Vụ nam sinh trường chuyên nhảy lầu: Chia sẻ video sự việc có bị phạt không?
(Dân trí) - Sau khi xảy ra vụ việc nam sinh một trường chuyên ở Hà Nội nhảy lầu tự tử, clip khoảnh khắc cuối cùng của nam sinh được chia sẻ tràn lan trên các trang mạng xã hội.
Rạng sáng 1/4, một nam sinh trường chuyên có tiếng ở Hà Nội đã trèo qua ban công căn hộ tầng 28 tòa chung cư Văn Phú Victoria (phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội) nhảy xuống tự tử. Trước đó, nam sinh có để lại thư tuyệt mệnh chia sẻ về những áp lực của mình.
Sự việc khiến dư luận bàng hoàng, xót xa, nhất là những bậc phụ huynh đang có con trong độ tuổi thay đổi về tâm sinh lý tuổi mới lớn.
Và không hiểu từ nguồn nào mà đoạn clip ghi lại khoảnh khắc nam sinh nhảy lầu cùng những dòng thư tuyệt mệnh được "bung" ra và mọi người truyền nhau với tốc độ chóng mặt. Hình ảnh quá đau lòng khiến nhiều người đã phải lên tiếng "van xin" cư dân mạng dừng chia sẻ clip đó.
"Đừng chia sẻ nữa!"
Giữa "cơn bão" bình luận liên quan sự việc, có ý kiến cho rằng, nếu hành động chia sẻ clip khoảnh khắc cuối của nam sinh mà giúp thức tỉnh được các bậc làm cha mẹ không nên vì điểm số, thành tích mà tạo áp lực cho con, dẫn đến hậu quả đau lòng, thì cũng nên chia sẻ.
Tuy nhiên quan điểm trên đã vấp phải sự phản đối của đại đa số ý kiến. Phần lớn cho rằng gia đình nạn nhân đã đau khổ lắm rồi, hành động này như xát muối thêm vào nỗi đau của họ. "Xin mọi người hãy ngừng chia sẻ, cầu cho cháu về thế giới bên kia được an yên".
"Mọi người xem và tìm vì tò mò hơn là thương cảm. Người trong nhà sẽ ám ảnh mãi ở phần đời còn lại về những dòng chữ, những bức ảnh, những đoạn video. Thật sự đau lòng. Đôi khi những bà mẹ tâm lý kém có thể bị mắc các bệnh tâm lý nghiêm trọng sau cú sốc này, vậy làm ơn đừng chia sẻ, dẫn link video nữa. Đừng để nỗi đau chồng lên nỗi đau. Cháu bé, bố cháu, mẹ cháu, ai cũng đều đáng thương", bạn đọc Dân trí lên tiếng.
"Tôi thực sự bị ám ảnh sau khi xem đoạn clip và những dòng tâm thư của cậu bé trước khi mất. Tôi chỉ sợ con mình xem được và nó coi đó như một giải pháp sau khi không tìm được tiếng nói chung với bố mẹ - điều rất dễ xảy ra trong gia đình, trong quá trình nuôi dạy con khôn lớn, nhất là trong thời buổi internet bùng nổ như ngày nay", một phụ huynh lo lắng.
"Một câu chuyện đáng suy ngẫm, sau cái chết thương tâm của nam sinh hôm nay. Ngoài phụ huynh học sinh thì ngành giáo dục cũng cần xem xét nghiêm túc về các phương án giảng dạy, nhất là tình trạng thi đua, thi cử, và áp lực bài vở quá lớn trong khi đó hành trang cần nhất con trẻ đó là kỹ năng sống và thực hành kiến thức" - cách nhìn nhận sự việc được nhiều người đồng tình sau vụ tai nạn xảy ra.
Chia sẻ quan điểm, Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị cho rằng đây là một sự việc đau lòng, gây ám ảnh cho tất cả, đặc biệt là những người thân trong gia đình cháu bé. Mọi người nên nhận thấy đây là một lời cảnh tỉnh, một bài học đau lòng chứ không nên tiếp cận sự việc dưới góc độ một vụ việc giật gân, hút view.
Ứng xử của rất nhiều người hiện nay là tuyên truyền bằng cách đưa hình ảnh, video về vụ việc đau lòng này kèm theo những bình xét, vô hình trung sẽ khiến cho người thân của cháu bé thêm đau lòng, khắc sâu thiệt hại mất mát, thương tổn của gia đình. Những gì truyền đưa trên mạng xã hội sẽ "lưu vết" mãi mãi, trừ khi không còn kết nối internet nữa.
"Do vậy trước sự việc đau lòng này mọi người nên nhớ lại câu nói của Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng "Nếu không giúp đỡ người khác thì cũng đừng làm tổn hại họ" để từ đó có những ứng xử phù hợp hơn", luật sư Lực chia sẻ.
Hành vi đăng tải, chia sẻ hình ảnh, clip khoảnh khắc cuối của nam sinh có vi phạm pháp luật không?
Về khía cạnh pháp lý, luật sư Quách Thành Lực cho biết Bộ luật dân sự năm 2015 quy định tại điều 38. Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình:
- Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
- Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
- Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Luật trẻ em năm 2016 cũng quy định tại điều 21. Quyền bí mật đời sống riêng tư
- Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
- Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư.
Trong vụ việc này, thư tín của trẻ em chính là video ghi lại toàn bộ diễn tiến của việc nam sinh nhảy lầu, thái độ phản ứng của người cha... được xác định là các bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Hiện nay không rõ ai đã loan truyền, phát tán thư tín và video clip ghi lại cảnh tượng cháu bé nhảy lầu.
Nhưng rõ ràng hành động chia sẻ video, lá thư tuyệt mệnh được xác định là: Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; Tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; hành vi vi phạm được quy định tại khoản 3, điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Với hành vi này người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng
Đối với những người sử dụng mạng xã hội mà có hành vi "Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn"; Được xác định là hành vi vi phạm điểm c, khoản 1 điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Với hành vi này người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.