Bắc Ninh:
Vụ án “chiếc dùi đục tưởng tượng”: Kết luận giám định thương tật cũng là sản phẩm…tưởng tượng?
(Dân trí) - Phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Đàm Thuận Thao cố ý gây thương tích” sẽ được mở lại vào sáng ngày 28/7. Dư luận đang chờ đợi nhiều chi tiết bất thường được làm sáng tỏ. Trong đó, đặc biệt là kêu oan về chiếc dùi đục…tưởng tượng và kết quả giám định thương tật bất thường.
Như Dân trí đã thông tin, để có căn cứ khởi tố vụ án nêu trên, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành trưng cầu giám định pháp y đối với thương tích của bà Hoàng Thị Hoa. Đến ngày 24/12/2013, Phòng Giám định pháp y thuộc Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh ban hành Bản giám định pháp y số: 75/2013/GĐPY kết luận thương tật của bà Hoàng Thị Hoa như sau:
“Căn cứ vào thông tư liên bộ số: 28/2013/TTLB-BYT-BLĐTBXH ký ngày 27/9/2013 của Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương binh và xã hội quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích, bệnh, tật và bệnh nghề nghiệp.
Căn cứ vào kết quả nghiêm cứu hồ sơ, khám giám định và các xét nghiệm.
Chúng tôi thống nhất kết luận tỷ lệ thương tật của đương sự như sau:
Một sẹo vùng đỉnh trái KT 02cm x 01 cm = 3% vĩnh viễn.
Một sẹo vành tai phải KT 01 cm x 0,5cm = 2% vĩnh viễn
Điện não đồ có sóng bất thường tương ứng với vùng tổn thương = 8% tạm thời.
Tổng hợp tỷ lệ tổn thương cơ thể toàn bộ theo phương pháp cộng lùi bằng: 13 % (Mười ba phần trăm). Vĩnh viễn: 05%; Tạm thời: 08% …”
Sau khi TAND thị xã Từ Sơn ra Quyết định trả hồ sơ cho VKSND thị xã Từ Sơn để điều tra bổ sung, yêu cầu giám định lại thương tích của bà Hoàng Thị Hoa. Ngày 22/10/2014, Phòng Giám định pháp y Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh có Công văn số 19/2014/GĐPY trả lời như sau:
“…Việc kết luận giám định căn cứ vào thông tư 28/2013/TTLB-BYT-BLĐTBXH ký ngày 27/9/2013. Tỷ lệ thương tật tại bản giám định pháp y số: 75/2013/GĐPY ký ngày 24/12/2013 hoàn toàn phù hợp và chính xác với các thương tích mà trong giấy chứng thương được cơ quan điều tra cung cấp.
Trên cơ thể của chị Hoàng Thị Hoa có bị tổn thương và tổn thương đó phải được tính tỷ lệ thương tích, do thông tư 28/2013/TTLB-BYT-BL ĐTBXH ký ngày 27 – 9 - 2013 có nhiều điểm chưa cụ thể vì vậy phòng giám định pháp y phải vận dụng để tính tỷ lệ thương tích cho chị Hoa. …”
Về vấn đề này, luật sư Trương Anh Tú, người bào chữa cho bị cáo cho biết: “Chúng tôi đã kiểm tra, đối chiếu với các danh mục thương tật tại Thông tư số 28/2013/TTLB-BYT-BLĐTBXH lại không hề có tên thương tật nào là sẹo ở vành tai cũng như thương tật sau khi Điện não đồ cho sóng bất thường. Như vậy, việc “vận dụng” để tính thương tích cho bà Hoa như cách làm của phòng Giám định pháp y thuộc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh, tôi cho là việc vận dụng tùy tiện, không phù hợp, không chính xác với quy định của pháp luật, làm sai lệch bản chất vụ án. Do đó, Bản Giám định pháp y này không thể được xem là chứng cứ của vụ án, chứng cứ để buộc tội đối với bị cáo” - luật sư Trương Anh Tú nói.
Liên quan tới vấn đề giám định pháp y trong tố tụng hình sự, Luật sư Trương Anh Tú cho biết đã tới Viện Pháp y quốc gia (cơ quan thuộc Bộ Y tế), đây là cơ quan chuyên môn cao nhất của Bộ y tế trong lĩnh vực giám định pháp y. Tại đây, luật sư Tú đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ Ngô Hường Dũng - Bác sĩ chuyên khoa 1 và cũng là Viện phó phụ trách giám định pháp y. Tại buổi trao đổi này, Bác sĩ Dũng cho luật sư biết về nguyên tắc áp dụng pháp luật trong hoạt động giám định pháp y đó là: “Giám định pháp y tại thời điểm nào thì áp dụng văn bản đang có hiệu lực pháp luật điều chỉnh tại thời điểm đó. Nếu giám định không áp dụng văn bản pháp luật đang có hiệu lực tại thời điểm giám định là không đúng. Mặt khác, nếu thương tật không có trong danh mục ban hành kèm theo thông tư mà lại kết luận trong bản giám định pháp y là sai. Không được phép sáng tạo bởi lẽ không phải tự nhiên mà nhà nước quy định bảng thương tật đó, liệt kê chi tiết cụ thể các thương tật trong thông tư như vậy là để các Giám định viên đưa ra kết luận có cơ sở”.
Đặt câu hỏi với luật sư Trương Anh Tú - luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo Đàm Thuận Thao về hậu quả pháp lý đối với giám định viên trong trường hợp nếu tại phiên tòa tới đây, giám định viên được triệu tập tham gia phiên tòa vẫn giữ nguyên quan điểm của mình thì sao, luật sư Tú cho rằng: “Trong một vụ án hình sự có việc trưng cầu giám định pháp y thì giám định viên tham gia vụ án với tư cách là người giám định. Giám định viên có các quyền và nghĩa vụ theo Điều 60 của BLTTHS. Giám định viên phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về kết luận giám định do mình đưa ra.
Trong trường hợp nếu sau khi đã đưa ra kết luận giám định nhưng nhận thấy bản kết luận giám định của mình là chưa chính xác thì giám định viên có quyền rút lại kết luận của mình, hoặc đề nghị cho đối tượng giám định đi giám định lại bằng một hội đồng giám định cấp trên. Trong trường hợp cố tình đưa ra kết luận giám định sai sự thật thì giám định viên phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội khai báo gian đối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật được quy định tại Điều 307 Bộ luật hình sự, theo đó: “1. Người giám định, người phiên dịch, người làm chứng nào mà kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm: a) Có tổ chức; b) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm.” luật sư Tú cho biết.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế