Bài 3:

Vụ 3 năm chưa thi hành án: Vi phạm nghiêm trọng Luật Tố tụng hành chính

(Dân trí) - Theo luật sư, việc chưa thi hành các bản án có hiệu lực là vi phạm nghiêm trọng Luật tố tụng hành chính và vi phạm pháp luật về tự nguyện thi hành án.

Vụ 3 năm chưa thi hành án: Vi phạm nghiêm trọng Luật Tố tụng hành chính

Vừa qua, báo Dân trí đã phản ánh về việc "Người dân bức xúc vì 3 quyết định phi pháp bị Toà tuyên huỷ tại TPHCM". Sau 3 năm tòa tuyên thắng kiện, 3 hộ dân ở quận 2 vẫn mòn mỏi chờ được công nhận quyền sở hữu hợp pháp thửa đất rộng 7.700m2 đã khai hoang từ năm 1970.

Vụ 3 năm chưa thi hành án: Vi phạm nghiêm trọng Luật Tố tụng hành chính - 1
Mảnh đất hơn 30 năm gắn liền với nỗi khổ của người dân

Sau 2 loạt bài báo được đăng tải, nhiều bạn đọc bức xúc cho rằng việc TPHCM chậm thi hành án đã ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân. Một số bạn đọc còn cho rằng vụ việc đang có dấu hiệu "hành dân" khi TPHCM cố tình "chây ì" không thi hành án.

Vụ 3 năm chưa thi hành án: Vi phạm nghiêm trọng Luật Tố tụng hành chính - 2
TPHCM chậm thi hành án đã ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân

Để rộng đường dư luận, PV Dân trí đã có trao đổi với Luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh - Đoàn Luật sư TPHCM để làm rõ những vấn đề pháp lý vụ việc. Luật sư Lĩnh cho rằng bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TPHCM là kết quả cuối cùng của sự việc. Do đó, UBND TPHCM đang vi phạm nghiêm trọng Luật tố tụng hành chính và quy định pháp luật về tự nguyện thi hành án. 

Vụ 3 năm chưa thi hành án: Vi phạm nghiêm trọng Luật Tố tụng hành chính - 3
UBND TPHCM đang “vi phạm nghiêm trọng” Luật tố tụng hành chính và quy định pháp luật về tự nguyện thi hành án!?

"Tòa án nhân dân cấp cao tại TPHCM đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các hộ dân, tuyên hủy toàn bộ Quyết định số 4889, 4890, 4891/QĐ-UBND ngày 10/11/2003, của Chủ tịch UBND TP HCM và Chủ tịch UBND TP HCM có trách nhiệm giải quyết lại đơn khiếu nại của các hộ dân theo quy định của pháp luật", ông Lĩnh chia sẻ. 

Theo ông Lĩnh bản án phúc thẩm dù đã được tuyên án vào năm 2017 nhưng cho đến nay, UBND TPHCM vẫn chưa chịu thi hành các bản án nêu trên dẫn đến người dân phản ứng ngày càng gay gắt. Vụ việc trở nên phức tạp và có nguy cơ trở thành điểm nóng về trật tự xã hội. 

Vụ 3 năm chưa thi hành án: Vi phạm nghiêm trọng Luật Tố tụng hành chính - 4
"Đặc biệt với sự phát triển của thị trường bất động sản và tiến trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng như tại khu vực Quận 2, TPHCM thì vụ việc kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của người dân và sự phát triển chung của khu vực", ông Lĩnh nêu rõ.
Vụ 3 năm chưa thi hành án: Vi phạm nghiêm trọng Luật Tố tụng hành chính - 5
Theo ông Lĩnh, khoản 1 Điều 23 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định “Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.” Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật tố tụng hành chính.

"Khoản 7 Điều 242 Luật Tố tụng hành chính quy định bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án. Các bản án phúc thẩm số 81/2017/HC-PT được tuyên án vào ngày 16/5/2017, bản án phúc thẩm số 190/2017/HC-PT được tuyên án vào ngày 17/8/2017, bản án phúc thẩm số 213/2017/HC-PT được tuyên án vào ngày 24/8/2017. Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay các bản án này đã có hiệu lực pháp luật được gần 3 năm nhưng phía UBND TP HCM vẫn chưa thi hành các bản án nêu trên là vi phạm nghiêm trọng Luật Tố tụng hành chính"- ông Lĩnh chia sẻ thêm.

Vụ 3 năm chưa thi hành án: Vi phạm nghiêm trọng Luật Tố tụng hành chính - 6
Các bản án phúc thẩm số 81/2017/HC-PT được tuyên án vào ngày 16/5/2017, bản án phúc thẩm số 190/2017/HC-PT được tuyên án vào ngày 17/8/2017, bản án phúc thẩm số 213/2017/HC-PT được tuyên án vào ngày 24/8/2017  

Cũng theo ông Lĩnh, căn cứ điểm b khoản 2 Điều 311 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định người phải thi hành án phải thi hành bản án, quyết định của Tòa án trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án.

Vụ 3 năm chưa thi hành án: Vi phạm nghiêm trọng Luật Tố tụng hành chính - 7
Tuy nhiên, cho đến nay UBND TPHCM vẫn chưa tự nguyện thi hành các bản án và thông báo kết quả thi hành án bằng văn bản cho Tòa án nhân dân TPHCM và cơ quan thi hành án dân sự TPHCM là vi phạm pháp luật về tự nguyện thi hành án.  
Vụ 3 năm chưa thi hành án: Vi phạm nghiêm trọng Luật Tố tụng hành chính - 8
Ngoài ra, theo thông tin được các hộ dân cung cấp, hiện nay khu đất nêu trên, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định số 6600/QĐ-UBND ngày 09/12/2015 và Quyết định số 6711/QĐ-UBND ngày 10/12/2015 về chấp thuận cho Công ty Bất động sản SSG Bình An làm chủ đầu tư dự án căn hộ thương mại và dịch vụ tại khu đất nói trên. 

"Câu hỏi đặt ra liệu rằng có phải vì đã giao đất cho doanh nghiệp thực hiện dự án trước cả thời điểm Tòa án cấp cao phán quyết nên UBND TPHCM cố tình phớt lờ và không thi hành các bản án nêu trên", ông Lĩnh nhấn mạnh.

Trong trường hợp này các hộ dân cần tiếp tục thực hiện các bước theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, cụ thể:

Căn cứ khoản 3 Điều 311 Luật Tố tụng hành chính thì các hộ dân có quyền gửi đơn đến Tòa án nhân dân TPHCM buộc Chủ tịch UBND TPHCM phải thi hành các bản án nêu trên.

Ngoài ra, căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 5 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP quy định về trình tự thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án (Nghị định 71/2016/NĐ-CP) thì các hộ dân có quyền đề nghị người đứng đầu có quan cấp trên trực tiếp, cụ thể là Thủ tướng chính phủ kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo và xem xét xử lý trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND TPHCM trong trường hợp chậm thi hành án, không chấp hành bản án. 

Tiếp đó, căn cứ điểm e khoản 1 Điều 5 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP thì các hộ dân có quyền đề nghị Cục Thi hành án dân sự TPHCM theo dõi việc thi hành án hành chính theo quy định của pháp luật.

Căn cứ Điều 27 và Điều 28 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP thì cơ quan, tổ chức, cá nhân cố ý không chấp hành án hoặc cản trở thi hành án thì tùy từng trường hợp mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, hiện nay các quy định của pháp luật về xử lý trách nhiệm nêu trên vẫn chưa được cụ thể, vì vậy việc xử lý trách nhiệm trong trường hợp này là khó thực hiện trên thực tế.

Luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh 

Đoàn Luật sư TPHCM 

 Xuân Hinh - Phạm Nguyễn