TP.HCM - Bài 2:

Vụ nhà dân đang ở 20 năm bỗng dưng bị san phẳng: Hiểu sai điều khoản trong hợp đồng!

(Dân trí) - Ông Nghĩa cho rằng đã được xác lập quyền sở hữu tại các thửa đất thông qua các hợp đồng công chứng chuyển nhượng nên rào lại khu đất cho đảm bảo an ninh. Trong khi đó công chứng viên khẳng định ông Nghĩa hiểu sai điều khoản trong hợp đồng để thực hiện mục đích khác.

Người bị “tố” chiếm đất, huỷ hoại tài sản nói gì?

Vụ nhà dân đang ở 20 năm bỗng dưng bị san phẳng: Hiểu sai điều khoản trong hợp đồng! - 1

Ông Lê Hữu Nghĩa thông tin về vụ việc

Liên quan đến vụ gia đình ông Khưu Văn Hưng (SN 1955) và vợ là bà Huỳnh Thu Nga (SN 1956, ngụ 11) cùng ông Thạch Quang và vợ là bà Lý Thị Cẩm Vân (trú tại phường 16, quận 8) có đơn tố cáo ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Lê Thành (Cty Lê Thành) đã chỉ đạo, đưa khoảng 30 người (nhân viên và bảo vệ) của Công ty Lê Thành hủy hoại tài sản và xâm phạm chỗ ở nghiêm trọng tại khu đất có địa chỉ kế 172/183/79 An Dương Vương (phường 16, quận 8, TP.HCM), gây thiệt hại ước tính khoảng 100 trăm triệu đồng.

Trước những nội dung tố cáo này, đầu tháng 6/2019, ông Lê Hữu Nghĩa đã thông tin về phản ánh liên quan đến vụ việc trên. Ông Nghĩa khẳng định vụ việc ông là người mua khu đất tại (phường 16 quận 8) chứ không phải Cty Lê Thành. “Việc một số người vào gỡ chòi và rào lại trên diện tích đất của tôi mặc áo của Cty Lê Thành thì không thể khẳng định họ là người của Cty Lê Thành. Họ có thể mặc áo gì là quyền của họ, đây là việc của cá nhân tôi và tôi thuê người làm chứ không phải Cty Lê Thành", ông Nghĩa khẳng định.

Theo ông Nghĩa, ngày 25/3/2019 tại Văn phòng công chứng Hoàng Xuân Hoan (189 An Dương Vương, quận 5) ông Nghĩa và vợ chồng ông Hưng, bà Nga có ký 4 hợp đồng chuyển nhượng 4 thửa đất tại địa chỉ nói trên với tổng giá trị khoảng 54 tỷ đồng.

Vụ nhà dân đang ở 20 năm bỗng dưng bị san phẳng: Hiểu sai điều khoản trong hợp đồng! - 2

Ngày 25/3, ông Nghĩa và vợ chồng ông Hưng ký 4 hợp đồng chuyển nhượng 4 thửa đất.

Theo điều khoản hợp đồng chuyển nhượng, tại Điều 1 có thỏa thuận “Phần diện tích ngoài chủ quyền (nếu có), Bên A (bên bán) đồng ý để Bên B quản lý, sử dụng hoặc tiến hành thủ tục để được công nhận chủ quyền sử dụng, sở hữu sang cho Bên B mà Bên A không đòi hỏi thêm tiền hay thắc mắc, tranh chấp, khiếu nại về sau. Trong trường hợp phần diện tích ngoài chủ quyền (nếu có) phải giải tỏa, Bên A đồng ý cho Bên B tự tiếp nhận và thực hiện các quyết định  về thu hồi, giải tỏa và nhận, thụ hưởng, Bên A không thắc mắc, tranh chấp, khiếu nại gì”.

Ông Nghĩa cho biết: “Ngày 22/4, tôi đã được cấp GCNQSDĐ trên toàn bộ diện tích đã ký hợp đồng mua bán với bà Nga. Lúc này, tôi nhiều lần yêu cầu bà Nga không được xâm phạm diện tích đất của tôi nhưng bà Nga không đồng ý. Chiều 15/4 tôi đã thuê người đến gỡ bỏ cái chòi trong diện tích đất của mình và rào toàn bộ khu đất lại. Do diện tích đất quá lớn nên tôi không rõ cái chòi nằm ở vị trí nào, tờ bản đồ số mấy. Đây là việc làm của tôi nhằm bảo vệ tài sản của mình”.

Ông Nghĩa cho rằng, ông đã được xác lập quyền sở hữu tại các thửa đất thông qua các hợp đồng công chứng chuyển nhượng nên rào lại khu đất cho đảm bảo an ninh. "Về việc ông Thạch Quang phản ánh tôi đập phá nhà cửa, tôi xin khẳng định tôi không biết ông Quang là ai. Tôi khẳng định bây giờ khu đất tôi đã mua lại của bà Nga hợp pháp và tôi có quyền sử dụng trên mảnh đất đó. Nếu ai có giấy tờ hợp pháp trên khu đất này thì kiện ra tòa để xử lý", ông Nghĩa nói.

Vụ nhà dân đang ở 20 năm bỗng dưng bị san phẳng: Hiểu sai điều khoản trong hợp đồng! - 3

Công chứng viên khẳng định ông Nghĩa hiểu sai điều khoản (phần trong khung đen) trong hợp đồng công chứng để thực hiện mục đích khác

Tuy nhiên, công chứng viên Hoàng Xuân Hoan, người trực tiếp công chứng các hợp đồng chuyển nhượng đất giữa bà Nga, ông Hưng với ông Nghĩa khẳng định ông Nghĩa hiểu sai điều khoản trong hợp đồng để thực hiện mục đích khác; trong Điều 1 của hợp đồng công chứng có ghi: “Phần diện tích ngoài chủ quyền (nếu có) bên A đồng ý để bên B quản lý, sử dụng hoặc tiến hành thủ tục để được công nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu sang cho bên B mà bên A không đòi hỏi thêm tiền, hay thắc mắc, tranh chấp, khiếu nại về sau”.

Công chứng viên Hoàng Xuân Hoan giải thích thêm: “Đây là điều khoản mẫu của Phòng công chứng cho thêm vào phòng trường hợp sau khi Nhà nước bỏ quy hoạch lộ giới có dôi dư ra vài ba mét thì bên mua được hưởng và chỉ áp dụng cho chính thửa đất giao dịch trong 4 hợp đồng (thửa 267, 457, 413, 33) chứ không áp dụng cho một thửa khác (thửa 42) nêu trên. Như vậy, ông Nghĩa không thể hưởng quyền sử dụng thửa đất 42 được”.

Trước thông tin này, ông Nghĩa cho rằng "Văn phòng công chứng nhiều khi cũng không hiểu hết nguồn gốc đất".

Thông báo một đằng, làm một nẻo!

Vụ nhà dân đang ở 20 năm bỗng dưng bị san phẳng: Hiểu sai điều khoản trong hợp đồng! - 4

Căn nhà, nơi cư ngụ của vợ chồng ông Thạch Quang trước và sau khi bị san phẳng.

Trong một văn bản phát đi ngày 22/4/2019 của ông Lê Hữu Nghĩa gửi cho gia đình ông Hưng về việc yêu cầu bàn giao nhận nhà, đất theo thoả thuận trong hợp đồng thể hiện nội dung thể hiện việc ông Nghĩa yêu cầu gia đình ông Hưng, bà Nga phải tiến hành bàn giao phần nhà và diện tích đất (trong và ngoài chủ quyền) của các thửa đất 2 bên đã chuyển nhượng nêu trên vào ngày 23/4/2019 để ông Nghĩa quản lý, sử dụng theo kế hoạch đã chuẩn bị.

“Trường hợp ông, bà không thực hiện yêu cầu này xe như đã vi phạm hợp đồng đã ký và tôi sẽ yêu cầu cơ quan có thẩm quyền buộc ông bà phải thực hiện theo thoả thuận trong hợp đồng, kể cả việc yêu cầu ông bà bồi thường thiệt hại đã phát sinh cho tôi”, nội dung công văn của ông Nghĩa thể hiện.

Tuy nhiên, ngày 14/5/2019, ông Nghĩa đã tự cho người đến “cưỡng chế” lấy đất mà không phải cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý vụ việc.

Vụ nhà dân đang ở 20 năm bỗng dưng bị san phẳng: Hiểu sai điều khoản trong hợp đồng! - 5

Khu đất xảy ra vụ việc.

Gia đình ông Hưng cho biết, gần đây vợ chồng ông có bán cho ông Lê Hữu Nghĩa 4 mảnh đất. Đối với phần diện tích còn lại là 476m2, trước đây thuộc hành lang bảo vệ kênh rạch thì các bên đang chưa thống nhất được giá chuyển nhượng. Do Cty Lê Thành trả giá quá thấp nên ông không đồng ý bán, trong khi các bên đang thoả thuận thì bất ngờ ông Nghĩa cho người đến phá nhà, huỷ hoại tài sản, chiếm đất.

Vậy trong các quan hệ, giao dịch khi có tranh chấp xảy ra thì cá nhân, tổ chức có được tự ý “cưỡng chế” để lấy tài sản hay không? Việc đập phá, vứt đồ đạc của người dân ra ngoài phải chịu trách nhiệm như thế nào?

Liên quan đến những nội dung này, Luật sư Nguyễn Hoàng Diễm, Đoàn luật sư TP.HCM nhìn nhận: “Hành vi này là không được phép. Theo quy định của pháp luật, trong trường có xảy ra tranh chấp, thì một trong hai bên phải gửi đơn đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện ra tòa án để được giải quyết. Chỉ khi nào có bản án của Tòa án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật thì việc tổ chức cưỡng chế được giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền  thực hiện và phải tuân thủ theo một trình tự luật định. Nếu tổ chức, cá nhân tự ý thực hiện việc “cưỡng chế” thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi và hậu quả xảy ra có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy tố theo quy định của pháp luật hình sự”.

Vụ nhà dân đang ở 20 năm bỗng dưng bị san phẳng: Hiểu sai điều khoản trong hợp đồng! - 6

Vợ chồng ông Quang bên trong căn nhà đã bị ủi đổ.

“Trong vụ việc trên, nhóm công nhân, bảo vệ xuống nhà người dân đang ở phá khóa vào nhà ném vứt đồ đạc ra ngoài và dùng máy móc đập phá, san phẳng nhà của người dân là hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, hành vi này đã vi phạm quy định của pháp luật hình sự, cụ thể là “Tội xâm phạm chỗ ở người khác” được quy định tại Điều 158 Bộ luật hình sự và “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi và hậu quả gây ra mà có thể bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc bị phạt tù”, luật sư Nguyễn Hoàng Diễm phân tích.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Trung Kiên - Xuân Hinh