Vòng luẩn quẩn di dời dân vùng thiên tai, triều cường tại Bình Định
(Dân trí) - Tại Bình Định, hiện có nhiều khu tái định cư (TĐC) được đầu tư hạ tầng hàng chục tỷ đồng nhưng vẫn bỏ hoang. Trong khi đó, hàng ngàn hộ dân sống ở vùng chịu ảnh hưởng thiên tai, triều cường mỗi khi nghe tin bão đổ bộ lại lo đi sơ tán, lánh nạn.
Cơn bão số 5 vừa qua đánh sập hàng chục mét kè biển ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) khiến cho 14 ngôi nhà nằm sát kè bị sập hoàn toàn, nhiều nhà bị tốc mái, đe dọa hơn 100 hộ dân sinh sống dọc bờ kè này. Đây là số ít hộ dân sống trong vùng thiên tai, triều cường uy hiếp được bố trí TĐC nhưng vẫn bất chấp nguy hiểm bám trụ. Vậy nguyên nhân do đâu?
Hỗ trợ 20 triệu tái định cư có thấp?
Năm 2008, tỉnh Bình Định đầu tư 12 tỷ đồng xây dựng khu TĐC vùng thiên tai với diện tích giai đoạn 1 là 2,5 ha ở khu đất phía Tây (thuộc xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn) với mục đích bảo vệ tính mạng, tài sản cho các hộ dân thường xuyên bị triều cường uy hiếp.
Theo đó, có hơn 80 hộ dân thuộc diện phải di dời vào khu TĐC, kèm chính sách Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng chi phí di dời vật dụng, kiến trúc đến nơi ở mới. Ngoài ra, mỗi hộ còn được Quỹ Phát triển dựa vào cộng đồng TP Quy Nhơn cho vay 20 triệu đồng không tính lãi suất trong vòng 3 năm. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho vay thêm 12 triệu đồng với lãi suất ưu đãi để xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh.
Tuy nhiên, đến nay mới chỉ khoảng 1 nửa số hộ đến xây dựng nhà ở tại khu TĐC này. Nguyên nhân của nhiều hộ dân cho rằng, chi phí hỗ trợ 20 triệu đồng là quá thấp so với điều kiện kinh tế của họ.
Bà Ngô Thị Liên (thôn Hải Nam), cho biết: “Chúng tôi biết sống gần biển không an toàn trong mùa mưa bão và cũng muốn di dời đến khu TĐC ở cho an toàn. Nhưng kinh tế gia đình khó khăn, xây một ngôi nhà cấp 4 thì ít ra cũng tốn khoảng 200 triệu đồng, số tiền này đối với gia đình tôi là quá lớn, nên tôi chưa vào khu TĐC”.
Cùng cảnh tương tự, cứ nghe tin bão là “chạy”, hàng chục năm qua nhiều dân sống dưới chân núi Gành, thôn Ðức Phổ 1, xã Cát Minh (huyện Phù Cát) lại nơm nớp nỗi lo núi lở mỗi mùa mưa bão.
Theo bà Trần Thị Thu Thủy (ở xóm 3, thôn Đức Phổ 1), cuối tháng 10 vừa qua, mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của bão số 5 khiến hàng trăm mét khối đất, đá trên núi Gành bất ngờ đổ xuống. Nhà của bà Thủy ngập ngụa bùn đất, nhưng rất may vợ chồng bà đã kịp đi lánh nạn ở nhà hàng xóm.
“Mỗi khi nghe tin ở quê có mưa bão, con cái đi làm ở TP Hồ Chí Minh cứ đòi về nhưng vợ chồng đâu cho về. Về nhà cũng lấy chỗ đâu ngủ vì mưa bão đâu dám ở trong nhà. Bản thân vợ chồng tôi, hôm bão đổ bộ phải lo chuẩn bị đồ qua nhà bà con tá túc, chứ ở trong nhà đất, đá sạt lở đổ xuống có mà mất mạng. Cũng may tối hôm bão đổ bộ, vợ chồng lo gửi dàn nhạc trị giá hơn 100 triệu qua nhà bà con, nếu không thiệt hại là rất lớn”, bà Thủy kể.
Ông Trần Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho biết: “Cơn bão số 5 vừa qua đã làm sạt lở 300 m3 đất đá núi Gành, uy hiếp 22 hộ dân ở địa phương. Trước mắt, huyện vận động bà con đến các hộ dân khác trong thôn để ở tạm. Về lâu dài, xã Cát Minh quy hoạch đất ở gần UBND xã để bố trí cho các hộ dân nói trên”.
Chính quyền cần quyết liệt
Cũng với mục đích bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân thôn Trung Lương, năm 2000, UBND xã Cát Tiến (huyện Phù Cát) đã xây dựng khu TĐC để đưa 118 hộ dân có nhà ở dọc biển Trung Lương đến nơi an toàn.
Mỗi hộ được cấp 1 lô đất ở và hỗ trợ 20 triệu đồng chi phí di dời. Thế nhưng, trong tổng số 118 hộ nằm trong diện di dời, 19 năm qua chỉ khoảng 50 lên hộ dân chuyển vào khu TĐC này. Số hộ còn lại dù đã nhận đất TĐC nhưng vì không có tiền xây nhà nên đành chấp nhận sống trong nguy hiểm.
Nhà cách biển chỉ vài chục mét nên mỗi khi có tin bão đổ bộ, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu Trang (36 tuổi, xóm Chánh Đông, thôn Trung Lương, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát) gác hết mọi việc lại để lo “chạy” bão.
Theo chị Trang, gia đình chị nằm trong diện di dời, được UBND xã Cát Tiến cấp 1 lô đất khoảng 160 m2 nhưng vì không có tiền xây nhà nên gia đình xây móng xong rồi để đó chờ có tiền thì xây tiếp.
“Nhà nước hỗ trợ di dời được bao nhiêu thì mình mừng bấy nhiêu, nhưng chỉ với 20 triệu đồng thì quá khó với gia đình tôi. Bây giờ muốn xây ngôi nhà ở tạm cũng phải ngót nghét 200 triệu. Vợ chồng tôi làm nghề biển, bữa có bữa không thì lấy đâu ra tiền xây nhà”, chị Trang bộc bạch.
Theo ông Trần Đức Bạc, Phó Trưởng phòng Phòng Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, việc bố trí dân cư, từ 2006 đến nay có 10 khu TĐC vùng thiên tai được xây dựng. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là đa số những hộ nằm trong diện di dời làm nghề biển, họ muốn ở những khu vực sát biển để thuận lợi làm ăn.
“Ngoài ra, mức hỗ trợ 20 triệu/hộ là quá ít nên nhiều hộ khó khăn không thể xây nhà mới. Sắp tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ để vận động người dân lên khu TĐC mới”, ông Bạc nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu, cho biết chính sách của Nhà nước quy định những hộ nằm trong diện di dời sẽ được hỗ trợ 20 triệu/hộ. Ngoài ra diện tích đất nơi ở mới sẽ rộng hơn và có điều kiện ở tốt hơn. Tuy nhiên, những hộ dân ở các xã Nhơn Lý, Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), cũng như ở thôn Trung Lương (xã Cát Tiến, huyện Phù Cát) thuộc những hộ nghèo.
“Đất thì người dân sẵn sàng nhận, còn 20 triệu hỗ trợ thì không đủ làm nhà. Vừa rồi tỉnh có họp và đề xuất sẽ hỗ trợ thêm để người dân có thêm kinh phí làm nhà. Chứ dân thì họ muốn đi lắm”, ông Châu nói.
Cũng theo ông Châu, ở Bình Định vùng đồng bằng thường xuyên ngập lụt. Do vậy, vùng nào thực sự an toàn thì cho người dân “sống chung với lũ”, còn những vùng triều cường cao hoặc mực nước sông lớn thường xuyên đe dọa đến tính mạng người dân thì bắt buộc phải di dời.
Đề cập về một số khu TĐC đầu tư hạ tầng đã lâu đang bị xuống cấp, nhưng hiện vẫn ít người dân đến ở. Về việc này, ông Châu cho biết thêm: “So với việc sơ tán liên tục mỗi mùa bão lụt thì việc đưa người dân vùng xung yếu, sạt lở đến các khu TĐC mới thì khỏe cho người dân hơn, nhưng không thể làm liền một lúc được. Đây còn phải tổng hợp từ nhiều nguồn vốn Trung ương hỗ trợ có, nguồn vốn của tỉnh cũng có, nguồn vốn của huyện, kết hợp lại rồi làm từ từ, từng bước”.
Doãn Công