Vụ MV của Sơn Tùng M-TP: Phạt sao cho thỏa nỗi thất vọng của khán giả?
(Dân trí) - Theo luật sư, mức phạt cho các hành vi vi phạm đều được quy định rất rõ nhưng lại không thỏa được nỗi thất vọng của nhiều khán giả khi chứng kiến sự ra đời của sản phẩm âm nhạc như thế này.
Như Dân trí đã thông tin, chiều 29/4, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM đã có thư mời ông Nguyễn Thanh Tùng, tức Sơn Tùng M-TP (ngụ quận 7, TPHCM) tới làm việc, cung cấp thông tin liên quan đến MV ca nhạc There's no one at all.
MV There's no one at all được ca sĩ phát hành tối 28/4, nói về tâm trạng của một chàng trai bị bỏ rơi, không người thân, thường bị bạn bè miệt thị, đánh đập. Phần lời Sơn Tùng M-TP viết chủ yếu là các câu đơn chỉ hành động, với cụm "There's no one at all" được lặp đi lặp lại. Cuối MV là hình ảnh nhân vật nhảy từ lầu cao xuống.
Nhiều người cho rằng việc xây dựng câu chuyện theo chiều hướng tiêu cực, dễ gây tác động xấu đến người trẻ, bởi tinh thần bạo lực, nhất là với người có sức ảnh hưởng lớn như Sơn Tùng M-TP.
Từ những nguyên nhân trên, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông đã thống nhất với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TPHCM đề nghị Sơn Tùng M-TP tới làm việc, cung cấp thông tin.
Cũng trong ngày 29/4, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng có văn bản gửi Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử về việc xử lý tổ chức, cá nhân lưu hành bản ghi âm, ghi hình ca khúc There's no one at all trên môi trường mạng.
"Nên có luật riêng để quản lý những sản phẩm nghệ thuật biểu diễn trên mạng"
Bạn đọc Dân trí cho rằng, "Nếu một cậu bé/cô bé chừng 13 - 19 tuổi đang gặp vấn đề trong cuộc sống mà tâm lý chưa vững vàng, ít kinh nghiệm sống hoặc đang ở trạng thái trầm cảm, ta lại tác động đến họ bằng cách cho họ nhìn thấy hình ảnh mang màu bi kịch một cách nghệ thuật, họ sẽ dễ chọn cách đó vì nó kích động cảm xúc tiêu cực họ đang có.
Vì vậy, dừng lưu hành MV này là đúng. Ca sĩ hoặc nghệ sĩ là những người phải luôn đem đến cho xã hội những giá trị tích cực về mặt tinh thần, nếu những tác phẩm ra đời mang tính tích cực và cao đẹp thì luôn được hoan nghênh chào đón.
Nhưng khi người làm nghệ thuật cố tình dùng sự ảnh hưởng bản thân để tuyên truyền và xúi giục (một số nhỏ) nhận thức hơi kém trong xã hội làm những điều xằng bậy, đi ngược với truyền thống đạo đức con người VN chúng ta thì cần phải tẩy chay, loại trừ không thương tiếc. Có như thế thì mới đủ sức răn đe đến những ai có ý định tương tự như anh chàng này".
"Một người có ảnh hưởng lớn đến giới trẻ VN thông qua âm nhạc như em không nên và không bao giờ nên có những sản phẩm mang màu sắc tiêu cực như vậy! Cần cấm vĩnh viễn biểu diễn nếu đủ căn cứ vi phạm pháp luật truy cứu trách nhiệm hình sự", bạn đọc An Nguyễn.
Trước tình trạng hiện nay nhiều sản phẩm có nội dung không đúng với thuần phong mỹ tục lan tràn trên mạng, Luật sư Quách Thành Lực, Công ty luật Pháp trị cho rằng cơ quan quản lý nhà nước nên đưa việc quản lý những sản phẩm nghệ thuật biểu diễn trên mạng trở thành một nội dung chính trong kế hoạch xây dựng Luật Nghệ thuật Biểu diễn của Bộ VH-TT-DL.
Hiện mức phạt cao nhất với hành vi lưu hành bản ghi âm, ghi hình "xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo" là 50 triệu đồng và mức phạt với hành vi "sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội" là 40 triệu đồng.
"Thực tế, mức phạt cho các hành vi vi phạm đều được quy định rất rõ. Nhưng rõ ràng, việc áp một khung giá cụ thể cho hành vi vi phạm không thỏa được nỗi thất vọng của nhiều khán giả khi chứng kiến sự ra đời của sản phẩm âm nhạc như thế này", Luật sư Lực chia sẻ.
Trước đó vào năm 2021, nhóm Rap Nhà Làm cũng đã gây bức xúc trên mạng xã hội, đặc biệt là cộng đồng phật tử về bài rap bị cho là có nội dung xúc phạm tôn giáo, báng bổ đạo Phật, xuyên tạc hình ảnh của Đức Phật.
Trước áp lực của dư luận, nhóm này sau đó đã đăng tải lời xin lỗi trên mạng xã hội và gỡ bài rap gây bức xúc ra khỏi các nền tảng mạng. Tuy nhiên bài hát vẫn được các tài khoản khác đăng tải.
Nhóm này sau đó cũng đã đến trụ sở Giáo hội Phật giáo Việt Nam để xin lỗi và xin sám hối. Thanh tra Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã ra quyết định xử phạt hành chính 45 triệu đồng đối với nhóm Rap Nhà Làm vì có hành vi lưu hành sản phẩm ghi âm, ghi hình xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.
Cùng với Rap Nhà Làm, một số rapper khác cũng được dư luận "điểm tên" vì có sáng tác xúc phạm tôn giáo, hoặc dung tục.