Vụ "bắt vạ" 400 triệu đồng sau tai nạn: Lối hành xử theo tâm lý đám đông rất nguy hiểm!
(Dân trí) - Người dân kéo nhiều người ra theo lối bắt vạ là kiểu ứng xử theo tâm lý đám đông, có tính chất vùng miền cục bộ. Tuy nhiên trong vụ việc này, do nhận thức pháp luật của người dân hạn chế nên cơ quan chức năng cần mềm dẻo linh hoạt trong xử lý vừa đảm bảo đúng quy định pháp luật, vừa hạn chế được những tác động tâm lý tiêu cực của đám đông.
Cần làm rõ bên nào có lỗi, bên ấy phải bồi thường!
Đó là nhận định của luật sư Quách Thành Lực - Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) trước vụ việc: Vào khoảng 11h40 ngày 1/3, tại Km108 + 600, Quốc lộ 4D, thuộc thôn Sa Pả, xã Sa Pả, huyện Sa Pa, Hạng A Câu (sinh năm 2003), học sinh lớp 9 Trường THCS Sa Pa trú tại thôn Suối Hồ, xã Sa Pả, huyện Sa Pa điều khiển xe máy biển kiểm soát 24B2 - 150.50 lưu thông theo hướng Lào Cai - Sa Pa và đâm trực diện vào ô tô 4 chỗ biển 24A- 029.19 do anh Nguyễn Trọng Nghĩa (sinh năm 1989), trú tại phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai điều khiển chạy hướng Sa Pa - Lào Cai.
Cú va chạm mạnh khiến xe máy bị văng ra và va vào xe chở khách Sao Việt biển kiểm soát 29B - 613.99 do lái xe Nguyễn Đức Phương, sinh năm 1972, trú tại phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, lưu thông hướng Lào Cai - Sa Pa (cùng chiều với xe máy) khiến Hạng A Câu tử vong tại chỗ. Cả xe máy và xe ô tô 4 chỗ 24A - 029.19 đều bị hư hỏng nặng.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, người nhà nạn nhân và người dân địa phương đã kéo ra hiện trường đòi lái xe ô tô con và xe khách phải bồi thường và không cho di chuyển xác ra khỏi hiện trường.
Vụ việc gây ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 4D nhiều giờ. Sau khi có sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, hai lái xe Nguyễn Đức Phương và Nguyễn Trọng Nghĩa đã thống nhất góp mỗi người 100 triệu đồng ủng hộ phí mai táng cho nạn nhân xấu số.
Theo luật sư Quách Thành Lực,Điều 60 Luật Giao thông đường bộ quy định về độ tuổi, sức khỏe lái xe tham gia giao thông quy định: Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3. Như vậy theo quy định trên thì tất cả những xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 phân khối thì người điều khiển phải đủ 16 tuổi. Người điều khiển xe máy đi cùng chiều với người điều khiển ô tô. Dựa trên hai yếu tố đó, cơ quan cảnh sát giao thông sẽ đánh giá yếu tố lỗi của các bên, người điều khiển ô tô và người điều khiển xe máy. Nếu xác định người điều khiển xe máy hoàn toàn có lỗi dẫn đến tai nạn thì theo đúng quy định pháp luật người điều khiển ô tô không phải bồi thường cho những thiệt hại xảy ra trong vụ tai nạn.
Pháp luật không có quy định về việc xe lớn hay xe nhỏ sẽ là bên phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự mà quy định rõ: bên nào có lỗi thì bên đó phải bồi thường.
Xe ô tô khu vận hành trên đường được xác định là nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định tại Điều 601. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
“1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.”
Khái niệm Nguồn nguy hiểm cao độ được giới Luật học hiểu“là những vật chất nhất định do pháp luật quy định luôn tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại cho con người, con người không thể kiểm soát được một cách tuyệt đối”.
Do vậy: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây: a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”(Khoản 3 Điều 601 Bộ Luật dân sự năm 2015)
Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự 2015: “1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
- Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”
Xe lớn đền xe bé khi va chạm giao thông quan niệm luật bất thành văn đã tồn tại trong suy nghĩ của người dân nhiều năm qua. Quan điểm này hình thành phần nào dựa trên cảm tính rằng phương tiện lớn hơn khi vận hành khả năng xảy ra lỗi trong tai nạn nhiều hơn và tinh thần tương trợ, nhân văn theo lỗi suy nghĩ phương tiện lớn hơn có khả năng tài chính tốt hơn để bồi thường thiệt hại xảy ra.
Tuy nhiên hiểu đúng đắn, đầy đủ theo quy định của pháp luật thì việc bồi thường dựa phải trên yếu tố lỗi. Lỗi lớn hay lỗi nhỏ đều do con người điều khiển, vì vậy lỗi của ai nhiều thì người đó phải chịu trách nhiệm, không nên quy kết việc cứ xe to là phải bồi thường tiền.
Cơ quan chức năng nên xử phạt hành chính trong vụ việc tụ tập đông người này, kết hợp với tuyên truyền phổ biến pháp luật, quy tắc ứng xử của dân chúng trong những vụ việc tương tự. Ảnh minh họa.
Mềm dẻo, linh hoạt trong xử lý để hạn chế tác động tâm lý tiêu cực của đám đông
Luật sư Quách Thành Lực cho rằng, người dân kéo nhiều người ra theo lối bắt vạ là kiểu ứng xử theo tâm lý đám đông, có tính chất vùng miền cục bộ. Những việc làm như vậy có khả năng bị xử lý về tội gây rối trật tự công cộng. Tuy nhiên trong vụ việc này do nhận thức pháp luật của người dân hạn chế nên cơ quan chức năng cần mềm dẻo linh hoạt trong xử lý vừa đảm bảo đúng quy định pháp luật, vừa hạn chế được những tác động tâm lý tiêu cực của đám đông. Cơ quan chức năng nên xử phạt hành chính trong vụ việc tụ tập đông người này, kết hợp với tuyên truyền phổ biến pháp luật, quy tắc ứng xử của dân chúng trong những vụ việc tương tự.
Liên quan đến vụ việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong đã ban hành văn bản chỉ đạo việc điều tra, xử lý vụ tai nạn giao thông, theo đó:
Giao UBND huyện Sa Pa chỉ đạo công an huyện tổ chức điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn; điều tra các đối tượng có hành vi gây mất trật tự công cộng, chống đối, cản trở lực lượng chức năng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; sớm củng cố hoàn thiện hồ sơ xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật, tổng hợp kết quả báo cáo UBND tỉnh.
Trước mắt, UBND huyện Sa Pa chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan chuyên môn sử dụng các tài liệu, hình ảnh, chứng cứ thu được tổ chức họp mời UBND các xã liên quan, các tổ chức đoàn thể và các thôn, bản của địa phương để tuyên truyền, đấu tranh, làm rõ về các hành vi vi phạm pháp luật như: Tụ tập đông người gây rối trật tự công cộng, cản trở lực lượng chức năng thực thi công vụ; đòi tiền không đúng quy định (nếu có) của các cá nhân và các hộ gia đình như báo chí đã phản ánh.
Ngọc Hân (thực hiện)