Bình Dương:

Vụ bác sĩ bị “tố” tắc trách, bé trai 13 tuổi tử vong có “chìm xuồng”?

(Dân trí) - Hàng loạt thiếu sót được Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế chỉ ra trong vụ bác sĩ bị “tố” tắc trách, bé trai 13 tuổi tử vong nhưng đến nay những người liên quan vẫn chưa bị xử lý khiến người nhà nạn nhân bức xúc, dự luận băn khoăn liệu vụ việc có bị “chìm xuồng”?

ongtrong

Nỗi đau tột cùng của người cha bên di ảnh con trai.

Ngày 5/9, trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Đình Trọng (ngụ thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo) cho biết, đến nay gia đình ông vẫn chưa nhận được bất kì thông báo nào từ cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương, từ Bộ Y tế về việc giải quyết các vấn đề liên quan đến cái chết oan ức của con trai ông là cháu Lê Đình Chinh (13 tuổi).

Tháng 5/2018, Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế đã thành lập Hội đồng chuyên môn (HĐCM) để đánh giá lại toàn bộ sự việc và có kết luận nêu rõ, quá trình khám chữa bệnh cho bệnh nhi Lê Đình Chinh tại Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Phú Giáo đã nhận định, chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue là đúng, xử trí phù hợp với hướng dẫn chẩn đoán của Bộ Y tế trong giai đoạn đầu của bệnh.

Tuy nhiên, HĐCM Bộ Y tế xác định, khi bệnh nhân tiến triển nặng nhưng do trình độ chuyên môn hạn chế (bác sĩ Nguyễn Giang Nam, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Chinh là bác sĩ đa khoa, chưa có kinh nghiệm trong điều trị sốt xuất huyết) nên chưa chẩn đoán được sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo, do vậy không tiên lượng được nên chưa có chỉ định theo dõi, điều trị phù hợp bệnh trong giai đoạn này.

HĐCM Bộ Y tế cũng kết luận, việc chuyển bệnh nhân trong tình trạng co giật là không an toàn, không đúng theo quy định của Quy chế cấp cứu. Không kiên quyết xử lý cấp cứu co giật (mặc dù gia đình người bệnh không đồng ý nhưng bác sĩ trực vẫn phải kiên quyết yêu cầu gia đình để người bệnh ở lại Trung tâm để cấp cứu, gọi báo cáo lãnh đạo Trung tâm xin hỗ trợ và lập biên bản hội chẩn có ý kiến của Lãnh đạo Trung tâm và ý kiến xác nhận của gia đình).

Vụ bác sĩ bị “tố” tắc trách, bé trai 13 tuổi tử vong có “chìm xuồng”? - Ảnh 2.

Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế chỉ ra hàng loạt thiếu sót trong quá trình điều trị, chuyển viện đối với bệnh nhi 13 tuổi bị tử vong.

Bên cạnh đó, HĐCM Bộ Y tế cho rằng, việc chuyển viện bệnh nhân thiếu kỹ năng, không đặt đường truyền tĩnh mạch, chuyển người bệnh đang trong tình trạng co giật, thiếu kỹ năng tiếp xúc với gia đình người bệnh trong những tình huống người bệnh diễn biến ở giai đoạn nặng hơn…

Kết luận của HĐCM Bộ Y tế là vậy nhưng đến nay sự việc vẫn “giậm chân tại chỗ”, nhiều cơ quan chức năng vẫn thờ ơ, quanh co trên nỗi đau của dân.

Mới đây, gia đình ông Trọng tiếp tục có đơn tố cáo ê kíp trực trong ngày con trai ông nhập viện. Thời điểm điều trị cho bé Chinh nhiều bác sĩ trực bị “tố” chưa có chứng chỉ hành nghề. “Gần 2 năm đi đòi sự công bằng để giải oan cho cái chết tức tưởi của con trai tôi nhưng tới nay sự việc vẫn chưa sáng tỏ nên tôi tiếp tục làm đơn gửi đến Bộ Trưởng Bộ Y tế cùng các cơ quan chức năng có thẩm quyền để trình bày nỗi uất ức tột cùng của gia đình về cái chết oan ức của con trai tôi. Đồng thời tố cáo hành vi tắc trách, vô trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của Giám đốc TTYT huyện Phú Giáo cùng ê kíp trực, trách nhiệm của lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương, TTYT huyện Phú Giáo có dấu hiệu sai phạm trong việc phân công, bố trí bác sĩ chữa bệnh, nhân viên y tế khi chưa có chứng chỉ hành nghề”, ông Trọng viết trong đơn.

Vụ bác sĩ bị “tố” tắc trách, bé trai 13 tuổi tử vong có “chìm xuồng”? - Ảnh 3.

Trung tâm Y tế huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, nơi cháu Chinh bị chuyển viện trong lúc đang co giật.

Trước đó, ngày 24/11/2016, cháu Lê Đình Chinh nhập viện tại TTYT huyện Phú Giáo và được chẩn đoán là bị sốt xuất huyết. Do thấy tình hình sức khỏe của con xấu đi, gia đình đề nghị bác sĩ cho chuyển viện lên tuyến trên nhưng bác sĩ không đồng ý và nói sức khỏe bệnh nhân diễn biến tốt. Hai ngày sau, thấy con trai mệt, ông Trọng tiếp tục gặp bác sĩ Nguyễn Giang Nam (nhân viên tại Trung tâm Y tế huyện Phú Giáo) để thông báo tình trạng sức khỏe của Chinh và xin được chuyển viện.

"Đêm 26/11/2016, khi vừa từ phòng bệnh ra tới gần cửa xe cứu thương con tôi bỗng co giật, bác sĩ Nam vẫn đứng im mà không lo lắng hay cấp cứu gì cho cháu gì cả, sau đó bác sĩ cho đẩy cháu lên xe và chuyển cháu đi về bệnh viện tỉnh Bình Dương cùng 2 y tá. Trên đường đi cháu tiếp tục co giật 2 lần nữa mà không được bác sĩ tiêm thuốc hay cấp cứu gì cả. Tại bệnh viện tỉnh, người con tôi đã tím tái hết, bác sĩ tiếp tục cấp cứu và chuyển cháu đến bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM). Dù bác sĩ ở đây đã nỗ lực điều trị nhưng con tôi không qua khỏi và tử vong vào rạng sáng 29/11/2016", ông Trọng trình bày trong đơn gửi đến Báo Dân trí.

Hàng chục lá đơn được gia đình ông Trọng gửi đi khắp nơi với mong muốn làm sáng tỏ cái chết của đứa con trai 13 tuổi nhưng đến nay sự việc vẫn đang có dấu hiệu “chìm xuồng”. Có chăng sự thiếu trách nhiệm, vô cảm của những đơn vị xử lý vụ việc này?

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Trung Kiên