Bà Rịa - Vũng Tàu:
Vụ côn đồ đập phá nhà dân: Cưỡng chế công trình xây dựng sai phạm!
(Dân trí) - Lực lượng chức năng đã tiến hành cưỡng chế công trình xây dựng sai phạm trên đất có chủ quyền của người khác tại hẻm 124 Đô Lương. Tại đây từng xảy ra vụ nhóm côn đồ phá nhà dân gây xôn xao dư luận.
Xử lý công trình sai phạm
Ngày 14/10, UBND phường 11 (TP Vũng Tàu) cùng nhiều lực lượng hỗ trợ đã tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ công trình xây dựng sai phạm tại hẻm 124 Đô Lương.
Công trình bị cưỡng chế nằm sau nhà số 124A3 Đô Lương, trước đó, UBND phường phát hiện đã thi công xây dựng xong phần thô diện tích khoảng 52m2 do bà Vũ Thị Dương làm chủ đầu tư. UBND phường đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai xây dựng, báo cáo, đề xuất UBND TP Vũng Tàu để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, lực lượng cưỡng chế gồm cả xe chữa cháy, xe cứu thương được huy động đến hiện trường. Quá trình cưỡng chế kéo dài khoảng 1 giờ, công trình sai phạm đã bị máy cuốc kéo sập và không xảy ra sự cố đáng tiếc nào..
Vụ cưỡng chế được dư luận tại TP Vũng Tàu đặc biệt quan tâm vì những sai phạm kéo dài nhiều năm. Việc tổ chức cưỡng chế vào sáng 14/10 được xem là “hành động mạnh tay” của chính quyền địa phương nhằm lập lập lại trật tự xây dựng và kiên quyết xử lý những công trình sai phạm.
Liên quan đến vụ việc này, Thành ủy TP Vũng Tàu có văn bản giao UBND phường 11 chỉ đạo cơ quan liên quan có biện pháp ngăn chặn việc xây dựng trái phép trên khu đất của ông Cao Sơn Hải và bà Nguyễn Thị Tuyết Trung tại hẻm 124 Đô Lương phường 11, TP Vũng Tàu.
Sau đó, UBND phường 11 có báo cáo gửi Thành uỷ TP Vũng Tàu về việc xử lý các công trình xây dựng trên đất của vợ chồng ông Hải. Theo đó, có 4 công trình xây dựng phát sinh trên khu đất này. UBND phường 11 đã niêm yết thông báo tại công trình về việc yêu cầu người vi phạm tự nguyện tháo dỡ, trước khi hết thời hạn mà không chấp hành thì UBND phường sẽ tổ chức tháo dỡ, ngăn chặn phần công trình phát sinh.
Ông Lê Hưng, Chủ tịch UBND phường 11 (TP Vũng Tàu) cho biết: “Đối với những công trình xây dựng vi phạm, sau khi hết thời hạn mà chủ đầu tư không chấp hành nộp phạt và tự nguyện tháo dỡ thì UBND phường sẽ báo cáo, đề xuất UBND TP ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt”.
Theo ông Hưng, khi phát hiện một số người dân có hành vi xây dựng lấn chiếm, xây dựng trái phép chính quyền địa phương đã đến lập biên bản và yêu cầu giữ nguyên hiện trạng, tuy nhiên người dân lợi dụng đợt phòng chống dịch bệnh Covid-19 để lấn chiếm, tiếp tục xây dựng trái phép.
Nguồn gốc khu đất thế nào?
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, vụ việc trên có liên quan đến tranh chấp đất của người dân với chủ đất. Tổng diện tích khu đất tranh chấp là 10.043 m2, gồm 79 lô đất có nguồn gốc trước đây là của Công ty Hương Doan (do bà Trần Thị Doan làm Chủ tịch HĐQT). Theo đó, các lô đất được Công ty Hương Doan tự ý phân lô, bán cho người dân từ năm 2008.
Cũng trong khoảng thời gian này, vợ chồng bà Doan cũng bán toàn bộ 10.043 m2 đất trên cho vợ chồng ông Cao Sơn Hải và bà Trần Thị Tuyết Trung. Đến tháng 2/2009, vợ chồng ông Hải làm thủ tục xin Nhà nước tách diện tích đất này ra 15 sổ đỏ.
Khi phát hiện Công ty Hương Doan bán 17 lô đất trùng với nhiều người khác, hàng chục người dân đã tố cáo vợ chồng bà Doan đến Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Vụ án sau đó được điều tra, khởi tố và đưa ra xét xử Trần Thị Doan về tội “Vi phạm quy định về sử dụng đất đai” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tại bản án của TAND Tối cao ngày 29/5/2015 đã tuyên xử Trần Thị Doan tù chung thân và buộc trả lại tiền lừa đảo chiếm đoạt của những người dân, còn Nguyễn Văn Hạ (nguyên Tổng giám đốc Công ty Hương Doan) đang bỏ trốn.
Do bà Doan không còn tài sản để thi hành án nên hiện phía cơ quan thi hành án vẫn chưa thể hoàn trả lại tiền cho người dân bị lừa mua đất. Bởi lẽ đó, nhiều gia đình bị lừa mua đất tại đây hiện vẫn chưa bàn giao, trả đất cho chủ đất và nhiều hộ đã xây dựng nhà ở trái phép trên một phần đất này.
Liên quan đến vụ việc này, Văn phòng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chuyển đơn của ông Nguyễn Văn Nam (SN 1984, ngụ TP.Vũng Tàu, đại diện của vợ chồng ông Cao Sơn Hải) đến UBND TP Vũng Tàu.
Theo Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, qua thu thập tài liệu, làm việc với người tố giác và những người có liên quan xác định một số người biết nguồn gốc đất này đang có tranh chấp, có bản án của Tòa công nhận cho người được cấp giấy là ông Hải, bà Trung nhưng thấy người khác xây dựng trên đất này được mà chưa bị xử lý nên vẫn mua, mục đích để ở. Sau khi nhận chuyển nhượng thì tổ chức xây dựng và sửa chữa trái phép.
Hiện Văn phòng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chuyển đơn của ông Nam đến UBND TP Vũng Tàu để chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền xác minh và áp dụng các biện pháp xử lý kịp thời, dứt điểm đối với các hành vi vi phạm về lĩnh vực đất đai, xây dựng, sửa chữa và chuyển nhượng trái phép.
Bảo vệ tài sản của người được cấp GCNQSDĐ hợp pháp đúng quy định pháp luật, nhằm tránh trường hợp xây dựng, sửa chữa và chuyển nhượng trái phép gây mất tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Kết quả xử lý đề nghị UBND TP Vũng Tàu thông báo cho Văn phòng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Báo Dân trí tiếp tục thông tin vụ việc.