Quảng Ninh:

Vụ kiện dân sự đòi tiền thù lao: Không thể "chây ỳ" mãi là được!

(Dân trí ) - Do 14 hộ dân thuộc Đội 5 HTX Hợp Tiến - Bãi cháy - TP Hạ Long (Quảng Ninh) sau khi nhận tiền đền bù đất không trả thù lao cho luật sư như cam kết, ngày 29/10/2014, TAND tỉnh Quảng Ninh đã tuyên buộc 11/14 hộ dân phải trả thù lao công sức cho luật sư trong một vụ khiếu kiện kéo dài nhiều năm.

Năm 2003, UBND TP Hạ Long - Quảng Ninh tiến hành thu hồi đất của các HTX Nông nghiệp Hợp Tiến, Hồng Tiến và Việt Thắng để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố. Do diện tích đất mà các hộ xã viên của 3 HTX này đang sử dụng là tạm giao, đất cho thuê, đất đấu thầu nên chính quyền địa phương chỉ bồi thường chi phí đầu tư vào đất với mức tối đa không quá 30% giá trị đất bị thu hồi. Mặc dù trong suốt 4 năm (từ năm 2003 đến năm 2007), các xã viên đã đấu tranh quyết liệt, mời nhiều văn phòng luật sư tham gia nhưng UBND TP Hạ Long vẫn bảo lưu quan điểm.

Người dân đã tìm đến Văn phòng luật sư TĐ (VPLS TĐ), mong đòi được quyền lợi của mình. Văn phòng luật sư TĐ đã cùng người đại diện các đội sản xuất của  3 HTX này ký kết Hợp đồng dịch vụ pháp lý với nội dung người dân không phải ứng trước chi phí cho luật sư làm việc và luật sư chỉ nhận thù lao sau khi có kết quả với tỷ lệ như 2 văn phòng luật sư trước. Để đảm bảo tính pháp lý sau khi ký hợp đồng với người đại diện, VPLS TĐ  còn cùng với từng hộ xã viên trực tiếp ký Giấy cam kết.

Quá trình thực hiện hợp đồng, VPLS TĐ đã được chủ tịch UBND tỉnh tổ chức buổi đối thoại; Sau đó bằng kinh nghiệm, kỹ năng nghiệp vụ của mình trong khuôn khổ pháp luật cho phép, VPLS TĐ đã buộc chính quyền TP Hạ Long phải ra quyết định chi trả toàn bộ giá trị đất bị thu hồi cho người dân.

Vụ kiện dân sự đòi tiền thù lao: Không thể chây ỳ mãi là được!
Ngày 29/10/2014, TAND tỉnh Quảng Ninh đã tuyên buộc 11/14 hộ dân phải trả thù lao công sức cho luật sư trong một vụ khiếu kiện kéo dài nhiều năm.

Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền đền bù, người dân đã rũ bỏ nghĩa vụ và trách nhiệm trả tiền thù lao cho luật sư.

Ngày 20/9/2007 VPLS TĐ gửi Thông Báo đến từng hộ xã viên. Bản Thông báo có  nội dung: Vừa qua đại diện của xã viên và từng hộ xã viên đã ký HĐ dân sự và ký Giấy cam kết về trả thù lao cho luật sư khi nhận được tiền đền bù đất. Nay các hộ xã viên đã nhận được tiền. Vậy vì sao các hộ xã viện không thực hiện nghĩa vụ trả tiền như HĐ và Giấy cam kết đã ký... thì hầu hết các hộ xã viên bằng bút tích chữ ký của mình đã trả lời trong mặt sau của Thông Báo với nội dung chung: Chúng tôi nhất trí trả thù lao cho luật sư như cam kết. Nhưng họ lại vin vào những lý do không có cơ sở pháp lý trốn tránh trách nhệm và nghĩa vụ trả tiền.

Ngày 20/9/2009, VPLS TĐ đưa vụ việc yêu cầu Tòa án giải quyết. Ngày 9/11/2009 ngay trong buổi hòa giải đầu tiên tại tòa án đã có hai hộ (hộ ông Nguyến Bá Phước và hộ bà Nguyễn Thị Tho) tình nguyện lập biên bản trả tiền . Hai ngày sau ông Phước đã nộp tiền qua thẩm phán còn bà Tho lại bội tín chữ ký 

 Ngày 3/8/2011 TAND TP Hạ Long xét xử sơ thẩm lần 1 bỏ qua tài liệu và các tình tiết quan trọng tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của VPLS TĐ. Văn phòng và người có quyền lợi liên quan  kháng cáo, VKSND thành phố Hạ Long kháng nghị.

Ngày 10 - 14/10/2011, TAND tỉnh Quảng Ninh xét xử phúc thẩm lần 1 ra bản án số 06/2012/DS-PT tuyên hủy bản án sơ thẩm  chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án cho TAND thành phố Hạ Long xét xử sơ thẩm lại từ đầu đồng thời nhấn mạnh:  Tòa sơ thẩm cần “ xem xét đánh gía toàn diện các chứng cứ khác thu thập  trong quá trình giải quyết vụ án đặc biệt cần làm rõ Giấy cam kết của xã viên có phải là phụ lục HĐ và xem xét đánh giá các bản Cam kết có chữ ký của bị đơn ( có nội dung gia đình nhất trí cam kết trả thù lao cho luật sư ); danh sách xã viên nhất trí ký HĐ dịch vụ pháp lý và ý kiến trả lời của các bị đơn ghi trong Thông báo yêu cầu thức hiện HĐ và cam kết đã ký vì đã nhận số tiền 70% nhưng chưa trả thù lao ”.

Ngày 4/2/2013 TAND thành phố Hạ Long mở phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2. Phiên tòa diễn ra không bị đơn, chỉ có 1 người  làm chứng, không có thẩm vấn, tranh tụng, vẫn ra bản án số  03/2013/DS-ST bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

VPLS TĐ cùng người có quyền lợi nghĩa vụ đã kháng cáo đồng thời có đơn tố cáo hành vi trái pháp luật vi phạm nghiêm trọng tố tụng có dấu hiệu tội phạm của thẩm phán xét xử sơ thẩm. Sau một thời gian thu thập thêm tài liệu chứng cứ theo yêu cầu của nguyên đơn, ngày 29/10/2014, TAND tỉnh Quảng Ninh mở phiên tòa xét xử phúc thẩm lần 2.

Tại phiên tòa, 8 nhân chứng đã cung cấp đầy đủ các tình tiết sự việc chứng minh cho sự thật của các Biên bản họp Đội 5 cử người đi tìm và ký HĐ với VPLS TĐ; các Bản cam kết của các hộ xã viên ký với VPLS cũng như lời nói và các bút tích chữ ký của các bị đơn trong Thông Báo ngày 20/9/2007.

Kết thúc phiên tòa, HĐXX phúc thẩm tuyên án chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn buộc 11/14  bị đơn phải trả một phần tiền thù lao cho luật sư để thể hiện sự công bằng văn minh của pháp luật .

Quan điểm của luật sư Trương Anh Tú - Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho VPLS TĐ trong vụ án:

Trong vụ án này, hai phiên tòa cấp sơ thẩm, HĐXX đều bác yêu cầu của VPLS TĐ bởi họ không xác định đúng được quan hệ tranh chấp dẫn đến không đánh giá và phân tích đúng các chứng cứ có trong vụ án. Vấn đề mấu chốt của vụ án là Giấy cam kết của các xã viên về việc trả thù lao cho luật sư, nhưng lại không được xem xét, trong khi đó, đây là tài liệu phản ánh trực tiếp mối quan hệ giữa VPLS TĐ và từng hộ xã viên. Vì vậy, tại phiên tòa phúc thẩm lần 2, trên cơ sở các tài liệu chứng cứ, lời khai của các nhân chứng và quan điểm của các luật sư, HĐXX phúc thẩm TAND tỉnh Quảng Ninh đã đánh giá một cách chính xác tính pháp lý của văn bản này và chấp nhận yêu cầu khởi kiện của VPLS TĐ...

Văn phòng luật sư TĐ đã theo đuổi vụ kiện này hơn 5 năm ròng rã, sự kiên trì của luật sư không nhằm đạt được lợi ích vật chất mà là vì danh dự, tự trọng. Đồng thời, để người dân nhận thấy vai trò của luật sư trong quá trình đòi quyền lợi cho họ, giúp họ nhận thức được bài học về đạo đức ứng xử giữa người với người, giữa khách hàng với luật sư và giữa người được bảo vệ với người đã bảo vệ mình.


Anh Thế