Bài 34:

Vụ cổ phần hoá tai tiếng tại HACINCO: Động thái lạ nào liên quan đến khối tài sản “khủng”?

(Dân trí) - Các nhà đầu tư đã kiến nghị với Chủ tịch UBND TP Hà Nội xem xét, chỉ đạo dừng việc ký kết và thực hiện các Hợp đồng hợp tác kinh doanh của HACINCO nói chung và Hợp đồng kinh doanh quản lý, khai thác bất động sản giữa HACINCO và Công ty TNHH dịch vụ Du lịch A&T Việt Nam nói riêng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư và người lao động đã mua cổ phần hợp pháp tại HACINCO.

Doanh nghiệp nói gì trong Hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp của Thủ tướng?

Liên quan đến vụ cổ phần hoá tai tiếng tại Công ty HACINCO, ngày 04/04/2017 Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 3229/VPCP-V.I truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tới các cơ quan: Bộ Tài chính, Bộ Lao động thương binh và Xã hội, Thanh tra Chính phủ, UBND TP Hà Nội và Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp về việc nhanh chóng giải quyết dứt điểm dứt điểm sự việc.

Trong khi các cơ quan có thẩm quyền đang tiến hành xem xét, giải quyết các kiến nghị của nhà đầu tư cũng như xử lý các tồn tại, vướng mắc để chính thức chuyển HACINCO thành Công ty cổ phần thì HACINCO đã tiến hành ký kết và thực hiện Hợp đồng kinh doanh quản lý, khai thác bất động sản số 11/2017/HĐHTKD/HACINCO-ATVIETNAM với Công ty TNHH dịch vụ Du lịch A & T Việt Nam để hợp tác đầu tư, quản lý, khai thác kinh doanh tại Khách sạn Thể Thao tại Làng sinh viên HACINCO, phố Lê Văn Thiêm, phường Nhân Hòa, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.


Ông Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc Công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (HACINCO) ký thông báo về việc hợp tác đầu tư, quản lý và khai thác khách sạn Thể thao với Công ty TNHH du lịch và dịch vụ A&T Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc Công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (HACINCO) ký thông báo về việc hợp tác đầu tư, quản lý và khai thác khách sạn Thể thao với Công ty TNHH du lịch và dịch vụ A&T Việt Nam.


Ngay sau đó ông Nguyễn Văn Thanh đã ký quyết định bổ nhiệm nhân sự mới tại khách sạn này.

Ngay sau đó ông Nguyễn Văn Thanh đã ký quyết định bổ nhiệm nhân sự mới tại khách sạn này.

Động thái này của HACINCO khiến các nhà đầu tư đã mua cổ phần hợp pháp tại HACINCO vô cùng bức xúc. Họ cho rằng hành vi của HACINCO là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Vì vậy, các nhà đầu tư đã có Công văn số 12/2017/NCX gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị chỉ đạo HACINCO dừng việc ký kết và thực hiện các Hợp đồng hợp tác kinh doanh trái pháp luật.

Ngay sau đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 4598/VP-KT ngày 22/5/2017 gửi Sở Tài chính và Tổng công ty đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội cho biết: UBND TP Hà Nội nhận được Công văn số 12/2017/NCX ngày 12/5/2017 của Công ty Cổ phần đầu tư NCX Hà Nội đại diện cho 7 nhà đầu tư đã mua cổ phần tại Công ty HACINCO về việc kiến nghị chỉ đạo dừng việc ký kết và thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Công ty HACINCO. Về việc này, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội kiểm tra, tham mưu báo cáo UBND TP Hà Nội trước ngày 2/6/2017.

Để rộng đường dư luận và thông tin khách quan về vụ việc này, Báo Dân trí xin đăng tải công khai nội dung Công văn kiến nghị của đại diện các nhà đầu tư hợp pháp bị xâm phạm quyền lợi hơn 10 năm nay với Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Cụ thể, ngày 12/05/2017, thay mặt một số nhà đầu tư hợp pháp đã mua cổ phần tại HACINCO, Công ty cổ phần Đầu tư NCX Hà Nội đã có Công văn số 12/2017/NCX do bà Nguyễn Thị Chi – Chủ tịch HĐQT ký kiến nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo dừng việc ký kết và thực hiện các Hợp đồng hợp tác kinh doanh của HACINCO, đặc biệt là Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 11/2017/HĐHTKD/HACINCO-ATVIETNAM về việc hợp tác kinh doanh quản lý, khai thác bất động sản Khách sạn Thể thao – Làng sinh viên HACINCO giữa HACINCO với Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch A&T Việt Nam.


Khách sạn Thể thao

Khách sạn Thể thao

Nội dung Công văn như sau:

“Liên quan vụ việc cổ phần hóa HACINCO, ngày 08/02/2017, UBND TP Hà Nội ban hành Công văn số 440/UBND-KT về việc triển khai thực hiện chuyển Công ty Đầu tư xây dựng số 2 thuộc Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội thành Công ty cổ phần và chỉ đạo các sở, ngành có liên quan tổ chức thực hiện.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cổ phần hóa HACINCO còn tồn tại những nội dung còn chưa hợp lý và trái pháp luật cho nên không nhận được sự đồng thuận từ phía các nhà đầu tư và những người lao động đã mua cổ phần hợp pháp tại HACINCO từ năm 2005. Trên cơ sở những kiến nghị, phản ánh các của nhà đầu tư, ngày 04/04/2017 Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 3229/VPCP-V.I theo đó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Bộ Tài chính, Bộ Lao động thương binh và Xã hội, Thanh tra Chính phủ, UBND TP Hà Nội và Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp kiểm tra, xem xét, có biện pháp giải quyết dứt điểm các nội dung kiến nghị của Công ty cổ phần đầu tư NCX Hà Nội về quá trình cổ phần hoá tại HACINCO. Quá trình cổ phần hóa HACINCO vẫn đang trong giai đoạn chờ đợi một kết luận cuối cùng để hoàn tất cổ phần hóa HACINCO theo đúng quy định pháp luật.


Các nhà đầu tư kiến nghị khẩn trước động thái lạ, UBND TP Hà Nội yêu cầu làm rõ.

Các nhà đầu tư kiến nghị khẩn trước động thái lạ, UBND TP Hà Nội yêu cầu làm rõ.

Thế nhưng, trong khi các cơ quan có thẩm quyền đang tiến hành xem xét, giải quyết các kiến nghị của nhà đầu tư cũng như xử lý các tồn tại, vướng mắc để chính thức chuyển HACINCO thành Công ty cổ phần theo đúng quy định pháp luật thì HACINCO lại tiến hành ký kết và thực hiện Hợp đồng kinh doanh quản lý, khai thác bất động sản số 11/2017/HĐHTKD/HACINCO-ATVIETNAM với Công ty TNHH dịch vụ Du lịch A&T Việt Nam để hợp tác đầu tư, quản lý, khai thác kinh doanh tại Khách sạn Thể Thao tại Làng sinh viên HACINCO, phố Lê Văn Thiêm, phường Nhân Hòa, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Hành vi này của HACINCO là trái pháp luật bởi lẽ:

Thứ nhất: HACINCO bản chất là Công ty cổ phần vì vậy các Hợp đồng hợp tác kinh doanh của HACINCO phải được Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông của Công ty thông qua.

Từ khi được UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 7252/QĐ-UB cho phép HACINCO triển khai cổ phần hóa đến nay, suốt hơn một thập kỷ hoạt động dưới vỏ ngoài là Doanh nghiệp nhà nước, nhưng về bản chất HACINCO là Công ty cổ phần bởi:

Tỷ lệ vốn Nhà nước sở hữu tại HACINCO theo các Quyết định 6680/QĐ-UB ngày 29/9/2005 (9,11%); Quyết định 7867/QĐ-UB ngày 30/11/2005 (9,65%); Quyết định 1886/QĐ-UBND ngày 22/4/2010 (49,6%) chưa đủ để được coi là chi phối theo Luật doanh nghiệp nhà nước năm 2003, chưa đạt trên 50% vốn điều lệ theo Luật doanh nghiệp năm 2005, và càng không thể được coi là đã nắm giữ toàn bộ 100% vốn điều lệ theo Luật doanh nghiệp năm 2014. Do vậy, cổ phần của HACINCO từ khi được người lao động và các nhà đầu tư mua một cách hợp pháp vào năm 2005 đã chiếm đến gần 90% vốn điều lệ nên về bản chất, HACINCO không thể được coi là một doanh nghiệp Nhà nước nữa.

Mặc khác, theo Công văn số 5494/UB-TP ngày 24/11/2006 của UBND TP Hà Nội thì kể từ thời điểm ban hành Quyết định số 6680/QĐ-UB ngày 29/9/2005 phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa, hoạt động sản xuất kinh doanh tại HACINCO liên tục thua lỗ với số tiền lên tới 7.400 triệu đồng, vượt quá số vốn Nhà nước hiện có tại HACINCO (7.189 triệu đồng). Do vậy, từ năm 2005, HACINCO đã sử dụng toàn bộ số tiền trên 23 tỷ đồng (bao gồm: vốn cổ đông mua theo giá ưu đãi là 1.889.790.000 đồng và vốn cổ đông mua đấu giá trên sàn giao dịch là 21.884.770.000 đồng) của người lao động và các nhà đầu tư để sản xuất, kinh doanh thay vì gửi số tiền trên vào tài khoản của doanh nghiệp tại kho bạc nhà nước theo quy định pháp luật. Có thể thấy, chính HACINCO cũng đã thừa nhận tư cách cổ đông của nhà nhà đầu tư và những người lao động khi sử dụng tiền mua cổ phần của họ để sản xuất, kinh doanh từ những năm 2005 đến này. Điều này đã giúp Công ty đứng vững và phát triển, tạo nên những giá trị lợi nhuận to lớn và thương hiệu lớn mạnh cho HACINCO ngày nay.

Ngoài ra, theo nội dung Bản cáo bạch được HACINCO công bố để bán cổ phần ra công chúng thì toàn bộ tài sản của HACINCO đã được đưa vào Biên bản xác định giá trị doanh nghiệp để tiến hành cổ phần hóa. Khi HACINCO phát hành cổ phần thì các nhà đầu tư, những người lao động mua cổ phần hợp pháp tại HACINCO cũng trở thành những đồng chủ sở hữu của tài sản tại HACINCO, những tài sản này không chỉ thuộc sở hữu riêng của Nhà nước nữa.

Như vậy, bản chất HACINCO đã là Công ty cổ phần, các nhà đầu tư và những người lao động mua cổ phần hợp pháp cũng trở thành đồng chủ sở hữu của tài sản tại HACINCO, vì vậy căn cứ theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 162 Luật doanh nghiệp năm 2014 thì các giao dịch, hợp đồng của HACINCO trước khi ký kết phải được chấp thuận bởi Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần, tùy thuộc vào giá trị hợp đồng so với tổng giá trị tài sản doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính năm gần nhất, cụ thể:

“…2. Hội đồng quản trị chấp thuận các hợp đồng và giao dịch có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính, gần nhất hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty…

3. Đại hội đồng cổ đông chấp thuận các hợp đồng và giao dịch khác ngoài các giao dịch quy định tại khoản 2 Điều này….”

Do đó, hành vi của HACINCO trong việc tự ý ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH dịch vụ Du lịch A&T Việt Nam là hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 162 Luật doanh nghiệp 2014.


Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ cổ phần hoá tai tiếng tại HACINCO.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ cổ phần hoá tai tiếng tại HACINCO.

Thứ hai: Hợp đồng kinh doanh quản lý, khai thác bất động sản số 11/2017/HĐHTKD/HACINCO-ATVIETNAM giữa HACINCO và Công ty TNHH dịch vụ Du lịch A&T Việt Nam là vô hiệu.

Căn cứ theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Luật Đầu tư 2014: “Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế” và quy định tại điểm c khoản 1 Điều 29 Luật Đầu tư 2014 về nội dung hợp đồng BCC: “c) Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên” thì bản chất của Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa các bên đó là việc các bên thỏa thuận cùng góp vốn để kinh doanh, cùng chịu rủi ro và cùng phân chia kết quả kinh doanh.

Tuy nhiên, tại Hợp đồng kinh doanh quản lý, khai thác bất động sản số 11/2017/HĐHTKD/HACINCO-ATVIETNAM, HACINCO và Công ty TNHH dịch vụ Du lịch A&T Việt Nam không tiến hành định giá tài sản góp vốn của HACINCO là Khách sạn thể thao, cũng không đưa ra mức góp vốn cụ thể của phía Công ty TNHH dịch vụ Du lịch A&T Việt Nam. Bên cạnh đó, phần phân chia lợi nhuận của các bên thỏa thuận cũng không căn cứ vào tỷ lệ vốn góp hay một tỷ lệ phần trăm cụ thể, trong khi đó HACINCO lại được hưởng một khoản thu nhập cố định là: 17.820.000.000 VNĐ/năm (Bằng chữ: Mười bảy tỷ tám trăm hai mươi triệu đồng/năm) tương ứng với 1.485.000.000 đồng/tháng (Bằng chữ: Một tỷ bốn trăm tám mươi triệu đồng/tháng). Rõ ràng, bản chất của Hợp đồng này là Hợp đồng thuê tài sản chứ không phải Hợp đồng hợp tác kinh doanh như các bên thỏa thuận. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp thì Hợp đồng này có thể bị Tòa án tuyên vô hiệu theo quy định tại Điều 124 Bộ luật dân sự 2015:

“1. Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.

2. Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu”.

Như vậy, việc HACINCO tiến hành ký kết và thực hiện là Hợp đồng kinh doanh quản lý, khai thác bất động sản số 11/2017/HĐHTKD/HACINCO-ATVIETNAM với Công ty TNHH dịch vụ Du lịch A&T Việt Nam để hợp tác đầu tư, quản lý, khai thác kinh doanh tại Khách sạn Thể Thao tại Làng sinh viên HACINCO, phố Lê Văn Thiêm, phường Nhân Hòa, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội là trái quy định pháp luật”.

Trên cơ sở đó, các nhà đầu tư kiến nghị với Chủ tịch UBND TP Hà Nội như sau:

“Xem xét, chỉ đạo dừng việc ký kết và thực hiện trái pháp luật các Hợp đồng hợp tác kinh doanh của HACINCO nói chung và Hợp đồng kinh doanh quản lý, khai thác bất động sản số 11/2017/HĐHTKD/HACINCO-ATVIETNAM giữa HACINCO và Công ty TNHH dịch vụ Du lịch A&T Việt Nam nói riêng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư và người lao động đã mua cổ phần hợp pháp tại HACINCO”.

Vụ cổ phần hoá tại HACINCO đang là vụ việc được dư luận cả nước quan tâm. Đây là một vụ việc kéo dài, xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi của các nhà đầu tư hợp pháp. Trước chủ trương hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đến năm 2020 theo Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ, các nhà đầu tư hợp pháp vào HACINCO vẫn đau đáu một niềm tin vụ việc sẽ được giải quyết đúng theo các quy định của pháp luật.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế