Vụ giữ bằng đại học 30 năm: Cấp bằng vô nghĩa, đền bù 100 tỷ mới xứng đáng!

PV

(Dân trí) - "2019 mới cấp bằng để làm gì khi người ta đã có tuổi, đủ tuổi để về hưu? Những cơ hội trước đó của người ta đã bị dập tắt rồi còn đâu", độc giả Dân trí bình luận.

Như Dân trí phản ánh, TAND quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đang giải quyết vụ việc ông Dương Thế Hảo (65 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) kiện trường Đại học Kinh tế Quốc dân, yêu cầu bồi thường thiệt hại, tổn thất về tinh thần do bị trường giữ bằng đại học trong 30 năm.

Theo ông Hảo, ông là sinh viên Khoa Kinh tế công nghiệp hệ chính quy, tốt nghiệp đại học năm 1989 nhưng không được cấp bằng tốt nghiệp mà chỉ có giấy xác nhận hoàn thành khóa học, đã thi tốt nghiệp để đi xin việc. Từ năm 1990, người đàn ông đã yêu cầu trả bằng tốt nghiệp nhưng nhà trường khất lần, chậm trễ với lý do thiếu phôi bằng tốt nghiệp và cũng không trả cho ông hồ sơ lý lịch gốc. Sự chây ì của nhà trường khiến ông gặp vô số khó khăn, vất vả khi xin việc và ổn định cuộc sống.

Tới năm 2019, khi TAND TP Hà Nội thụ lý giải quyết yêu cầu khởi kiện của ông Hảo, trường Đại học Kinh tế Quốc dân mới trả bằng đại học cùng các tài liệu, hồ sơ bản gốc cho ông Hảo để ông rút đơn khởi kiện. Tuy nhiên, người đàn ông vẫn yêu cầu nhà trường bồi thường thiệt hại, tổn thất về tinh thần cho cá nhân mình với số tiền hơn 23 tỷ đồng.

Vụ giữ bằng đại học 30 năm: Cấp bằng vô nghĩa, đền bù 100 tỷ mới xứng đáng! - 1

Trường Đại học Kinh tế quốc dân (Ảnh: NEU).

Còn khổ hơn đi tù, đền bù ít nhất 100 tỷ mới xứng đáng!

Từ sự việc của ông Hảo, nhiều độc giả không giấu nổi sự ngao ngán trước sự tắc trách của trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Hậu quả của sự chậm trễ, chây ì này phải trả giá bằng sự nghiệp của cả một con người, đặc biệt trong bối cảnh những năm 90, khi tấm bằng đại học có giá trị hơn rất nhiều so với hiện nay.

Độc giả A Phùng bày tỏ quan điểm: "Những năm đầu thập niên 90 mà có bằng Đại học Kinh tế Quốc dân thì xin được bao nhiêu công việc tốt, thu nhập cao, bao nhiêu cơ hội thăng tiến. Vậy mà lại xảy ra chuyện như thế này, đền bù bao nhiêu cũng là không đủ với ông Hảo và gia đình ông ấy. Không hiểu nổi tại sao chuyện này lại xảy ra ở một trong những cơ sở giáo dục lớn nhất cả nước".

Có chung cảm nhận, anh Đặng Thái Học bình luận: "Sao nhà trường lại có cái quyền to lớn như vậy nhỉ? Ôi bằng cấp đại học năm 1989 thì có giá trị lắm, nhất là ông ấy lại còn là bộ đội xuất ngũ thì càng được coi trọng, mà đất nước lúc đấy rất cần người có trình độ đấy. Tôi nghĩ đền bù ít nhất cũng là 100 tỷ mới xứng đáng".

"Giữ hết giấy tờ quan trọng, khiến cho người ta và gia đình bị mất hết cả tương lai, 100 tỷ còn ít!", bạn đọc Triệu Hải Nam nhấn mạnh. Đặt ra phép so sánh đơn giản, độc giả Nguyen Hung Pham bình luận gay gắt: "Quá ác, còn khổ hơn đi tù. Bồi thường thiệt hại không thể tính được, đề nghị trừng phạt những người làm bậy".

"Bài toán thiệt hại về kinh tế, trường Đại học Kinh tế Quốc dân hoàn toàn có đủ khả năng tính toán và bồi thường thiệt hại. Ở đâu không biết, chứ ở Việt Nam thì những giấy tờ, bằng cấp loại này rất quan trọng với một cá nhân. Không có giấy tờ có nghĩa là anh phải đứng bên lề xã hội, không những không có bất cứ quyền lợi nào, nó còn là lý do để tạo ra những rắc rối trời ơi", độc giả Phan Trọng viết.

Vụ giữ bằng đại học 30 năm: Cấp bằng vô nghĩa, đền bù 100 tỷ mới xứng đáng! - 2

Ông Dương Thế Hảo trao đổi với phóng viên Dân trí (Ảnh: Thế Kha).

Năm 2019 mới cấp bằng để làm gì, bao nhiêu cơ hội bay mất rồi còn đâu?

Sau những động thái quyết liệt của ông Hảo và nhờ tới sự vào cuộc của các cơ quan bảo vệ pháp luật, tới năm 2019, nhà trường đã trả bằng và đầy đủ hồ sơ, giấy tờ liên quan cho người đàn ông này. Tuy nhiên, động thái này được nhiều độc giả đánh giá là quá chậm trễ và muộn màng, đặc biệt khi ông Hảo đã có tuổi và vuột mất nhiều cơ hội để phát triển sự nghiệp. Bởi vậy, động thái tiếp tục khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại với con số tạm tính hiện tại lên tới hơn 23 tỷ đồng của ông Hảo được phần đông độc giả ủng hộ.

"Sự việc thể hiện sự vô cảm, thiếu đạo đức của người làm giáo dục, của một trường đại học danh tiếng, của lãnh đạo trực tiếp là Hiệu trưởng nhà trường qua các thời kỳ. Ủng hộ việc khởi kiện của ông", anh Van Hiep Vu bày tỏ quan điểm.

"Đúng là nên bồi thường vì bằng cấp không có làm sao đi xin việc được, sao lại có trường hợp như thế này tồn tại? Kiện là đúng. Đi học 4 năm đại học, tiền của, công sức bỏ ra nhưng lại không có bằng để xin việc? Nếu làm cơ quan họ yêu cầu bằng cấp, kiểm tra giấy tờ thì sao? Khó mà thăng tiến, kể cả việc xét duyệt lương, tăng lương", chủ tài khoản Ke Toan TLQ liệt kê sơ bộ những thiệt hại mà ông Hảo có thể phải gánh chịu trong suốt hơn 30 năm dài đằng đẵng vừa qua.

"2019 mới cấp bằng để làm gì khi người ta đã có tuổi, đủ tuổi để về hưu? Những cơ hội trước đó của người ta đã bị dập tắt rồi còn đâu. Đơn cử như việc đăng ký kết hôn hay cho con cái học tại Hà Nội còn không được thì thử hỏi còn để làm gì nữa? Tôi cho rằng ông Hảo khởi kiện hơi muộn. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nên thương thảo để đền bù thiệt hại cho người ta", độc giả Minh Huy Japan phân tích.

Quan điểm trên cũng là nhận định của độc giả Tuan Điệp khi anh cho rằng việc cấp bằng 2019 không còn nhiều ý nghĩa, khi "bao nhiêu cơ hội việc làm đã bay mất". "Rất mong nhà trường sớm giải quyết đền bù cho bị hại, đề nghị Tòa án nhanh chóng xét xử đúng trách nhiệm, mọi tình tiết cần được công khai, kịp thời và khách quan, tránh bưng bít, che dấu. Chúng tôi nóng lòng chờ đợi thông tin vụ việc, rất mong Tòa án xét xử công bằng, buộc nhà trường phải chịu đúng trách nhiệm do mình gây ra còn báo Dân trí công bố đầy đủ thông tin để bạn đọc được biết", người này bình luận.

"Bạn đọc Dân trí đang chờ đợi câu trả lời và phương án giải quyết của trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Kính mong báo Dân trí đưa tin đầy đủ các nội dung liên quan để bạn đọc biết được cụ thể vấn đề này. Qua đây cũng mong các cơ sở đào tạo khác rút kinh nghiệm để làm việc cho đúng trách nhiệm của mình. Mong tòa phân xử công bằng cho người dân, để tránh tình trạng quan liêu, thiếu trách nhiệm trong các cơ quan và nhà trường" độc giả Hưng Phùng bình luận.

Hoàng Diệu (tổng hợp)