Bình Thuận:

Vụ “án oan” nhiễm HIV 19 năm: Phải bồi thường vật chất lẫn tinh thần cho nạn nhân

(Dân trí) - Việc xét nghiệm HIV sai đối với trường hợp của ông Trần Ngọc Khanh ở Bình Thuận mà Dân trí vào cuộc phản ánh là việc không thể chấp nhận được và cần xem xét ở tinh thần thật nghiêm túc căn cứ trên thiệt hại thực tế về vật chất lẫn tinh thần cũng như ảnh hưởng đến gia đình của nạn nhân.

Bài viết “Người đàn ông mang “án oan” nhiễm HIV suốt 19 năm phẫn nộ đi kiện” đăng trên Dân trí ngày 4/6/2016 phản ánh trường hợp “dở khóc dở cười” của ông Trần Ngọc Khanh (51 tuổi, ngụ ở xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuân).

Năm 1997, ông Khanh bị Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh phối hợp với bệnh viện huyện Tuy Phong và trạm y tế xã Vĩnh Hảo xét nghiệm và xác định ông bị nhiễm HIV. 19 năm qua, ông sống trong tủi hổ, đau khổ vì cái “án tử” treo lơ lửng. Thấy mình “bị si-đa mà sao lâu chết” nên ông Khanh tự đi làm xét nghiệm lại. Thật bất ngờ khi cả 4 cơ sở y tế đều kết luận ông âm tính với HIV.

Mừng rơi nước mắt khi được “giải oan”, ông Khanh quyết đi kiện cơ quan chức năng đã tuyên “án tử” đối với ông để đòi bồi thường vì những mất mát, đau khổ mà ông đã phải chịu đựng gần 2 thập kỷ qua.

Ông Trần Ngọc Khanh (51 tuổi, ngụ ở xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuân) mang án oan nhiễm HIV suốt 19 năm qua trên hành trình đòi công lý
Ông Trần Ngọc Khanh (51 tuổi, ngụ ở xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuân) mang "án oan" nhiễm HIV suốt 19 năm qua trên hành trình đòi công lý

Để làm sáng tỏ vụ việc, luật sư Nguyễn Thành Công, Giám đốc Công ty Đông Phương Luật, Đoàn Luật sư TPHCM đã phân tích những tình huống pháp lý.

Luật sư Công cho rằng, trong trường hợp này, việc xác định trách nhiệm thuộc về ai và xử lý như thế nào, cần xem xét ở ba quan hệ pháp luật về hình sự, hành chính, dân sự như sau:

Thứ nhất, xét đến trách nhiệm hình sự (TNHS) thì hành vi (của người của cơ quan y tế) do thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao dẫn đến việc xét nghiệm HIV mà kết luận sai (người không bị nhiễm HIV mà lại kết luận bị nhiễm HIV) và gây hậu quả nghiêm trọng (thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, tài sản của con người; thiệt hại về tài sản, uy tín của cơ quan, tổ chức và những thiệt hại phi vật chất khác) thì có thể khởi tố người có hành vi trên về “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 285 Bộ luật Hình sự hiện hành.

4 phiếu xét nghiệm đều khẳng định ông Khanh âm tính với HIV
4 phiếu xét nghiệm đều khẳng định ông Khanh âm tính với HIV

Tuy nhiên, trong trường hợp của ông Trần Ngọc Khanh, giả sử có dấu hiệu của tội phạm trên thì khó có thể truy cứu TNHS đối với người thiếu trách nhiệm trong vụ việc này, bởi vì thời hiệu để truy cứu TNHS đã hết do việc xét nghiệm và kết luận ông Khanh nhiễm HIV là từ năm 1997, đến nay đã là 19 năm, mà tội danh trên thuộc tội phạm nghiêm trọng (khoản 1 Điều 285) và tội phạm rất nghiêm trọng (khoản 2 Điều 285) và thời hiệu truy cứu TNHS đối với hai loại tội phạm này tương ứng là 10 năm và 15 năm tính từ ngày tội phạm được thực hiện (Điều 23 Bộ luật Hình sự 1999 hay Điều 27 BLHS 2015).

Thứ hai, xét đến trách nhiệm hành chính trong trường hợp xét nghiệm HIV sai thì pháp luật đã có chế tài xử phạt, điều này được quy định cụ thể tại Mục 1 Chương II của Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Tuy nhiên, đối với trường hợp của ông Khanh, thời hiệu áp dụng các hình thức xử phạt hành chính đã hết do sự việc xảy ra từ năm 1997, trong khi pháp luật quy định thời hiệu xử phạt chỉ là một năm từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm (Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012). Do đó, những người có hành vi vi phạm khi xét nghiệm sai cho ông Khanh sẽ không bị xử phạt hành chính.

Thứ ba, về trách nhiệm dân sự trong trường hợp này được xác định như sau: theo Điều 619 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về việc bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức gây ra như sau: “Cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức phải bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức của mình gây ra trong khi thi hành công vụ. Cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức có trách nhiệm yêu cầu cán bộ, công chức phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật, nếu cán bộ, công chức có lỗi trong khi thi hành công vụ".

Vì vậy, có thể thấy là trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông Khanh thuộc về Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Bình Thuận chứ không phải những người xét nghiệm sai phải bồi thường cho ông Khanh. Sau đó, Trung tâm này có quyền yêu cầu những người xét nghiệm sai phải trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật nếu họ có lỗi.

Gần 20 năm qua, gia đình ông Khanh sống trong nỗi thất vọng, chán chường và sự dị nghị của người khác
Gần 20 năm qua, gia đình ông Khanh sống trong nỗi thất vọng, chán chường và sự dị nghị của người khác

Việc xét nghiệm sai này đã vô ý xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của ông Khanh, khiến ông Khanh phải gánh chịu những thiệt hại về vật chất và tinh thần. Do đó, Trung tâm này có trách nhiệm phải bồi thường những thiệt hai đó. Trong trường hợp này, nếu ông Khanh và Trung tâm này không thương lượng được mức bồi thường thì ông Khanh có thể khởi kiện ra Tòa để yêu cầu Trung tâm này phải bồi thường. Các khoản bồi thường gồm có thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần:

Đối với thiệt hại về vật chất, ông Khanh có nghĩa vụ phải chứng minh các khoản thiệt hại đó là những gì. Nếu không chứng minh được thì ông Khanh sẽ không được bồi thường.

Đối với thiệt hại về tinh thần, ông Khanh sẽ được bồi thường gồm chi phí để hạn chế, khắc phục thiệt hại và thu nhập giảm sút bị mất hoặc bị giảm sút. Ngoài ra thì còn được bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường (Điều 611 Bộ Luật Dân sự 2005).

Trung Phương - Công Quang