Vụ 2 người tử vong khi bắt ngao: BQL khu du lịch có phải chịu trách nhiệm?
(Dân trí) - Theo luật sư, nếu bị xác định có hành vi vi phạm trong quản lý, tùy thuộc mức độ và tính chất hành vi, ban quản lý khu du lịch có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Như đã đưa tin, ngày 20/5, một đoàn khách khoảng 50 người bao gồm phụ huynh và học sinh một trường tư ở Hà Nội về thăm quan, trải nghiệm Vườn Quốc gia Xuân Thủy tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Trong quá trình tham quan, tàu đưa đoàn khách ra bãi cát giữa sông Hồng và sông Trà để các học sinh trải nghiệm việc bắt ngao, vạng đã xảy ra sự cố khi nước sông dâng, làm nhiều học sinh bị sụt và bị nước cuốn đi.
Sự việc khiến một phụ huynh và một học sinh tử vong.
Trong vụ việc này, độc giả Dân trí thắc mắc, ban quản lý khu du lịch Vườn Quốc gia Xuân Thủy có thể phải chịu trách nhiệm hay không?
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, căn cứ vào Quyết định số 01/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 02/1/2003, mục tiêu nhiệm vụ chính của Vườn quốc gia Xuân Thủy được nêu rõ tại khoản 3, Điều 1. Cụ thể:
Bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước điển hình của vùng cửa Sông Hồng, các loài động vật, thực vật đặc trưng của hệ sinh thái đất ngập nước, đặc biệt là các loài thủy sinh và các loài chim nước, chim di trú. Phục vụ cho nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và phát triển du lịch sinh thái. Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, phục vụ cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và giáo dục môi trường, phát triển du lịch sinh thái, góp phần phát triển kinh tế xã hội, tạo công ăn việc làm cho cộng đồng dân cư địa phương.
Tại trang thông tin điện tử của Vườn quốc gia Xuân Thủy có địa chỉ www.vuonquocgiaxuanthuy.org.vn, đăng tải rõ các loại hình phục vụ du lịch. Trong đó, có nêu rõ các dịch vụ thuê tàu thuyền, ca nô để phục vụ các hoạt động tham quan du lịch sinh thái.
Ban quản lý khu du lịch Vườn Quốc gia Xuân Thủy có phải chịu trách nhiệm hay không?
Giải đáp băn khoăn của độc giả Dân trí, luật sư Hoàng Trọng Giáp - Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, theo khoản 15, Điều 3 Luật Du lịch 2017, các khu du lịch trải nghiệm, khu nông trại farm và các khu du lịch tương tự thường được xếp vào loại hình du lịch sinh thái. Du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa địa phương, có sự tham gia của cộng đồng dân cư, kết hợp giáo dục về bảo vệ môi trường.
Đặc điểm chung của loại hình này là tạo ra trải nghiệm độc đáo cho du khách thông qua việc tham gia vào các hoạt động tương tác với thiên nhiên, văn hóa địa phương, và đôi khi tham gia vào các hoạt động nông nghiệp hoặc chăn nuôi.
Để khai thác, vận hành kinh doanh du lịch loại hình du lịch trải nghiệm, khu nông trại… thì tổ chức, cá nhân kinh doanh cần tuân thủ các quy định pháp luật về du lịch quy định tại các Điều 26 và 29 Luật này về điều kiện công nhận khu du lịch và quản lý khu du lịch.
Cụ thể Điều 29 Luật Du lịch năm 2017 ghi nhận về Quản lý khu du lịch như sau:
"1. Nội dung quản lý khu du lịch bao gồm:
a) Quản lý công tác quy hoạch và đầu tư phát triển; b) Quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, hoạt động của hướng dẫn viên du lịch; c) Quản lý việc đầu tư, khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch; d) Bảo đảm an toàn cho khách du lịch; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường trong khu du lịch;
đ) Xây dựng hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, điểm cung cấp thông tin phục vụ khách du lịch;
e) Các nội dung khác theo quy định của pháp luật".
Như vậy, có thể thấy để vận hành kinh doanh khu du lịch, cá nhân, tổ chức cần nhất phải đảm bảo an toàn, an ninh và sức khỏe cho du khách bằng cách cung cấp các dịch vụ, trang thiết bị và phương tiện an toàn; Có các biện pháp bảo vệ môi trường và duy trì tính bền vững của khu vực trải nghiệm; Đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh và an toàn thực phẩm nếu liên quan đến hoạt động nông nghiệp hoặc chăn nuôi.
Về chế tài, các khu du lịch nếu không đáp ứng những điều kiện đã nêu thì có bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 45/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch. Theo đó, nếu được xác định có hành vi không cảnh báo nguy cơ gây nguy hiểm cho khách du lịch, ban quản lý có thể bị xử phạt 5-10 triệu đồng theo Điều 6 Nghị định này.
Trường hợp xác định ban quản lý đã có những hành vi vi phạm quy định về kinh doanh sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch, tùy thuộc vào kết quả xác minh, mức phạt cao nhất có thể áp dụng sẽ lên tới 50 triệu đồng.
Ngoài ra, do hậu quả chết người đã xảy ra trong vụ việc này, cơ quan chức năng sẽ tiến hành xác minh, xác định hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động du lịch của ban quản lý có phải là nguyên nhân dẫn tới hậu quả chết người hay không.
Nếu xác định có mối quan hệ nhân quả giữa lỗi vi phạm trong quản lý với hậu quả làm 2 người tử vong, cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015 để điều tra, xử lý theo quy định.