Bình Dương:

Vụ bác sĩ bị “tố” tắc trách, bé trai 13 tuổi tử vong: Bộ Y tế chỉ ra hàng loạt thiếu sót!

(Dân trí) - Chưa tiên lượng được bệnh, chuyển viện trong tình trạng co giật là không an toàn, không đúng quy định, quy chế cấp cứu, thiếu kỹ năng…là hàng loạt vấn đề được Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế chỉ ra trong vụ bác sĩ bị “tố” tắc trách, bé trai 13 tuổi tử vong mà Báo Dân trí phản ánh hơn 1 năm qua.

Chuyển bệnh nhi trong tình trạng không an toàn

Gần 6 tháng tiếp nhận hồ sơ, Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế đã thành lập Hội đồng chuyên môn đánh giá vụ bé trai 13 tuổi tử vong.
Gần 6 tháng tiếp nhận hồ sơ, Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế đã thành lập Hội đồng chuyên môn đánh giá vụ bé trai 13 tuổi tử vong.

Gần 6 tháng có văn bản yêu cầu Sở Y tế Bình Dương và Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cung cấp các tài liệu liên quan đến việc giải quyết vụ ông Lê Đình Trọng (ngụ thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo) khiếu nại khắp nơi nhằm làm sáng tỏ cái chết của bé Lê Đình Chinh (13 tuổi, con trai ông Trọng), Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế đã thành lập Hội đồng chuyên môn (HĐCM) để đánh giá lại toàn bộ sự việc.

Theo kết luận của HĐCM Bộ Y tế ngày 5/4 thể hiện, quá trình khám chữa bệnh cho bệnh nhi Lê Đình Chinh tại Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Phú Giáo đã nhận định, chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue là đúng, xử trí phù hợp với hướng dẫn chẩn đoán của Bộ Y tế trong giai đoạn đầu của bệnh.

Tuy nhiên, HĐCM Bộ Y tế xác định, khi bệnh nhân tiến triển nặng nhưng do trình độ chuyên môn hạn chế (bác sĩ Nguyễn Giang Nam, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Chinh là bác sĩ đa khoa, chưa có kinh nghiệm trong điều trị sốt xuất huyết) nên chưa chẩn đoán được sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo, do vậy không tiên lượng được nên chưa có chỉ định theo dõi, điều trị phù hợp bệnh trong giai đoạn này.

Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế chỉ ra hàng loạt thiếu sót trong quá trình điều trị, chuyển viện đối với bệnh nhi 13 tuổi bị tử vong.
Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế chỉ ra hàng loạt thiếu sót trong quá trình điều trị, chuyển viện đối với bệnh nhi 13 tuổi bị tử vong.

HĐCM Bộ Y tế cũng kết luận, việc chuyển bệnh nhân trong tình trạng co giật là không an toàn, không đúng theo quy định của Quy chế cấp cứu. Không kiên quyết xử lý cấp cứu co giật (mặc dù gia đình người bệnh không đồng ý nhưng bác sĩ trực vẫn phải kiên quyết yêu cầu gia đình để người bệnh ở lại Trung tâm để cấp cứu, gọi báo cáo lãnh đạo Trung tâm xin hỗ trợ và lập biên bản hội chẩn có ý kiến của Lãnh đạo Trung tâm và ý kiến xác nhận của gia đình).

Bên cạnh đó, HĐCM Bộ Y tế cho rằng, việc chuyển viện bệnh nhân thiếu kỹ năng, không đặt đường truyền tĩnh mạch, chuyển người bệnh đang trong tình trạng co giật, thiếu kỹ năng tiếp xúc với gia đình người bệnh trong những tình huống người bệnh diễn biến ở giai đoạn nặng hơn…

“Sau khi họp, Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế tỉnh Bình Dương khắc phục các vấn đề còn tồn tại qua vụ việc đối với TTYT huyện Phú Giáo nói riêng và các đơn vị khám, chữa bệnh thuộc sở Y tế”, kết luận của HĐCM Bộ Y tế nêu rõ.

Đã có kết luận, xử lý ra sao?

Trung tâm Y tế huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, nơi cháu Chinh bị chuyển viện trong lúc đang co giật.
Trung tâm Y tế huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, nơi cháu Chinh bị chuyển viện trong lúc đang co giật.

Liên quan đến vụ việc này, trước đây hàng loạt cơ quan, ban ngành tỉnh Bình Dương đều trả lời các giải quyết khiếu nại của gia đình ông Trọng là phải phụ thuộc vào kết luận của HĐCM Bô Y tế. Trong văn bản gửi đến ông Trọng, Viện KSND và Sở Y tế Bình Dương đều thể hiện điều này.

Theo thông báo của Viện KSND tỉnh Bình Dương, sau khi tiếp nhận đơn của ông Lê Đình Trọng, Viện KSND tỉnh Bình Dương đã thụ lý đơn để giải quyết theo thẩm quyền. Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ việc, Viện KSND tỉnh Bình Dương đã ban hành văn bản đề nghị HĐCM – Sở Y tế Bình Dương có văn bản giải thích rõ hơn đối với kết luận số 57/KL-HĐCM ngày 3/8/2017 về việc bác sĩ Nguyễn Giang Nam (thuộc Trung tâm Y tế huyện Phú Giáo) để cho cháu Lê Đình Chinh chuyển viện trong tình trạng cháu Chinh đang lên cơn co giật có đúng quy định về chuyên môn của ngành y hay không, có vi phạm quy tắc nghề nghiệp hay không?

Trước nỗi đau mất con, ông Trọng gửi đơn đến nhiều cơ quan, ban ngành tỉnh Bình Dương cầu cứu và đều được chuyển đến Viện KSND tỉnh để thụ lý giải quyết.
Trước nỗi đau mất con, ông Trọng gửi đơn đến nhiều cơ quan, ban ngành tỉnh Bình Dương cầu cứu và đều được chuyển đến Viện KSND tỉnh để thụ lý giải quyết.
Viện KSND tỉnh Bình Dương thông báo thụ lý đơn khiếu nại ông Trọng, tuy nhiên cơ quan này đang chờ kết luận của Hội đồng chuyên môn - Bộ Y tế để giải quyết vụ việc.
Viện KSND tỉnh Bình Dương thông báo thụ lý đơn khiếu nại ông Trọng, tuy nhiên cơ quan này đang chờ kết luận của Hội đồng chuyên môn - Bộ Y tế để giải quyết vụ việc.

Ngày 27/11/2017, HĐCM – Sở Y tế Bình Dương có văn bản trả lời Viện KSND tỉnh Bình Dương với nội dung: “Hiện nay, Sở Y tế Bình Dương đã chuyển hồ sơ bệnh án, tài liệu về người bệnh Lê Đình Chinh đến Bộ Y tế để tổ chức họp HĐCM cấp Bộ. Theo quy định tại Khoản 5 Điều 75 Luật Khám bệnh, chưa bệnh thì kết luận của HĐCM do Bộ Y tế thành lập là kết luận cuối cùng về việc có hay không sai sót chuyên môn kỹ thuật. Do đó, theo đề nghị của Viện KSND tỉnh, dù Sở Y tế có giải thích rõ hơn đối với kết luận số 57/KL-HĐCM ngày 3/8/2017 của HĐCM cấp tỉnh thì cũng không thể là căn cứ để Viện KSND tỉnh giải quyết khiếu nại của ông Lê Đình Trọng. Sau khi có kết luận của HĐCM Bộ Y tế, Sở Y tế sẽ thông báo cho Viện KSND tỉnh”.

“Do vậy, để đảm bảo việc giải quyết khiếu nại của ông Trọng được khách quan, thận trọng và đúng quy định của pháp luật, sau khi có kết luận của HĐCM Bộ Y tế, Viện KSND tỉnh Bình Dương sẽ xem xét, giải quyết đơn khiếu nại của ông Lê Đình Trọng”, thông báo của Viện KSND tỉnh Bình Dương nêu rõ.

Trước đó, cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Giáo đã căn cứ kết luận giám định của HĐCM thuộc Sở Y tế Bình Dương và kết quả điều tra xác minh để ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với bác sĩ Nguyễn Giang Nam vì không cấu thành tội phạm “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp”. Viện KSND huyện Phú Giáo cũng ra quyết định không chấp nhận khiếu nại của ông Lê Đình Trọng đối việc không khởi tố của cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Giáo và xem xét khởi tố đối với hành vi “Vi phạm các quy định về khám chữa bệnh” của bác sĩ Nam và ê kíp TTYT huyện Phú Giáo.

Hội đồng Thi đua - Khen thưởng - Kỷ luật TTYT huyện Phú Giáo xử lý bác sĩ Nguyễn Giang Nam bằng hình thức cảnh cáo, điều chuyển công tác, không được khám chữa bệnh, cắt thi đua, khen thưởng, cắt toàn bộ các khoản tiền tăng thu nhập, lễ tết của đơn vị trong 1 năm, ngưng thời gian nâng bậc lương.
Hội đồng Thi đua - Khen thưởng - Kỷ luật TTYT huyện Phú Giáo xử lý bác sĩ Nguyễn Giang Nam bằng hình thức cảnh cáo, điều chuyển công tác, không được khám chữa bệnh, cắt thi đua, khen thưởng, cắt toàn bộ các khoản tiền tăng thu nhập, lễ tết của đơn vị trong 1 năm, ngưng thời gian nâng bậc lương.

Từ khi vụ việc xảy ra đến nay, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng - Kỷ luật TTYT huyện Phú Giáo mới xử lý bác sĩ Nguyễn Giang Nam bằng hình thức cảnh cáo, đồng thời điều chuyển công tác, không được khám chữa bệnh, cắt thi đua, khen thưởng, cắt toàn bộ các khoản tiền tăng thu nhập, lễ tết của đơn vị trong 1 năm, ngưng thời gian nâng bậc lương. Điều này khiến gia đình ông Trọng vô cùng bức xúc và quyết tâm đi đến cùng sự việc.

Ông Trọng bật khóc bên di ảnh con trai.
Ông Trọng bật khóc bên di ảnh con trai.

“Tôi thiết tha mong Công an tỉnh Bình Dương, Công an huyện Phú Giáo, Viện KSND tỉnh Bình Dương, Viện KSND huyện Phú Giáo cùng các cấp có thẩm quyền xem xét và giải quyết sớm vụ việc để gia đình được an ủi, để con trai tôi được yên nghỉ”, ông Trọng nói trong đau xót tột cùng.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Trung Kiên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm