Bài 23:

Vụ em học sinh bị kết tội “Cướp tài sản”: “Nín thở” chờ phiên toà giám đốc thẩm!

(Dân trí) - Sau 19 kỳ báo điều tra của Dân trí làm rõ từng góc khuất trong vụ án em Lê Văn Khánh bị kết tội Cướp tài sản kêu oan, VKSND Cấp cao tại Hà Nội vừa chính thức ra Quyết định kháng nghị hủy một phần bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại. Dư luận đang “nín thở” chờ phiên toà giám đốc thẩm với Khánh.

Như đã thông tin tới bạn đọc, ngày 17/10/2016 VKSND Cấp cao tại Hà Nội đã ban hành văn bản kháng nghị Giám đốc thẩm số: 18/KNGĐT-VC1-HS Kháng nghị một phần Bản án hình sự phúc thẩm số 93/2016/HSPT ngày 19/7/2016 của TAND tỉnh Hà Tĩnh đối với bị cáo Lê Văn Khánh, đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hủy một phần bản án hình sự phúc thẩm số 93/2016/HSPT của TAND tỉnh Hà Tĩnh và một phần Bản án hình sự sơ thẩm số 14/2016/HSST ngày 29/3/2016 của TAND huyện Hương Khê về phần quyết định tội danh và hình phạt đối với bị cáo Lê Văn Khánh để điều tra lại theo quy định của pháp luật.


Luật sư Trương Anh Tú: Đối với những vụ án như vụ án của em Lê Văn Khánh thì để có được cơ hội minh oan thì vai trò báo chí là vô cùng quan trọng.

Luật sư Trương Anh Tú: Đối với những vụ án như vụ án của em Lê Văn Khánh thì để có được cơ hội minh oan thì vai trò báo chí là vô cùng quan trọng.

Vậy sau khi VKSND Tối cao ban hành quyết định kháng nghị thì diễn biến tiếp theo của vụ án sẽ như thế nào. Để trả lời cho câu hỏi này, PV Báo Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Anh Tú - Trưởng văn phòng luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.

PV: Xin ông cho biết, sau khi VKSND Cấp cao tại Hà Nội đã ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm thì bước tiếp theo vụ án sẽ được diễn ra như thế nào?

Luật sư Trương Anh Tú: theo quy định tại Điều 276 BLTTHS, sau khi có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của VKSND Cấp cao tại Hà Nội thì bước tiếp theo cơ quan có thẩm quyền sẽ phải ra quyết định tạm đình chỉ thi hành phần bản án bị kháng nghị. Cũng theo quy định tại điều luật này, thì người đã kháng nghị bản án đã có hiệu lực pháp luật có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án đã bị kháng nghị.

Về thời hạn tố tụng, theo quy định tại Điều 283 BLTTHS, trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày nhận được kháng nghị thì phiên tòa giám đốc thẩm phải được tiến hành. Phiên tòa này có sự tham gia của VKSND cùng cấp. Trong trường hợp xét thấy cần thiết, Tòa án phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và có thể triệu tập những người có lợi nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm.


Từ khi bị hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm kết tội Cướp tài sản em Khánh luôn rơi vào tình trạng hoảng loạn. Cuộc sống của gia đình bị đảo lộn hoàn toàn.

Từ khi bị hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm kết tội "Cướp tài sản" em Khánh luôn rơi vào tình trạng hoảng loạn. Cuộc sống của gia đình bị đảo lộn hoàn toàn.

Hội đồng giám đốc thẩm sẽ gồm ba thẩm phán, quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán phải được quá nửa tổng số thành viên của Hội đồng tán thành. Thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm được quy định rất rõ tại Điều 285 BLTTHS, theo đó Hội đồng giám đốc thẩm có quyền ra một trong các quyết định sau: 1.Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật; 2.Hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án; 3.Hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại.

Trong vụ án này, nếu TAND Cấp cao tại Hà Nội quyết định hủy phần bản án đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại thì vụ án sẽ bắt đầu lại một vòng tố tụng mới, điều này mở ra cơ hội minh oan cho Lê Văn Khánh, nhưng cũng sẽ gây ra rất nhiều phiền toái cho gia đình em vì lại phải mỏi mòn chờ đợi.

PV: Là một luật sư tham gia rất nhiều vụ án hình sự, ông có nhận định gì về những vụ án phải trải qua giai đoạn giám đốc thẩm?

Luật sư Trương Anh Tú: Cùng với vụ án của Lê Văn Khánh, trong tháng 9 vừa qua VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh cũng đã ban hành kháng nghị giám đốc bản án hình sự phúc thẩm TAND TP Hồ Chí Minh xét xử bị cáo Mai Thị Ngọc Vân (SN 1980, ngụ quận Tân Bình) về tội “Cố ý gây thương tích”. Cùng vơi vụ án của em Lê Văn Khánh thì đây cũng là một vụ án thu hút được sự quan tâm của dư luận xã hội và được các cơ quan báo chí truyền thông phản ánh với một tần suất rất lớn. Có thể nói, để được những kết quả khả quan ban đầu đó là VKSND cấp cao ban hành văn bản kháng nghị giám đốc thẩm thì vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông và luật sư là đặc biệt quan trọng.

Trong thực tế, hằng tháng, hằng năm trên phạm vi cả nước có rất nhiều vụ án hình sự được đưa ra xét xử. Song song với đó, việc kháng cáo, khiếu nại đề nghị giám đốc thẩm đối với các bản án là vô cùng nhiều nhưng nếu một vụ án nào đó đã được xét xử và có dấu hiệu thiếu khách quan, oan sai một cách rõ ràng đi chăng nữa mà không được dư luận xã hội quan tâm, được các cơ quan báo chí truyền thông phản ánh thì khả năng bị chìm vào quên lãng là rất lớn.


Quyết định kháng nghị hủy một phần bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại của VKSND Cấp cao tại Hà Nội.

Quyết định kháng nghị hủy một phần bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại của VKSND Cấp cao tại Hà Nội.

Mặt khác, tôi cũng nhận thấy rằng việc phát hiện vụ án có dấu hiệu oan sai thì bản thân các cơ chế nội bộ như kiểm sát, thanh tra, giám đốc xét xử thường “không tự” phát hiện được mà hầu hết lại do các cơ quan báo chí phát hiện và phản ánh. Từ những lẽ trên, tôi cho rằng, đối với những vụ án như vụ án của em Lê Văn Khánh thì để có được cơ hội minh oan thì vai trò báo chí là vô cùng quan trọng.

PV: Vậy theo ông cần làm gì để giảm thiểu những vụ án như vụ án của Lê Văn Khánh?

Luật sư Trương Anh Tú: Những vụ án như kể trên nếu không được dư luận quan tâm, các cơ quan báo chi vào cuộc quyết liệt thì nhiều khả năng người bị kết án sẽ phải hàm oan. Điều này là một nỗi đau rất lớn đối với bản thân người bị kết án và gia đình họ. Do vậy, để giảm thiểu những vụ án như vậy thì không có cách nào khác đó trong hoạt động tố tụng, các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải tuyệt đối tuân thủ pháp luật, tuân thủ nghiêm túc 9 giải pháp Quốc hội đề ra nhằm tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và đảm bảo bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự.

Quá trình điều tra, lập hồ sơ vụ án phải tuân thủ đúng pháp luật, thu thập, đánh giá đầy đủ, khách quan các chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội để xác định đúng sự thật vụ án; khắc phục việc làm oan người vô tội do hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế; chấn chỉnh việc đình chỉ điều tra không đúng pháp luật để tránh oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm; tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia các vụ án theo quy định pháp luật.

Hiện nay hoạt động nghiệp vụ của luật sư gặp rất nhiều trở ngại. Để hạn chế tối đa những trở ngại đó, pháp luật nên có những quy định nhằm mở rộng quyền cho luật sư theo hướng: Sự có mặt của luật sư trong toàn bộ quá trình hỏi cung là bắt buộc, biên bản hỏi cung cũng bắt buộc phải có chữ ký của luật sư, nếu thiếu chữ ký trong các biên bản hỏi cung thì biên bản đó sẽ không phát sinh hiệu lực. Điều này đồng nghĩa với việc luật sư phải được tham gia ngay từ giai đoạn đầu tiên, khi đó đảm bảo sẽ không có bất cứ lý do gì để hạn chế quyền này của luật sư.

Có giải pháp hiệu quả tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và trách nhiệm công vụ cho đội ngũ Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán;

Kiên quyết loại bỏ khỏi bộ máy những cán bộ yếu kém về đạo đức và chuyên môn nghiệp vụ; xem xét, điều chuyển biên chế phù hợp cho các địa phương xảy ra nhiều án, tránh áp lực quá nhiều công việc dẫn đến oan, sai, bỏ lọt tội phạm.

Thực tế cũng chứng minh rằng, các cơ quan báo chí, truyền thông và luật sư là một cơ chế phát hiện oan sai một cách hết sức hiệu quả, do vậy phía cơ quan nhà nước cần phải tạo điều kiện để cơ chế này tiếp tục phát huy hiệu quả.

Xin cảm ơn luật sư!

Anh Thế (thực hiện)