TP.HCM - Bài 2:

Vụ kiện sau 20 năm lại quay về điểm ban đầu: Toà sơ thẩm và phúc thẩm xét xử thế nào?

(Dân trí) - Ở hai phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm, HĐXX đã làm sáng tỏ những điểm khuất tất đồng thời nhận định các bên đã có sự thoả thuận, thống nhất với nhau nên đương sự có trách nhiệm liên hệ với cơ quan chức năng xin cấp sổ đỏ.

Vụ kiện sau 20 năm lại quay về điểm ban đầu: Toà sơ thẩm và phúc thẩm xét xử thế nào? - 1
Ngày 4/7/1996, UBND TP.HCM ban hành quyết định về việc giải quyết đơn khiếu nại của bà Phan Thị Dễ.

Sau khi chính quyền địa phương và UBND TP ra quyết định giải quyết khiếu nại liên quan đến mảnh đất diện tích 1.000m2 tại ấp An Điền, xã An Phú, huyện Thủ Đức (nay là phường Thảo Điền, quận 2) theo hướng chia đều cho 5 người gồm ông Lê Văn Vàng, Lê Chơn Huệ, Nguyễn Văn Châu cùng bà Lâm Thị Kim Sang, Phạm Thị Dễ mỗi người 200m2.

Năm 1998, ông Lương Trọng Yêm (người được ông Châu, ông Vàng, ông Huệ lập “Giấy uỷ quyền sử dụng vĩnh viễn 1.000m2”) bán 2 lô đất F23-F24 cho bà Nguyễn Thị Kim Chung (ngụ quận Bình Thạnh) với giá 122 lượng vàng. Giữa bà Chung và phía ông Yêm và gia đình ông Vàng, ông Huệ, ông Châu không thoả thuận được diện tích đất được phân chia nên bà Chung làm đơn ra TAND quận 2. 

Theo bản án sơ thẩm số 48/2009/DSST về việc tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của TAND quận 2 ngày 23/9/2009 giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Kim Chung và bị đơn là các kế thừa của ông Nguyễn Văn Châu, ông Lê Chơn Phước, ông Lê Trọng Yêm, ông Lê Chơn Huệ, ông Đặng Xuân Sơn (viết tắt bị đơn) thể hiện, về nội dung tranh chấp, HĐXX nhận thấy tại thời điểm năm 1991, áp dụng luật đất đai năm 1987 không cho phép chuyển nhượng QSDĐ giữa cá nhân với cá nhân. Vì vậy “Giấy uỷ quyền sử dụng vĩnh viễn 1.000m2” thể hiện ý chí giao toàn QSDĐ cho ông Yêm. 

Bà Chung đã căn cứ vào giấy uỷ quyền vĩnh viễn và quyết định giải quyết khiếu nại của các cơ quan chức năng để ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ với ông Yêm là có cơ sở. Cụ thể, năm 1994 ông Yêm và bà Chung đã làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng lô đất F23-F24 với giá 2,1 chỉ vàng/m2. Hợp đồng tiếp theo vào năm 1998 ghi nhận ghi nhận bà Chung có nghĩa vụ giao cho bên bán 70 lượng vàng.

Bà Chung cho rằng, thời điểm đó phần đất đang bị tái chiếm và phía bên bán cũng chưa làm thủ tục sang tên nên bà chưa giao vàng. Tuy nhiên, sau khi có quyết định cuối cùng giao đất cho bên bán, bà Chung có mang đem vàng tới trả thì bên bán không nhận 70 lượng vàng còn lại mà yêu cầu bà Chung phải giao 200 lượng vàng.

Vụ kiện sau 20 năm lại quay về điểm ban đầu: Toà sơ thẩm và phúc thẩm xét xử thế nào? - 2
Bản án sơ thẩm của TAND quận 2 và bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM.

HĐXX nhận định, có cơ sở để xác định giá trị hợp đồng năm 1998 là 122 lượng vàng, trong đó bên nhận chuyển nhượng đã trả 52 lượng vàng. HĐXX nhận định, qua phân tích ở trên có cơ sở để xác định bà Chung là người bỏ tiền (52 lượng vàng) để nhận chuyển nhượng QSDĐ và giữa đất một thời gian dài (15 năm), tức là bà Chung thực sự có nhu cầu sử dụng đất. 

Bản án sơ thẩm của TAND quận 2 đã tuyên, chấp nhận một phần yêu cầu của bà Chung được sử dụng 262,1m2 thuộc một phần thửa 53, 54 phường Thảo Điền (quận 2).

Ngày 8/2/2010, TAND TP.HCM có bản án phúc thẩm về vụ việc trên. Tại toà cấp phúc thẩm, hai bên đã có thoả thuận nên bà Chung giảm diện tích đất đã được toà cấp sơ thẩm tuyên bà Chung được sử dụng từ 261,2m2 xuống còn 175m2 và được HĐXX cấp phúc thẩm công nhận sự thoả thuận. Đồng thời, các đương sự có trách nhiệm liên hệ với cơ quan chức năng có thể quyền để xin cấp GCNQSDĐ tương ứng với phần diện tích và vị trí đất đã được giao phù hợp với quy hoạch chung.

Vụ kiện sau 20 năm lại quay về điểm ban đầu: Toà sơ thẩm và phúc thẩm xét xử thế nào? - 3

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho bà Chung.

Sau khi bản án phúc thẩm được ban hành, ngày 30/3/2011, bà Chung tiến hành làm các thủ tục và được UBND quận 2 cấp GCNQSDĐ. Vụ việc khiếu nại kéo dài hàng chục năm tưởng khép lại bằng việc bà Chung sang nhượng mảng đất trên cho người khác và đã được UBND quận 2 chuyển quyền đứng tên trong “sổ đỏ” thì bất ngờ bà Phạm Thị Dễ và bà Lâm Thị Kim Sang (2 trong số 5 người được chia 200m2 đất/1.000m2 tại Thảo Điền, quận 2) tiếp tục quay lại kiện tụng, tranh chấp.

Để giải quyết dứt điểm khiếu nại kéo dài, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc giải quyết đơn thư của bà Sang bằng việc ban hành kết luận thanh tra số 51/BC-TTCP ngày 11/1/2011. Sau đó, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về việc đồng ý nội dung kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.

Báo Dân trí tiếp tục thông tin vụ việc.

Trung Kiên