Bình Dương – Bài 3:
Vụ nguy cơ mất 5 tỷ tiền đặt cọc: Chờ một bản án công minh!
(Dân trí) - “Bản án sơ thẩm của TAND huyện Bắc Tân Uyên chưa xem xét các chứng cứ khách quan, áp dụng pháp luật chưa phù hợp và không đảm bảo quyền lợi của nguyên đơn. Cần một bản án công minh trong vụ việc này”, luật sư Nguyễn Hoài Nghĩa, Đoàn Luật sư TP.HCM nhìn nhận.
Theo hồ sơ, bà Lý Tuyết Bình và bà Lê Thị Hương Lan (ngụ thị xã Thuận An) cùng sang nhượng cho ông Lê Quang Vinh (SN 1967, ngụ thị xã Dĩ An) 16.426,7m2 tại xã Đất Cuốc (huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) với giá chuyển nhượng là 25 tỷ đồng. Ngày 12/1, Vinh đặt cọc 5 tỷ đồng, do hai bên không thể thực hiện chuyển nhượng nên ông Vinh kiện bà Bình, bà Hương ra toà.
Ngày 21/9, TAND huyện Bắc Tân Uyên có Bản án số 15/2017/DSST tuyên đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của ông Vinh về việc yêu cầu hủy giấy nhận tiền đặt cọc ngày 12/1; Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của ông Vinh đối với việc rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với số tiền 200 triệu đồng; Không chấp nhận yêu cầu của ông Vinh về việc buộc bà Bình và bà Lan trả lại 4,8 tỷ đồng.
Sau đó, VKSND huyện Bắc Tân Uyên đã có quyết định kháng nghị toàn bộ nội dung Bản án dân sự sơ thẩm của TAND huyện Bắc Tân Uyên, đề nghị TAND tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm do có vi phạm nghiêm trọng tố tụng và xét xử thiếu khách quan.
Luật sư Nguyễn Hoài Nghĩa, Đoàn Luật sư TP.HCM, bản án sơ thẩm số 15/2017/DS-ST của TAND huyện Bắc Tân Uyên chưa xem xét các chứng cứ khách quan, áp dụng pháp luật chưa phù hợp và không đảm bảo quyền lợi của nguyên đơn. “Tòa không xem xét ý chí thực sự các bên tham gia giao dịch thể hiện tại giấy nhận tiền cọc, mục cam kết chung là bên bán chia tách nhiều thửa nhỏ...và hai bên đều biết có một phần lớn diện tích đất thuộc quy hoạch mở rộng KCN Đất Cuốc nên thỏa thuận phân lô tách thửa này trái pháp luật cho nên hợp đồng phải bị vô hiệu ngay từ đầu”, LS Nghĩa phân tích.
Cũng theo LS Nguyễn Hoài Nghĩa, giấy nhận tiền đặt cọc thì hai bên không thỏa thuận ngày 12/4 phải đi công chứng cũng không thỏa thuận công chứng trọn sổ đỏ, trọn thửa đất mà sẽ công chứng tách thửa nhỏ cho bên mua theo nhu cầu. Vậy quyền xác định ngày nào công chứng là của bên A và chỉ công chứng khi bên bán tách ra được nhiều thửa nhỏ. Cho nên điều kiện để công chứng chưa xảy ra nên bên mua không vi phạm nghĩa vụ, thời hạn công chứng.
Ngày 12/2/2017 là ngày mà bên mua có nghĩa vụ phải đưa số tiền còn lại là 20 tỷ đồng và nghĩa vụ này phải đặt trong hoàn cảnh là hợp đồng thực hiện bình thường, nhưng trong thời gian này các bên bị “nhầm lẫn” về ngăn chặn giao dịch theo Công văn số 58/UBND-ĐC của xã Đất Cuốc và bên bán cũng không thực hiện được việc “tách thửa” nhỏ theo Công văn này, nên bên mua phải “tạm ngừng” thanh toán để đảm bảo quyền lợi của mình là hợp lý, không có lỗi. “Đúng ra bên bán ngoài việc phải trả lại tiền cọc còn phải chịu phạt bằng khoản tiền đã đặt cọc như các bên ký kết. Tuy nhiên, do từ đầu thỏa thuận nhận cọc tách thửa đất KCN đã vi phạm điều cấm, trái pháp luật nên đã vô hiệu và không làm phát sinh nghĩa vụ pháp lý “mất cọc” – “phạt cọc” giữa hai bên. Do vậy, bên bán buộc phải trả lại tiền đặt cọc trước đó cho bên mua ”, LS Nghĩa khẳng định.
Khi hợp đồng vô hiệu thì xử lý hậu quả là các bên phải hoàn trả nhau những gì đã nhận, trong vụ việc này thì bên bán phải trả lại tiền cọc cho bên mua, bên có lỗi thì phải bồi thường thiệt hại phát sinh do hai bên đều biết và thiết lập giao dịch trái pháp luật. Vì vậy lỗi sẽ “ngang nhau” và thiệt hại phát sinh là tiền môi giới, tiền lãi tiền gửi ngân hàng đối với số tiền đã nhận từ khi cọc cho đến khi Tòa giải quyết vụ án thì thiệt hại này mỗi bên phải chịu 1/2.
“Từ nhưng căn cứ nêu trên, có thể nhận thấy Bản án sơ thẩm của TAND huyện Bắc Tân Uyên chưa xem xét các chứng cứ khách quan, áp dụng pháp luật chưa phù hợp và không đảm bảo quyền lợi của nguyên đơn”, LS Nguyễn Hoài Nghĩa, Đoàn Luật sư TP.HCM nhìn nhận.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Trung Kiên - Xuân Hinh