Vụ doanh nghiệp nước sạch kêu trời: Xã “bật đèn xanh” cho lắp đường ống “chui”
(Dân trí) - Ông Chủ tịch xã Quảng Yên (Quảng Xương - Thanh Hóa) khẳng định đã có văn bản đề nghị cho công ty chưa được cấp phép vào xã lắp đường ống nước vì dân có đơn đề nghị và cho rằng Quyết định của Chủ tịch tỉnh không hợp lòng dân.
Chủ tịch xã ký cho lắp đường ống “chui”
Liên quan đến việc Công ty An Bình bị xã Quảng Yên (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) gây khó dễ trong quá trình đầu tư hệ thống nước sạch vào xã này, theo tìm hiểu của phóng viên ngay từ đầu tháng 6/2017, đồng loạt 8 thôn của xã Quảng Yên bất ngờ có 1 đơn vị không rõ ở đâu đến vận động người dân sử dụng nước sạch và sau đó cho lắp đặt nhiều km đường ống nước trong các thôn Yên Khang, Yên Phú, Yên Ninh…
Việc đơn vị này vào lắp đặt đường ống đã được UBND xã Quảng Yên “bật đèn xanh” khi chính ông Lê Quang Kỳ, Chủ tịch UBND xã Quảng Yên ký đồng ý vào bản hợp đồng thỏa thuận đầu tư xây dựng với Công ty cấp nước Thanh Hóa do ông Nguyễn Huy Trường, Phó trưởng phòng Kế hoạch vật tư đại diện. Hợp đồng này không có ngày tháng ký nhưng bản sao công chứng cho thấy văn bản được sao vào ngày 1/6/2017.
Trong hợp đồng này, UBND xã Quảng Yên đã đồng ý cho Công ty cấp nước Thanh Hóa thi công đường ống nước ở tất cả 19 thôn, có danh sách các trưởng thôn, bí thư rất cụ thể. Tuy nhiên, tại hợp đồng này mới chỉ có 8 trưởng thôn ký vào biên bản thỏa thuận.
Có lẽ do cầm chắc được thỏa thuận này nên đơn vị lắp đặt đường ống đã rầm rộ cho thi công lắp đặt hàng loạt đường ống ở 8 thôn trên và sau đó đồng loạt vận động thu tiền của người dân. Để có được nguồn nước sạch sử dụng, người dân xã Quảng Yên phải bỏ ra 5,3 triệu đồng/hộ (những hộ sát Quốc lộ 45), còn những hộ ở xã phải đóng tới 5,8 triệu đồng/hộ. Bước đầu, đơn vị này đã thu trước của mỗi hộ dân 1 triệu đồng.
Trong khi đó, hệ thống nước sạch của Công ty An Bình được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt, khi nước tới tay người tiêu dùng số tiền tối đa người dân phải đóng chỉ hết khoảng 4 triệu đồng/hộ, công ty sẽ lắp đường ống tới tận đầu hộ gia đình, khi nào người dân có nhu cầu sử dụng nước sạch thì công ty này mới tiến hành ký hợp đồng và thu tiền người dân. Điều này cho thấy có sự “bất thường” tại xã này khi mà xã đồng ý cho công ty thi công khi chưa được phép, trái quy hoạch, trong khi giá lắp đặt tối đa cao hơn 1,8 triệu đồng đối với Công ty An Bình.
Theo ông Lê Quang Kỳ, Chủ tịch UBND xã Quảng Yên, việc Công ty cấp nước Thanh Hóa lắp đặt đường ống khi chưa được phép là trái quy đinh, tuy nhiên ông Kỳ “bao biện” là do người dân bức xúc cần nguồn nước sạch nên ông đã ký đồng ý.
Khi phóng viên hỏi tại sao tỉnh, huyện đã quy hoạch cho Công ty An Bình được đầu tư cung cấp nước cho người dân trong xã nhưng xã vẫn để cho công ty khác nhảy vào làm? Ông Kỳ nói lúc đó ông không biết có Công ty An Bình về xã đầu tư nước sạch. “Huyện có mời đi họp nhưng tôi bận không đi, giao cho đồng chí Phó chủ tịch đi nhưng không thấy báo lại nên không biết. Mãi sau này anh Khánh (Công ty An Bình) mới mang quyết định đến tôi mới biết”- ông Kỳ phân trần.
“Quyết định của Chủ tịch tỉnh cũng có lúc sai” (!?)
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa mới có Công ty An Bình – là doanh nghiệp tư nhân bỏ một số tiền lớn (gần 100 tỉ đồng) đầu tư nước sạch để phục vụ người dân, trong khi đó hàng loạt các dự án nước sạch tại các vùng nông thôn của Thanh Hóa đều “chết yểu” do đầu tư nửa vời và công tác quản lý kém hiệu quả, nên nhiều công trình mới đưa vào hoạt động 1 thời gian đã “đắp chiếu”, gây lãng phí hàng trăm tỉ đồng ngân sách nhà nước.
Vì thế, việc một công ty tư nhân bỏ tiền túi ra đầu tư nước sạch là cần thiết, phục vụ nhu cầu cần có cấp bách của người dân. Quyết định đầu tư của Công ty An Bình đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý và UBND huyện Quảng Xương trước khi cho xây dựng nhà máy cũng đã kêu gọi, vận động chính quyền địa phương đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp để người dân sớm có nước sạch sử dụng.
Tuy nhiên, khi Công ty An Binh đang tiến hành các bước lắp hệ thống đường ống ở các xã gần nhà máy, sau đó mới vươn với tới những xã xa hơn như Quảng Yên, thì bất ngờ chính quyền xã này “bật đèn xanh” cho đơn vị khác vào thi công, lắp đặt đường ống chồng chéo, trái quy hoạch.
Bao biện cho việc làm trên, ông Lê Quang Kỳ cho biết rất ủng hộ doanh nghiệp nhưng người dân họ không đồng ý nên chúng tôi cũng phải nghe dân thôi.
Cũng theo ông Kỳ, quy hoạch trên của huyện không hợp lòng dân. Ông này cũng phát ngôn rằng: “Quyết định của tỉnh cũng có lúc sai chứ, Chủ tịch tỉnh cũng là dân”.
Thế nhưng, mâu thuẫn với lời chủ tịch xã này chính là việc người dân có đơn xin sử dụng nước sạch của Công ty cấp nước Thanh Hóa khi công ty này đã vào địa bàn chôn lấp đường ống trái phép chứ không phải có từ trước đó.
Câu hỏi đặt ra là có hay không việc UBND xã Quảng Yên cố tình “móc nối”, “bật đèn xanh” cho công ty cấp nước Thanh Hóa vào làm “chui” rồi dùng người dân để lấp liếm việc làm sai trái trên?
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc!
Bình Minh