An Giang:

Vụ 7 năm chưa được hầu tòa: Toà sơ thẩm bác hết yêu cầu nguyên đơn

(Dân trí) - Sau hơn 13 năm ông Trí ''mòn dép'' đi gõ cửa các cơ quan chức năng để được hầu toà trong vụ kiện tranh chấp tài sản với ông Thành, đến 22/01/2014, TAND huyện Thoại Sơn mới đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, toà đã bác toàn bộ yêu cầu của ông Trí

Sau thời gian “nghiên cứu” hồ sơ vụ án, đến ngày 22/01/2014, TAND huyện Thoại Sơn mở phiên toà dân sự cấp sơ thẩm xét xử vụ tranh chấp về “Quyền sử dụng đất và bồi thường thiệt hại về tài sản” giữa nguyên đơn Nguyễn Văn Trí (1951) - ngụ ấp Phú An, thị trấn Phú Hoà, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang và bị đơn Nguyễn Tấn Thành (1968) ngụ ấp Đông Sơn 2, thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

Tại phiên toà, ông Nguyễn Văn Trí (đại diện cho các nguyên đơn) trình bày chủ sở hữu căn nhà mái ngói và mảnh đất 141,5m2 tại 128/13 (nay là căn nhà số 17, đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Núi Sập, huyện thoại Sơn, tỉnh An Giang) là của ông bà ngoại của ông là cụ cố Nguyễn Văn Diễu (chết 1980) và cụ cố Nguyễn Thị Tỏ ( chết 1984). Cụ cố Võ Thị Lẫy là vợ hai của cụ cố Diễu hai người không sống chung. Hơn nữa, cụ cố Lẫy không được cụ cố Diễu uỷ quyền hoặc di chúc cho căn nhà và đất trên nên cụ cố Lẫy không có quyền lập di chúc cho bị đơn Nguyễn Tấn Thành – cháu ngoại cụ cố Lẫy.

Từ luận cứ trên, ông Trí yêu cầu bị đơn có trách nhiệm trả lại diện tích đất 141,5m2  cho ông và bồi thường thêm số tiền 400 triệu đồng do bị đơn làm thiệt hại về tài sản: gồm căn nhà mái ngói và các vật dụng trong căn nhà như: bàn ghế, tủ,…

Vụ 7 năm chưa được hầu tòa:  Toà sơ thẩm bác hết yêu cầu nguyên đơn

Sau hơn 13 năm mỏi mòn đi gõ cửa các cơ quan chức năng trong việc đòi lại tài sản của ông bà đến ngày 22/01/1014 ông Trí mới được hầu toà

Tuy nhiên, tại phiên toà bị đơn Nguyễn Tấn Thành (đại diện cho những người liên quan) cho rằng: Căn nhà mái ngói và mảnh đất 141,5m2 là tài sản riêng của bà ngoại mình là cụ Võ Thị Lẫy nên cụ Lẫy có quyền lập di chúc cho con cháu là hợp pháp. Từ đó bị đơn cho rằng nguyên đơn đòi lại mảnh đất 141,5m2 và yêu câu bồi thường căn nhà là không có cơ sở.

Sau khi thẩm vấn nguyên đơn và bị đơn, HHXX tuyên án bát toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn đối với ông Nguyễn Văn Trí vì cho rằng ông Trí không chứng minh được mảnh đất, căn nhà mái ngói là của cụ cố Nguyễn Văn Diễu, trong khi đó bị đơn chứng minh được nhà và mảnh đất trên là tài sản riêng của cụ cố Võ Thị Lẫy qua tờ di chúc mà cụ cố Lẫy.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Trí cho biết: “Nếu tính từ lá đơn đầu tiên gửi đến các cơ quan chức năng (năm 2001) để yều cầu ông Thành trả lại nhà và đất cho anh em chúng tôi thì vụ việc đã kéo dài hơn 13 năm qua. Tốn ngần ấy thời gian (công sức, tiền bạc,…chưa tính) đến ngày 22/01/2014 vừa rồi tôi mới được hầu toà, tuy nhiên chẳng hiểu sao toà chỉ căn cứ vào một tờ di chúc “mập mờ” pháp lí (vì UBND huyện Thoại Sơn thu hồi giấy CNQSDĐ đã cấp cho ông Thành trước đó) đã bát toàn bộ yêu cầu của tôi. Vì vậy, tôi tiếp tục tin tưởng vào công lý, tôi đã làm đơn kháng cáo lên TAND tỉnh An Giang để đòi lại tài sản mà ông bà tôi để lại cho con cháu.” 

Riêng luật sư Nguyễn Như Hùm - Văn phòng Luật sư Thanh Tân (Đoàn luật sư TP Cần Thơ) tham gia bào chữa cho nguyên đơn trình bày quan điểm: " Tài sản đang tranh chấp giữa ông Trí và ông Thành (Căn nhà và đất toạ lạc tại số 128/2 sau đó là số 17 và nay là số 19 đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) là tài sản của cụ cố Nguyễn Văn Diễu. Vì tại biên bản giải quyết tại Ban tư pháp thị trấn Núi Sập ngày 14/11/2005, ông Thành đã thừa nhận căn nhà là của ông Diễu và bà Lẫy và đến năm 1989 - 1990, cha ông Thành có đến hỏi miệng cô Tư - bà Nguyễn Thị Phụng (mẹ ông Trí) xin sửa lại căn nhà vì xuống cấp. Ngoài ra, tại biên bản lời khai ngày 01/6, ông Thành còn thừa nhận, trong căn nhà có 01 cái tủ, 01 cái ngựa. Căn cứ những điều trên, ông Thành đã thừa nhận tài sản là của ông Diễu nên nguyên đơn không cần phải chứng minh."

Thêm nữa, tài sản đang tranh cấp giữa ông Trí và ông Thành (Căn nhà và đất toạ lạc tại số 128/2 sau đó là số 17 và nay là số 19 đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) mà ông Thành cho rằng là tài sản riêng của cụ cố Võ Thị Lẫy là không đủ căn cứ. Vì tại biên bản lời khai 01/6/2006, ông Thành đã khai nhận là không có giấy tờ chứng minh là tài sản riêng của cụ cố Lẫy. Và tại biên bản xác minh ông Mã An - người sống kế cận nhà cụ cố Diễu, cụ cố Lẫy thừa nhận căn nhà và đất (ông Trí và ông Thành đang tranh chấp) đã có trước lúc ông sinh ra (ông Mã sinh năm 1952). Khi ông biết, ông Mã đã thấy cụ cố Diễu và cụ cố Lẫy đã sống ở đây, lúc đó cụ cố Diễu khoảng 60 tuổi. Như vậy, căn cứ vào luật hôn nhân gia đình 1959 có hiệu lực tại miền Nam 1977 thì tài sản có trước và sau hôn nhân đều là tài sản chung. Từ đó, việc con cháu cụ cố Diễu đòi lại tài sản là có căn cứ pháp luật và đúng thực tế. Nhưng không hiểu sao, toà sơ thẩm bát hết yêu của của thân chủ chúng tôi?"

Nguyễn Hành