Bài 30:

Vụ em học sinh bị kết tội cướp tài sản: Giao TAND tỉnh Hà Tĩnh xét xử phúc thẩm lại!

(Dân trí) - Sau gần 30 kỳ báo điều tra của Dân trí làm rõ từng góc khuất trong vụ án em Lê Văn Khánh bị kết tội Cướp tài sản kêu oan, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã chính thức quyết định hủy một phần bản án hình sự phúc thẩm về phần hình phạt đối với em Khánh

Đó là thông tin mới nhất trong quyết định Giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội liên quan đến vụ việc em Lê Văn Khánh bị kết tội cướp tài sản kêu oan trong thời gian vừa qua.


Một phần bản quyết định Giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội.

Một phần bản quyết định Giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội.

TAND Cấp cao tại Hà Nội nhận định, tuy bị cáo Khánh không có sự bàn bạc, kích động, xúi giục trong việc lấy tiền của người bị hại Võ Văn Tý nhưng bị cáo có mặt từ đầu. Khi được Tuấn gọi vào lấy tiền Khánh biết rõ nguồn gốc số tiền trên là của anh Tý nhưng Khánh đến bàn bi-a lấy tiền, đếm tiền, thông báo số tiền 2,8 triệu đồng và cất số tiền vào túi quần. Sau đó, Khánh đi ra đứng ở cửa quán bi-a tiếp tục chứng kiến Tuấn và Đạt đe dọa, cưỡng ép anh Tý để lấy thêm tiền. Điều này góp phần cũng cố tinh thần thêm cho Tuấn và Đạt, tạo điện kiện cho Tuấn, Đạt tiếp tục chiếm đoạt của anh Tý số tiền 1,2 triệu đồng. Hành vi của Khánh đã đồng phạm với Đạt và Tuấn với vai trò là người tiếp sức.

Tuy nhiên, khi Khánh phạm tội là người chưa thành niên, nhận thức pháp luật còn có phần hạn chế. Tòa án cấp phúc thẩm xử phạt Khánh 18 tháng tù giam là có phần nghiêm khắc, chưa phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo.

Vì vậy, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã chính thức quyết định hủy một phần bản án hình sự phúc thẩm của TAND tỉnh Hà Tĩnh về phần hình phạt đối với Lê Văn Khánh và xét xử lại theo hướng cho em Khánh được hưởng án treo.

Nỗi đau của những người thân khi Khánh bị kết tội Cướp tài sản
Nỗi đau của những người thân khi Khánh bị kết tội "Cướp tài sản"

Trước đó, ngày 17/10/2016, VKSND cấp cao tại Hà Nội đã ra quyết định kháng nghị một phần bản án hình sự phúc thẩm số 93/2016/HSPT ngày 19/7/2016 của TAND tỉnh Hà Tĩnh. Đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hủy một phần bản án phúc thẩm số 93/2016/HSPT ngày 19/7/2016 của TAND tỉnh Hà Tĩnh và một phần bản án hình sự sơ thẩm số 14/2016/HSST ngày 29/3/2016 của TAND huyện Hương Khê về phần quyết định hình phạt đối với bị cáo Lê Văn Khánh để điều tra lại theo đúng quy định pháp luật.

VKSND cấp cao tại Hà Nội chỉ ra rằng trong bản án kết tội bị cáo Lê Văn Khánh chưa đủ cơ sở và bỏ sót nhiều nhân chứng quan trọng. Thứ nhất, Khánh không được bàn bạc trước về việc chiếm đoạt tài sản của Tý. Thứ 2, việc cướp đoạt tài sản là hành vi độc lập giữa Tuấn và Đạt. Cùng với đó, sau khi chiếm đoạt được số tiền 4 triệu đồng của Tý thì bị cáo Khánh không được hưởng lợi gì.

Quyết định Kháng nghị của VKSND cấp cao tại Hà Nội
Quyết định Kháng nghị của VKSND cấp cao tại Hà Nội

Mặt khác, khi vụ án xảy ra bị cáo Khánh chỉ mới 16 tuổi, nhận thức còn hạn chế. Theo lời khai của Khánh, thì em không nhận thức được nhận và đếm số tiền 2,8 triệu đồng đặt trên bàn bi-a theo yêu cầu của Tuấn là đã vi phạm pháp luật. Các cơ quan tiến hành tố tụng không xác định rõ khả năng nhận thức cũng như động cơ và mục đích của Lê Văn Khánh trong vụ án mà đã kết luận Khánh là đồng phạm trong việc chiếm đoạt tài sản 4 triệu đồng là chưa đủ căn cứ.

Về tố tụng: Trong vụ án này, Lê Quang Linh là người đi cùng với nhóm của Tuấn, Đạt, Khánh và có mặt tại hiện trường chứng kiến vụ việc. Ngoài ra, còn có nhiều người có mặt tại quán bi-a và chứng kiến vụ việc. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra lại không thu thập được lời khai của Linh cũng như các nhân chứng khác có mặt tại hiện trường để làm rõ các tình tiết khách quan của vụ án. Tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm không có mặt Linh và các nhân chứng khác trong khi tại phiên tòa sơ thẩm bị cáo Khánh không nhận tội là việc điều tra, xét xử phiến diện không đầy đủ.

Bày tỏ quan điểm về sự việc, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội luật gia TPHCM chỉ ra rằng: Pháp luật hình sự Việt Nam quy định việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Do đó, việc điều tra, xử lý các vụ việc hình sự có liên quan đến người chưa thành niên phải được tiến hành hết sức thận trọng.

Trong trường hợp của Lê Văn Khánh, khi xét xử, nếu em Khánh phạm tội thật nhưng nếu không cần thiết phải áp dụng hình phạt thì Tòa án có thể áp dụng một trong các biện pháp tư pháp có tính giáo dục, phòng ngừa như giáo dục tại xã, phường, thị trấn; hoặc đưa vào trường giáo dưỡng.

Luật sư Nguyễn Văn Chiến - Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội thì cho rằng cần khẩn trương xem xét lại vụ án: Phải đề nghị các đồng chí lãnh đạo TAND, VKSND Tối cao và cấp cao sớm quan tâm xem xét đơn kêu oan của Lê Văn Khánh và ý kiến của cơ quan báo chí đã thông tin về vụ án này nhằm sớm có kết quả trả lời trước công luận, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Rất mong vụ án Lê Văn Khánh kêu oan sớm được kiểm tra, xem xét lại.

Còn luật sư Lê Thị Kim Soa, Công tác tại văn phòng luật sư Lê Trần (thuộc Đoàn luật sư tỉnh Nghệ An) khẳng định hành vi của Lê Văn Khánh không cấu thành tội “Cướp tài sản”, bản án của hai cấp tòa đã tuyên là chưa đúng người đúng tội, chưa khách quan, công bằng.

Thứ hai, các cơ quan tố tụng đã bỏ qua nhiều nhân chứng, tình tiết có lợi cho em Khánh. Luật sư Soa cho biết, tại hiện trường khi xảy ra sự việc còn có cả Danh, Linh (những người đi cùng xe với Khánh), Châu Xuân Trinh, Lê Văn Hoàng, Nguyễn Trọng Tùng…. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã không thu thập đầy đủ các chứng cứ có lợi cho bị can mà chỉ có ý chủ quan buộc tội bởi vì tất cả các bị hại, bị cáo và nhân chứng đều khẳng định Khánh không tham gia cướp tài sản của Tý. Và thứ 3 là các cơ quan tố tụng huyện Hương Khê đã bỏ lọt tội “Đánh bạc” đối với Trần Văn Giáp (cán bộ huyện đoàn huyện Hương Khê) và Võ Văn Tý.

Cần làm rõ hành vi đánh bạc

Trong vụ án “Cướp tài sản” xảy ra tại xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) vào ngày 19/7/2015, Trần Văn Giáp (cán bộ huyện đoàn) và Võ Văn Tý có dấu hiệu vi phạm về tội “Đánh bạc”, theo điều 248 BLHS. Tuy nhiên cơ quan tố tụng lại không khởi tố.

Trong lời khai ban đầu, Tý khai nhận đánh bi-a ăn tiền với Giáp bằng hình thức đánh bi-a lỗ
Trong lời khai ban đầu, Tý khai nhận đánh bi-a ăn tiền với Giáp bằng hình thức đánh bi-a lỗ

Bị cáo Phạm Hồng Tuấn khai: “Khi đánh bi-a ở bàn ngoài cùng của quán bi-a Anh Nhung thì có bị can, Đạt, Linh, Khánh, Công, chủ quán là anh Anh đứng xem. Chơi bi-a lỗ bằng hình thức ăn tiền. Bị can xem cơ cuối cùng thì thấy Giáp thua, Công (em trai của Giáp, là công an đang công tác tại Công an huyện Hương Khê) cầm tiền trực tiếp đưa cho Tý 3 triệu đồng”.

Tuấn cũng khai: “Khi thấy Giáp ra về thì tôi có hỏi Giáp anh thua bao nhiêu? Anh Giáp trả lời là anh thua khoảng 20 triệu…”.

Nhân chứng Lê Đức Anh (chủ quán bi-a Anh Nhung) cũng khai nhận: “Anh Giáp và anh Tý đến quán bi-a của tôi chơi là khoảng 10h sáng, chơi qua trưa không đi ăn cơm. Tôi vẫn biết việc Giáp và Tý chơi bi-a bằng hình thức ăn tiền”.

Anh Lê Văn Hoàng (xã Hà Linh), người chứng kiến gần như từ đầu đến cuối cuộc chơi bi-a giữa Giáp và Tý thuật lại: “Bữa đó là anh Giáp và Tý chơi bi-a. Lúc đầu là cơ 500 nghìn, anh Giáp lúc đó thắng được 6 triệu. Sau đó anh Tý vào cắm xe máy cho chủ quán 6 triệu. Sau đó nâng lên cơ 1 triệu đồng. Lúc đó anh Giáp lại thua. Đánh được vài cơ thì lại nâng lên cơ 2 triệu rồi 3 triệu. Lúc đánh cơ 3 triệu anh Giáp thua 4 cơ nhưng trả có 3 cơ. Lúc chuyển lên đánh cơ 3 triệu thì anh Trần Văn Công (em trai anh Giáp) vào và cầm tiền cho Giáp và trả tiền thua bi-a cho anh của mình". Điều trớ trêu là Trần Văn Công lại đang công tác tại Công an huyện Hương Khê!

Trong lời khai ban đầu, Võ Văn Tý khai nhận là đánh bi-a ăn tiền với Trần Văn Giáp bằng hình thức đánh bi-a lỗ.

Vụ em học sinh bị kết tội cướp tài sản: Giao TAND tỉnh Hà Tĩnh xét xử phúc thẩm lại! - 5
Còn đây là lời ngụy biện của Trần Văn Giáp, cán bộ huyện đoàn Hương Khê
Còn đây là lời ngụy biện của Trần Văn Giáp, cán bộ huyện đoàn Hương Khê

Tuy nhiên, trong lời khai Giáp lại ngụy biện rằng đang nợ Tý 14 triệu. Nên khi đánh bi-a Giáp đã trả tiền cho Tý. Điều lạ là Giáp lại trả tiền cho Tý theo từng đợt, theo từng cơ bi-a. Cụ thể Giáp đã trả cho Tý theo 5 lần và mỗi lần là 3 triệu. Khi được hỏi là tại sao lại trả từng đợt theo cơ bi-a thì Giáp lại hài hước cho rằng là để trêu chọc người xem?!

Trong vụ việc này có nhiều nhân chứng chứng kiến, cụ thể là em Lê Văn Hoàng khai Giáp và Tý đánh rất nhiều cơ bi-a với các mức tiền khác nhau. Trong đó có đánh 4 cơ cuối với mức cược là 3 triệu đồng/cơ bi-a. Điều này khớp với diễn biến vụ việc. Thế nhưng các cơ quan tố tụng lại cho rằng không đủ căn cứ để khởi tố hành vi này?

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Xuân Sinh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm