Vụ “Vợ liệt sĩ mòn mỏi chờ mong nhà tình nghĩa”:

Vợ liệt sĩ không thuộc đối tượng được hỗ trợ nhà tình nghĩa?

(Dân trí) - Liên quan đến vợ liệt sĩ mòn mỏi chờ nhà tình nghĩa, ông Đỗ Minh Tòng- Trưởng phòng Người có công (Sở LĐ-TB&XH Sóc Trăng) cho rằng, bà Đinh Thị Mỳ "không thuộc diện được hỗ trợ xây nhà tình nghĩa".

Trước đó, ngày 24/11/2014, Dân trí có bài viết “Vợ liệt sĩ ở tuổi "gần đất xa trời" mòn mỏi chờ mong nhà tình nghĩa” phản ánh trường hợp bà Đinh Thị Mỳ (SN 1933, hiện cư ngụ tại ấp Tân Hòa A, xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) là vợ Liệt sĩ Đỗ Văn Thông, hi sinh năm 1962. Liệt sĩ Thông còn có 2 người anh em ruột là Đỗ Văn Hiểu, Đỗ Văn Châu cũng là Liệt sĩ hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Mẹ Nguyễn Thị Tao (mẹ các Liệt sĩ trên) được nhà nước phong tặng danh hiệu cao quí Mẹ Việt Nam anh hùng đợt 1.

Hiện tại, bà Mỳ ở trong một căn nhà cấp 4 đã xuống cấp, cột bằng xi măng đã bị bong tróc, vách xây gạch cao khoảng 2m bị hư hỏng nhiều, nền nhà bằng đất, vách trên che bằng tôn cũng mục nhiều chỗ, dột nhiều vào mùa mưa. Đây là căn nhà gia đình tạo dựng làm nơi ở cho bà Mỳ, cũng là nơi thờ cúng Mẹ VNAH Nguyễn Thị Tao và các Liệt sĩ Thông, Hiểu, Châu.

Năm 2009, bà Mỳ có làm đơn gửi chính quyền địa phương xin hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhưng từ đó cho đến nay chưa được giải quyết. Năm 2013, nhà quá xuống cấp, lại bị ngành điện lực yêu cầu di dời vì đường dây điện đi sát ngay trên mái nhà dễ gây nguy hiểm đến tính mạng nên bà Mỳ tiếp tục làm đơn xin được cấp kinh phí để di dời và xây dựng nhà nhưng vẫn không được giải quyết.

Vợ liệt sĩ không thuộc đối tượng được hỗ trợ nhà tình nghĩa?
Bà Mỳ trong căn nhà cấp 4 đã xuống cấp nhưng vẫn không được địa phương hỗ trợ sửa chữa từ nhiều năm qua.

Sau khi báo Dân trí phản ánh, ngày 26/11/2014, Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) có Công văn gửi Sở LĐ-TB&XH Sóc Trăng đề nghị Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sóc Trăng kiểm tra xác minh thông tin trên và báo cáo cụ thể về Cục Người có công, đồng thời xem xét giải quyết hỗ trợ đối với người có công với cách mạng về nhà ở theo quy định hiện hành.

Bà Đinh Thị Mỳ cho biết thêm: “Sau khi báo viết bài, có một đoàn cán bộ của huyện đội Mỹ Tú và tỉnh đội Sóc Trăng vào khảo sát nhưng không biết nhằm mục đích gì”. Một cán bộ huyện đội Mỹ Tú cho biết: “Khảo sát để biết và có văn bản trả lời cơ quan chức năng”.

Ngày 19/12, trao đổi với PV, ông Mai Chí Thanh - Chánh văn phòng Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Thẩm quyền giải quyết thuộc UBND huyện Mỹ Tú và Phòng LĐ-TB&XH huyện Mỹ Tú nên Sở đã chuyển Công văn của Cục người có công cho huyện xem xét, giải quyết”.

Trong khi đó, ông Đỗ Minh Tòng - Trưởng phòng Người có công (Sở LĐ-TB&XH Sóc Trăng) giải thích: “Nhà tình nghĩa không phải là chế độ mà đó là sự hỗ trợ của xã hội đối với gia đình chính sách. Không phải gia đình nào cũng được xây nhà tình nghĩa cả. Bà Đinh Thị Mỳ làm đơn từ năm 2009 nhưng địa phương đã có văn bản trả lời bà Mỳ rằng bà không thuộc diện được hỗ trợ xây nhà tình nghĩa bởi bà đã có nhà ở, con cái cũng trưởng thành nhưng bà cứ nghĩ mình là gia đình chính sách nên phải được xây dựng nhà tình nghĩa”.

Trước lý giải của ông Tòng, bà Đinh Thị Mỳ buồn bã cho biết: “Họ nói tôi có nhà thì không sai nhưng nhà cấp 4 đã xuống cấp cần sửa chữa từ lâu. Vì vậy tôi mới làm đơn xin hỗ trợ sửa nhà từ năm 2009, bây giờ nhà xuống cấp, điện lực yêu cầu di dời vì đường dây điện đi trên mái nhưng tôi đã già, con cái cũng không giàu có gì nên không đủ điều kiện để di dời nên mới phải làm đơn xin. Còn nói đã trả lời bằng văn bản cho tôi là không thuộc diện được hỗ trợ nhà tình nghĩa thì tôi không hề nhận được một văn bản hay một lời từ chối nào trực tiếp từ cán bộ mà chỉ nhận được lời hứa sẽ hỗ trợ thôi. Nếu có văn bản trả lời, nói thật với chú, tôi sẽ không bao giờ làm đơn xin hỗ trợ đâu. Sung sướng gì mà xin nhà tình nghĩa chú ơi, cực chẳng đã mới xin thôi chứ nếu biết họ nói vậy, tôi đã không xin”.

Cũng theo ông Đỗ Minh Tòng, nhà tình nghĩa chỉ được hỗ trợ khi bản thân người xin nhà không thể nào có điều kiện để xây dựng nhà thì mới xem xét hỗ trợ, trường hợp bà Mỳ không thuộc diện này nên không được giải quyết. Hơn nữa, do bà Mỳ đang hưởng trợ cấp tiền tuất liệt sĩ nên cơ quan chức năng đã giao cho bên quân đội kiểm tra xem xét.

Một người dân ở xã Long Hưng dẫn chúng tôi đến xem một căn nhà của một người là con liệt sĩ (xin không nêu tên) vừa được UBND huyện Mỹ Tú giải quyết hỗ trợ 40 triệu đồng xây nhà tình nghĩa. Hiện nay, ông này đang xây một căn nhà khang trang mà theo ông cho biết “tổng trị giá căn nhà phải từ 100 triệu đồng”. Ông chủ nhà này cho biết: “Tôi cũng làm đơn xin hỗ trợ và nghĩ rằng sang năm mới có thể có, không ngờ lại được giải quyết ngay trong năm nay”. Hỏi về hoàn cảnh gia đình thì ông cho biết: “Gia đình có 3 người con, hai con gái đã đi lấy chồng, còn con trai đang học đại học năm thứ 3. Hoàn cảnh gia đình không thuộc diện nghèo, cả nhà có mười mấy công đất sản xuất nhưng đã sang cho người ta một số nên bây giờ còn 7-8 công”.

Thiết nghĩ, việc hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho bà Đinh Thị Mỳ (dù không thuộc đối tượng được hỗ trợ như cách nói của ông Đỗ Minh Tòng) theo nguyện vọng của bà là rất chính đáng. Hoàn cảnh có thật sự khó khăn bà mới xin chứ nếu không chắc chắn bà và gia đình sẽ không xin tha thiết qua nhiều năm như thế. Hơn nữa, căn nhà bà đang ở hiện nay là nơi thờ 3 liệt sĩ và mẹ VNAH nên việc xét hỗ trợ cho bà xây dựng nhà tình nghĩa có cần thết phải máy móc như vậy hay không ? 

Bạch Dương