Vụ nữ sinh tố thầy giáo quấy rối: Cần thêm căn cứ gì để sáng tỏ vụ việc?
(Dân trí) - Theo luật sư, để có căn cứ chứng minh nội dung đơn tố cáo là đúng sự thật, nữ sinh cần cung cấp các thông tin, hình ảnh, ghi âm, ghi hình để làm bằng chứng về hành vi quấy rối.
Một số vụ việc nữ sinh viên tố giảng viên quấy rối tình dục, hay giáo viên xâm hại học trò xảy ra gần đây đã khiến nhiều người bức xúc và bất bình về hành vi của các đối tượng.
Cách đây vài ngày, những lá đơn tố cáo một giảng viên Trường đại học Thủ đô (Hà Nội) quấy rối tình dục nữ sinh viên lại một lần nữa làm cho dư luận hết sức quan tâm, mặc dù chưa có sự xác nhận từ cơ quan chức năng.
Lúc này, việc cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, xác minh để làm rõ có hay không hành vi quấy rối tình dục, để kịp thời xử lý vi phạm nếu có, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại là điều hết sức cần thiết.
Những người đang quan tâm, theo dõi sự việc đặt ra câu hỏi: Ngoài đơn tố cáo, nữ sinh cần cung cấp những bằng chứng gì khi làm việc với nhà trường và cơ quan chức năng? Trong trường hợp có căn cứ xác định vị giảng viên có hành vi quấy rối tình dục với sinh viên đúng như nội dung đơn tố cáo, thì người này có thể bị xử lý như thế nào?
Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội đã trả lời các thắc mắc nêu trên.
Ngoài đơn tố cáo, nữ sinh cần cung cấp những bằng chứng gì khi làm việc với nhà trường và cơ quan chức năng?
Để có căn cứ chứng minh nội dung đơn tố cáo của mình là đúng sự thật, nữ sinh viên khi làm việc với nhà trường, với cơ quan chức năng cần cung cấp các thông tin, tài liệu cũng như những hình ảnh, đoạn ghi âm, ghi hình trích xuất từ camera để làm bằng chứng chứng minh giảng viên đã có hành vi quấy rối tình dục.
Đồng thời, nữ sinh này cần thu thập thêm lời khai, lời làm chứng của những người chứng kiến vụ việc hoặc những nạn nhân bị quấy rối (nếu có) để củng cố thêm chứng cứ, tạo điều kiện để cơ quan chức năng nhanh chóng giải quyết vụ việc.
Nếu là cán bộ, công chức, viên chức tại trường, thầy giáo này có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật nào theo pháp luật nếu bị xác định đã quấy rối sinh viên?
Hành vi quấy rối tình dục được hiểu là hành vi vi phạm đạo đức, vi phạm quy chế, nội quy của cơ sở đào tạo. Vì vậy, trong vụ việc trên, khi nhà trường nhận được đơn tố cáo của 2 nữ sinh viên về việc bị một giảng viên quấy rối tình dục, cưỡng bức, trước hết cần tiến hành xác minh, kiểm tra thông tin nêu trên, trường hợp cần thiết có thể đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp để có các biện pháp xử lý phù hợp.
Theo đó, nếu có căn cứ xác định thầy giáo này có hành vi quấy rối tình dục đối với nữ sinh viên, Ban giám hiệu Trường Đại học Thủ đô sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả của hành vi để tiến hành xử lý kỷ luật đối với người này. Theo thông tin ban đầu, thầy T. là giảng viên môn Quốc phòng an ninh, khoa Khoa học Thể thao và Sức khỏe.
Do đó, căn cứ vào Điều 15 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định về hình thức kỷ luật đối với viên chức, biện pháp xử lý kỷ luật mà người này có thể bị áp dụng là khiển trách, cảnh cáo, hoặc nặng nhất là buộc thôi việc. Còn trong trường hợp thầy T. là viên chức giữ chức vụ quản lý, thì biện pháp kỷ luật áp dụng với người này bao gồm: khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc cao nhất là buộc thôi việc.
Trường hợp nếu không có yêu cầu từ phía nhà trường hoặc nữ sinh, công an có thể vào cuộc hay không nếu nhận thấy vụ việc gây xôn xao dư luận, làm ảnh hưởng an ninh trật tự xã hội?
Luật sư Trần Xuân Tiền cho biết, căn cứ vào Điều 143 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, khi nhận được nguồn tin về tội phạm, cơ quan công an có thẩm quyền và trách nhiệm tiến hành các hoạt động xác minh, kiểm tra thông tin ban đầu. Cụ thể, nguồn tin tội phạm bao gồm tố giác của cá nhân; tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân tổ chức; tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng; kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước; cơ quan có thẩm quyền trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm hoặc người phạm tội tự thú.
Như vậy, trong trường hợp lực lượng chức năng nhận được tố giác, tin báo tội phạm về hành vi quấy rối tình dục của giảng viên trường Đại học Thủ đô Hà Nội hoặc phát hiện có dấu hiệu vi phạm trong vụ việc này thì cơ quan điều tra đều có thẩm quyền tiến hành xác minh, điều tra làm rõ tình tiết của vụ án mà không cần đơn tố giác tội phạm từ phía nữ sinh là nạn nhân hay nhà trường. Quy định như vậy nhằm mục đích không bỏ lọt tội phạm, phát hiện và xử lý kịp thời người phạm tội, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại.
Bên cạnh đó, Điều 27 Luật tố cáo 2018 cũng quy định: trong trường hợp khi giải quyết đơn tố cáo của nữ sinh, cơ quan có thẩm quyền phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra và Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết. Vì vậy, nếu nữ sinh hay nhà trường không có đơn tố giác, cơ quan công an vẫn có thể giải quyết vụ án.
Nếu bị xác định đã có hành vi quấy rối tình dục, thầy giáo có thể bị xử phạt hoặc xử lý hình sự ra sao?
Trong trường hợp người thầy giáo có hành vi quấy rối tình dục sinh viên nữ, thì tùy thuộc vào tính chất và mức độ của hành vi vi phạm, người này có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, đối với xử phạt hành chính, người thầy giáo có hành vi quấy rối tình dục có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng và phải buộc xin lỗi công khai đối với nạn nhân căn cứ theo quy định tại điểm đ khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, nếu có căn cứ chứng minh giảng viên này có hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của nạn nhân thì có thể bị khởi tố về Tội Làm nhục người khác căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 155 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Mức hình phạt người này có thể phải đối mặt là phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Ngoài ra, người này còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trường hợp tố cáo không có cơ sở, thầy giáo có quyền yêu cầu nữ sinh và nhà trường bồi thường vì xâm phạm đến hình ảnh của mình hay không?
Luật sư cho rằng, việc tố cáo không đúng sự thật sẽ gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo. Điều 10 Luật tố cáo 2018 cũng quy định, người bị tố cáo có quyền được phục hồi danh dự, khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, được xin lỗi, cải chính công khai, được bồi thường thiệt hại do việc tố cáo, giải quyết tố cáo không đúng gây ra theo quy định pháp luật.
Vì vậy, sau khi nội dung tố cáo được xác minh, nếu cơ quan có thẩm quyền kết luận nội dung tố cáo là sai, thì thầy giáo có thể yêu cầu nữ sinh đã làm đơn tố cáo và nhà trường bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm theo quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự 2015.
Cụ thể, theo Điều 592 Bộ luật trên, thầy giáo có thể yêu cầu sinh viên và nhà trường bồi thường chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị giảm sút khi bị tạm đình chỉ công tác giảng dạy tại trường và một khoản tiền để bù đắp về tổn thất tinh thần.