Vụ “lâm tặc” mở đường phá rừng ở Phú Yên: La liệt gỗ bị bỏ lại hiện trường!
(Dân trí) - Sau khi người dân phát hiện và tố giác việc phá rừng của nhóm “lâm tặc”, chúng đã trốn thoát bỏ lại hơn 37m3 gỗ tại hiện trường.
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên, nội dung báo Dân trí phản ánh về việc phá rừng ở vùng giáp ranh huyện Sông Hinh và Tây Hòa là đúng tính chất, mức độ.
Cụ thể, báo cáo nêu tại vùng giáp ranh giữa xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa và xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh, lâm tặc đã sử dụng phương tiện cơ giới và thủ công để san gạt, làm đường mới vào rừng khai thác gỗ trái phép.
Tại khoảnh 7 và khoảnh 10 (tiểu khu 358, thuộc quản lý của huyện Tây Hòa) lâm tặc san gạt 690m đường; có 32 cây gỗ bị cắt hạ. Tại hiện trường còn 10 khúc, khối lượng hơn 2,5m3.
Tại khoảnh 2 (tiểu khu 312, thuộc rừng phòng hộ do huyện Sông Hinh quản lý) có 270m đường được mở; gỗ bị cắt hạ tại hiện trường còn 44 khúc gỗ tròn với khối lượng hơn 35m3.
Toàn bộ số gỗ trên bị lâm tặc chặt hạ cách đây khoảng 1 tháng và chưa xác định được các đối tượng vi phạm.
Ông Lê Văn Bé - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên cho biết: Đây là con đường trước đây dân mở vào khu rừng sản xuất, nay lâm tặc lợi dụng dùng cơ giới san gạt, mở thêm một đoạn vào rừng tự nhiên.
“Hiện nay, Hạt kiểm lâm huyện Sông Hinh, Tây Hòa cùng với Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh, Tây Hòa và chính quyền các địa phương phân công lực lượng bảo vệ hiện trường, đưa số gỗ tang vật về nơi tạm giữ. Lực lượng Kiểm lâm phối hợp Công an và Viện Kiểm sát điều tra đối tượng vi phạm để xử lý. Chúng tôi sẽ tìm vị trí phù hợp để múc phá con đường, ngăn chặn lâm tặc quay lại.” – ông Bé cho hay.
Cũng theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên, tình hình phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép trong 4 tháng đầu năm 2020 ở Phú Yên diễn biến phức tạp. Qua tuần, kiểm tra đã tiến hành bắt giữ 106 vụ việc vi phạm Luật Lâm nghiệp gồm: 1 vụ phá rừng, 17 vụ khai thác rừng, 20 vụ vận chuyển lâm sản…Lâm sản bắt giữ gần 220m3 gỗ các loại, thiệt hại 7.350m2 rừng sản xuất
Trước đó, như Dân trí đã thông tin, nhận được tin báo về vụ việc phá rừng, phóng viên đã trải qua nhiều Km đường rừng để ghi nhận thực tế, tại vùng giáp ranh giữa huyện Tây Hòa và huyện Sông Hinh hàng loạt cây rừng đã bị lâm tặc đốn hạ và vận chuyển ra ngoài.
Giữa rừng sâu, lâm tặc đã mở đường theo hình xương cá rộng khoảng 1m, mặt đường còn mới dấu xe máy cày, xe “sắt” hằn lún trên con đường đất sét… đi đến đâu chúng chọn những cây rừng to để chặt phá.
Loại cây bị đốn hạ chủ yếu là cây giẻ (gỗ nhóm 3) có đường kính 30 - 40 cm và các cây trâm, cây da (gỗ nhóm 5) có đường kính 50 - 60 cm.
Trung Thi