Vụ nổ súng kinh hoàng: Chia sẻ hình ảnh án mạng rùng rợn có bị phạt không?
(Dân trí) - Những ngày qua, nhiều tài khoản mạng xã hội đăng tải, chia sẻ video clip, hình ảnh miêu tả tỉ mỉ vụ nổ súng xảy ra tại Thái Nguyên, thu hút hàng ngàn lượt thích, bình luận, chia sẻ.
Việc đăng tải, chia sẻ như trên đã gây hoang mang trong nhân dân, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, kích động, ảnh hưởng đến công tác điều tra, công tác chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền và ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống tinh thần của người dân địa phương.
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên sau đó đã có khuyến cáo đến toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị, địa phương và người dân không thực hiện việc đăng tải, chia sẻ hình ảnh, video clip ghi lại diễn biến vụ án mạng xảy ra tại xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai và các hình ảnh, video clip có nội dung tương tự trên các tài khoản mạng xã hội của tổ chức, cá nhân.
Theo đó, khi sử dụng mạng xã hội phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội và quy định của nhà cung cấp dịch vụ, những trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Trên thực tế, không khó để bắt gặp các hình ảnh, video tai nạn giao thông, các vụ án mạng có tính chất ghê rợn trên mạng xã hội; trong đó mô tả chi tiết tình tiết, hiện trường vụ việc rùng rợn, phản cảm.
Việc đăng tải hình ảnh, thông tin vụ tai nạn, án mạng quá chi tiết và rùng rợn lên mạng xã hội có vi phạm pháp luật không? Bị xử phạt thế nào? PV Dân trí đã có trao đổi với Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa, Công ty Luật TNHH LSX để làm rõ những thắc mắc này.
Hành vi đăng tải hình ảnh, thông tin vụ tai nạn lên mạng xã hội có vi phạm pháp luật không?
Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa chia sẻ, hiện nay, rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ chỉ vì muốn câu like, tăng view mà cố tình chia sẻ những thông tin giật gân; hình ảnh miêu tả chi tiết các vụ tai nạn giao thông, vụ án mạng… lên mạng xã hội. Việc này gây ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân, gây hoang mang dư luận xã hội.
Đặc biệt, hành vi đăng tải nội dung có tính chất ghê rợn, đáng sợ, gây ám ảnh tâm lý người xem; làm ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của người tiếp cận thông tin. Do đó, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP; quy định về việc xử phạt khi đăng tải hình ảnh, video clip, thông tin vụ tai nạn như sau:
Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: c) Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;...
Theo quy định này, khi cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ mạng, mạng xã hội; để thực hiện hành vi đăng tải thông tin vụ tai nạn mà miêu tả tỉ mỉ chi tiết hành động kinh dị, rùng rợn; các video, clip chứa cảnh chém, giết, đánh đập ghê rợn;… thì tùy mức độ vi phạm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Ngoài ra, các cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả căn cứ khoản 3 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định:
Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội: Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
Như vậy, đối với việc đăng tải thông tin vụ tai nạn, án mạng sẽ bị phạt tiền và buộc gỡ bỏ các thông tin, bài viết, hình ảnh, video clip có tính chất ghê rợn, kinh dị.
Đăng tải thông tin nạn nhân trong vụ tai nạn/án mạng lên mạng xã hội bị xử phạt thế nào?
Khi lướt các trang mạng xã hội, không khó để bắt gặp các trường hợp chia sẻ những thông tin; hình ảnh rất chi tiết về tình trạng của người gặp tai nạn. Với mong muốn giúp người bị nạn tìm được thân nhân của họ; hoặc đơn giản là để gây chú ý, tăng tương tác trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, theo luật sư Nghĩa thì việc đăng tải thông tin cá nhân, hình ảnh của nạn nhân, người gây tai nạn; là hành vi vi phạm quyền hình ảnh, quyền bí mật nhân thân. Căn cứ khoản 1 Điều 32 bộ luật dân sự 2015 quy định:
Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Như vậy, hành vi tự ý đăng tải thông tin nạn nhân, người gây tai nạn; mà chưa được sự đồng ý của họ; là trực tiếp vi phạm quyền hình ảnh, quyền bí mật thông tin cá nhân. Hơn nữa, nhiều cá nhân sử dụng các thông tin, hình ảnh, video clip về vụ tai nạn, nạn nhân; để đăng lên các trang web nhằm mục đích kiếm tiền. Theo quy luật dân sự, thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh bị sử dụng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Quy định về xử phạt khi đăng tải thông tin của nạn nhân lên mạng xã hội
Căn cứ khoản 3 Điều 32 bộ luật dân sự 2015 quy định:
Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh: Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Theo quy định này, khi có người đăng tải thông tin vụ tai nạn lên mạng xã hội; mà tiết lộ thông tin cá nhân, hình ảnh của mình thì người có quyền lợi bị xâm phạm có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh; bồi thường thiệt hại; và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.
Hành vi đăng tải các video, clip về vụ tai nạn; tiết lộ thông tin liên quan đến nạn nhân, người gây tai nạn; không chỉ vi phạm quyền về hình ảnh, bí mật thông tin cá nhân. Mà còn bị xử phạt hành chính. Cụ thể căn cứ khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP; khi cá nhân, tổ chức đăng tải thông tin vụ tai nạn có tính chất kinh dị, rùng rợn; chứa cảnh chém, giết, đánh đập tàn nhẫn;… Thì tùy mức độ vi phạm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.