất trơn tru.

Độc giả Tuan Nguyen Trung: "Có số người đặt cọc là biết được lượng người sẽ truy cập để lên phương án rồi chứ sao mà để sập được?".

Độc giả Đăng Khoa Phạm: "Ăn thua gì với lượng người xem điểm thi tốt nghiệp THPT, 1 server (máy chủ) mà không chịu nhiệt được 1.000 - 10.000 người truy cập cùng lúc thì không thể tả, lượng tiền đấu giá rất lớn mà làm ăn như vậy".

Song song với đó, độc giả đề xuất giải pháp để việc vận hành cho những lần tới, hoặc trường hợp tương tự được trơn tru, thuận lợi. Đặc biệt khi năm 2023 là năm ghi nhận nhiều dự án số hóa đã, đang và sẽ được triển khai.

Vụ sập web đấu giá biển số đẹp: Nên đấu thầu lựa chọn đơn vị đủ năng lực? - 2

Trang web đấu giá biển số xe thông báo dừng đấu giá vì lý do kỹ thuật khiến nhiều người không hài lòng (Ảnh chụp màn hình).

Độc giả giang tranvan: "Theo quy định, những người tham gia đấu giá sẽ nộp tiền đặt cọc chậm nhất 3 ngày trước thời điểm diễn ra đấu giá, nghĩa là VPA hoàn toàn nắm được số lượng người sẽ tham gia phiên đấu giá. Vậy tại sao không tính sẵn các phương án bất trắc có thể xảy ra?".

Độc giả Quang: "Tại sao mỗi người đăng ký đấu giá, Công ty không cấp mã số cho người tham dự. Chỉ ai có đăng ký tham gia và đóng tiền cọc mới đăng nhập vào được theo mã số được cấp để vào đấu giá".

Độc giả Tuấn Đào cho rằng, nên đấu thầu doanh nghiệp tổ chức đấu giá để lựa chọn người đủ năng lực.

Độc giả Hữu Phước Đặng: "Tôi không tham gia đấu giá, chỉ đọc tin thôi mà còn thấy bực mình. Nên chăng để cho đơn vị khác có tiềm năng hơn thực hiện việc này".

Lỗi thì lỗi rồi, tiếp theo sẽ ra sao? 

Sự cố sập hệ thống đấu giá thực tế đã xảy ra và không thể đặt lệnh "quay trở lại" như khi sử dụng máy tính thông thường. Và điều độc giả quan tâm bây giờ là cách xử lý của VPA, nhất là khi tất cả những người đăng ký đấu giá hôm đó đều phải đặt cọc 40 triệu đồng.

Độc giả Nguyên Nguyễn: "Sai thì sửa. Và cách sửa tốt nhất là đền bằng tiền của doanh nghiệp".

Độc giả David Dang: "VPA giải thích và xin lỗi như một trò đùa... Hệ thống đơn vị giao dịch quốc gia mà có thể gọi là quá tải "lag" (chậm trễ) như mấy game online (trò chơi điện tử trực tuyến) với số lượng người chơi cùng 1 thời điểm có thể lên tới con số cả trăm ngàn so với số lượng người tham gia đấu giá đã được giới hạn sàng lọc bằng hình thức cọc 40 triệu?.

Game online khi bị lag hệ thống thì các nhà phát hành đều có đền bù phù hợp với từng thời điểm để đảm bảo độ uy tín cho nhà phát hành dù đó là tài sản game (ảo). Vậy 40 triệu tiền cọc của người tham gia đấu giá nếu tính lãi suất qua đêm hay ngày/tuần/tháng thì VPA sẽ tính thế nào? Thiệt hại tài sản của người tham gia đấu giá là có thật khi đóng tiền cọc (tính theo % lãi suất qua đêm) cho sàn VPA thì VPA cần có động thái đền bù thay vì chỉ xin lỗi và giải thích qua loa như vậy để xứng đáng là một sàn giao dịch tài sản tầm cỡ quốc gia".

Độc giả Hồ Anh Tuấn: "Đơn vị đấu giá phải đền bù thiệt hại cho người đấu giá. Vì số tiền cọc rất lớn mà gửi ngân hàng qua đêm lãi không nhỏ".

Độc giả Nhân Nghĩa: "Tiền cọc 40 triệu, nếu số lượng người tham gia đấu giá lớn đến nỗi hệ thống bị sập, thì phải lên đến hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn người tham gia. Số tiền đóng băng của khách hàng lên đến chục, trăm tỷ, thậm chí là cả nghìn tỷ đồng. Nhưng đến nay VPA vẫn chưa thông báo thời gian sẽ tổ chức lại phiên đấu giá".

Độc giả Phạm Việt Hải: "Đơn vị tổ chức đấu giá gặp lỗi đáng lẽ phải đền bù số tiền bằng số tiền đặt cọc cho người tham gia đấu giá mới đúng. Người tham gia đấu giá nếu mất internet, mất điện không tham gia được thì bị mất tiền đặt cọc mà".

Luật sư Hoàng Thị Thu, Giám đốc Công ty luật MTV Hoàng Thu cho rằng, trong trường hợp này, VPA cần nhanh chóng thông báo đến người tham gia đấu giá thời gian tổ chức đấu giá lại, cũng như quyền lợi của người tham gia đấu giá trong phiên đấu giá lại để đảm bảo quyền lợi của họ.

"Đồng thời đơn vị cũng cần kịp thời phản hồi, giải đáp các thắc mắc, khiếu nại, yêu cầu của người tham gia đấu giá và khắc phục toàn bộ lỗi về mặt hạ tầng kỹ thuật để tổ chức phiên đấu giá lại theo đúng thời gian đã thông báo.

Trường hợp Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam không thực hiện đầy đủ các trách nhiệm nêu trên, người tham gia đấu giá có quyền yêu cầu đơn vị tổ chức đấu giá giải quyết hoàn trả tiền đặt trước, và kiến nghị thẩm định lại điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến của Công ty này", luật sư Thu cho biết.

Trước lần sập phiên đấu giá, vào cuối tháng 7, trang web của công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam cũng từng rơi vào trạng thái gián đoạn do lượng người truy cập để đăng ký lớn.

Một vài lỗi thường gặp ở thời điểm đó là sau khi đăng ký, rất lâu mới có thể tiến hành vào bước tiếp theo; Dù đã đăng tải Căn cước công dân nhưng dùng lại nhận được thông báo "Căn cước công dân chỉ được đăng ký 1 lần". Cũng có người phải đợi cả tiếng đồng hồ mới nhận được mã OTP để tiến hành các bước tiếp theo.

Hải Đăng