Vụ giá đỗ ủ chất cấm ở Bách Hóa Xanh: Khách hàng có được đòi bồi thường?

Hải Hà

(Dân trí) - "Người dân đã mua giá đỗ ở siêu thị Bách hóa xanh có được quyền đòi bồi thường cho sức khỏe của bản thân khi bị đầu độc như thế này không?", câu hỏi của nhiều độc giả Dân trí.

Như đã đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk vừa kiểm tra 6 cơ sở ở TP Buôn Ma Thuột, phát hiện hơn 20 tấn giá đỗ ngâm trong chất cấm 6-Benzylaminopurine, hóa chất kích thích "siêu tốc" giúp sản xuất giá đỗ nhanh và nhiều. Riêng Công ty TNHH thương mại Lâm Đạo ký hợp đồng bán cho cửa hàng Bách Hóa Xanh 350-400kg giá đỗ/ngày.

Trên bao bì, dán nhãn mác "vì sức khỏe của mọi người", thậm chí còn có dòng chữ khẳng định "không hóa chất, không chất kích thích, không chất bảo quản".

Cơ quan chức năng cho biết ông Lâm Văn Đạo - chủ cơ sở cung ứng trên - cũng đã bị khởi tố và bắt tạm giam cùng 3 bị can khác để điều tra tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Vụ giá đỗ ủ chất cấm ở Bách Hóa Xanh: Khách hàng có được đòi bồi thường? - 1

Sản phẩm nhiễm hóa chất cấm cung ứng cho chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh 350-400kg/ngày (Ảnh: Uy Nguyễn).

Vụ việc khiến dư luận hết sức bất bình, mong muốn cơ quan công an xử lý nghiêm hành vi Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. 

Độc giả Thu viết: "Trách Lâm Đạo một, trách Bách Hóa Xanh mười. Cho lên kệ hàng mà không nắm được thông tin sản phẩm là tiếp tay phạm tội rồi đó!".

Độc giả Lan Ngoc: "Giá đỗ có chất kích thích nên chưa kịp ra rễ, nhìn rễ ngắn thì ngon nhưng không an toàn. Đã lâu rồi tôi tự ủ giá đỗ, cũng đơn giản, dễ làm, rẻ hơn nhiều so với đi mua lại an toàn, tuy nhiên giá đỗ tự làm cần đủ thời gian cho mầm hạt sinh trưởng (3-4 ngày) nên rễ sẽ nhiều và dài".

Độc giả có nickname Paraday mong mỏi các cơ quan chức năng phát động một chiến dịch truy quét toàn quốc về lĩnh vực an toàn thực phẩm: "Thực phẩm bẩn, độc hại đang trở thành tội ác không thể dung thứ, gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe và sinh mạng của hàng triệu người dân. Những kẻ vì lợi nhuận mà bất chấp đạo đức, biến bữa ăn của đồng bào thành liều thuốc độc, cần bị trừng trị nghiêm khắc nhất theo pháp luật.

Đây không còn là vấn đề vi phạm thông thường, mà là một sự đe dọa trực tiếp đến an ninh sức khỏe quốc gia. Kính mong các cơ quan chức năng phát động một chiến dịch truy quét toàn quốc về lĩnh vực an toàn thực phẩm, không khoan nhượng bất kỳ ai vi phạm.

Tất cả các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn phải bị xử lý mạnh mẽ, công khai xét xử với những bản án nghiêm khắc để cảnh tỉnh xã hội. Những kẻ tham lam, nhẫn tâm này phải trả giá thích đáng, để làm gương cho tất cả những kẻ khác chưa hành động đã phải run sợ.

Sức khỏe của người dân là tài sản quý giá nhất của đất nước. Đã đến lúc mọi cấp, mọi ngành phải dốc toàn lực bảo vệ sức khỏe nhân dân, để không còn ai phải sống trong lo lắng vì bữa ăn hàng ngày".

Vụ giá đỗ ủ chất cấm ở Bách Hóa Xanh: Khách hàng có được đòi bồi thường? - 2

Để có lợi nhuận, nhóm đối tượng ngâm giá đỗ với hóa chất độc hại (Ảnh: Công an cung cấp).

Khách hàng mua giá đỗ ủ chất cấm có được quyền đòi bồi thường về sức khỏe?

Nhiều độc giả cùng chung thắc mắc: "Người dân đã mua giá đỗ ở siêu thị Bách hóa xanh có được quyền đòi bồi thường cho sức khỏe của bản thân khi bị đầu độc như thế này không?".

Giải đáp thắc mắc của độc giả, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, trong vụ án hình sự trên, người tiêu dùng đã mua giá đỗ của cơ sở Lâm Đạo được xác định là người bị hại theo quy định tại điều 62 Bộ luật tố tụng hình sự.

Theo đó, "Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra". Bị hại có quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; Đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường.

Trong vụ án hình sự này, khi có người đề nghị bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ tiến hành các thủ tục, trình tự tố tụng để giải quyết phần yêu cầu dân sự trong cùng vụ án.

Bị hại có trách nhiệm cung cấp bằng chứng về việc mua hàng, những thiệt hại sức khỏe do hành vi sản xuất giá đỗ không an toàn của cơ sở, quan hệ nhân quả giữa thiệt hại sức khỏe và việc sử dụng hàng hóa. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

Người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.