Bạn đọc viết:

Vĩnh Phúc: Xây nhà xử lý rác để… bỏ hoang

(Dân trí) - Thừa chỗ để, thiếu chỗ đổ và những “di chứng” của bãi rác thị trấn Lập Thạch,- tỉnh Vĩnh Phúc đang là vấn đề nhức nhối của người dân nơi đây. Với diện tích gần 1000 ha nhưng rác lại đổ tràn lòng đường, gây ô nhiễm môi trường khu vực.

“Lội” rác

Khu tập kết rác của 11 tổ dân phố và một khu chợ trung tâm của huyện được xây tường cao xung quanh và “tọa lạc” ngay cạnh bệnh viện huyện Lập Thạch. Còn cách bãi rác khoảng 20 mét nhưng cảnh tượng bày ra trước mắt thật bừa bộn: túi ni-lông được rải dọc đường, lổn nhổn gạch đá và cây cối mọc chườm ra lối đi. Không ngạc nhiên về một “núi” rác như ở Bắc Ninh nhưng cảnh tượng và “không khí” ở nơi đây thật khó tưởng tượng nổi.
 
Người dân đi qua chỉ còn cách dùng tay bịt mũi
Người dân đi qua chỉ còn cách dùng tay bịt mũi

Mặc dù đã đeo khẩu trang nhưng vẫn cảm nhận rất rõ một mùi hôi thối, nồng nặc sộc lên khiến chúng ta ngạt mũi, tức ngực. Tất cả mọi người dân khi đi qua khu bãi rác này đều cố gắng nín thở và đi thật nhanh. “Phải đi qua con đường liên xã nối giữa thị trấn Lập Thạch với hai xã Yên Thạch và Tân Lập (thuộc huyện Sông Lô) là điều bất đắc dĩ, chỉ khi nào không tìm được đường tránh hoặc lối đi khác tôi mới đành phải đi qua đây”- chị Nguyễn Thị Thu (thôn Tiền Phong, Yên Thạch, Sông Lô, Vĩnh Phúc) chia sẻ.

Với diện tích gần 1000 ha nhưng quá nửa diện tích của bãi rác là để dành cho cây cỏ dại và chỉ còn khoảng ¼ diện tích giáp mặt đường là nơi đổ rác. Và có lẽ, đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho bãi rác “quá tải” và phải đổ tràn ra cả mặt đường. Tất cả các loại rác được đổ dồn về đây: rác sinh hoạt, rác y tế, xác động vật, nay có thêm loại “rác mới” là hộp xốp…không phân loại, không quy trình xử lí mà thỉnh thoảng được đốt lên nếu “vui tay”.

Anh Trần Đức Phương ở thôn Xi Thượng, Tân Lập, Sông Lô bức xúc nói: “Trời nắng thì bãi rác bốc mùi nồng nặc, còn trời mưa thì đi ngập trong rác, những vũng nước đen ngòm bắn tung tóe. Vào mỗi sáng sớm, tôi không dám đưa con đi học qua đây; hai bố con phải đi đường vòng rất mất thời gian. Vấn đề những loại rác khó phân hủy như hộp xốp, túi ni-lông có thể là mối nguy hại lớn.Thực sự, chúng tôi quá bức xúc nhưng không biết kêu ai. Dù đã có ý kiến lên ban quản lý môi trường nhưng đâu vẫn hoàn đấy!”.
 
Rác đổ tràn lan ra đường trong khi huyện Lập Thạch có hẳn bãi đổ rác gần 1000ha
Rác đổ tràn lan ra đường trong khi huyện Lập Thạch có hẳn bãi đổ rác gần 1000ha

Xây nhà xử lý rác để… bỏ hoang

Trong khu đất, phía sau đám cỏ dại mọc ngập hết các lối đi là một “nhà hoang”. Rất nhiều người dân ở đây không biết, nó là cái gì và xây để làm gì. Có người lại cho rằng đó là nhà xác của bệnh viện trước đây giờ là bãi rác nên không dùng đến nữa. Khu nhà được xây tường cao khoảng 1 mét, bên trong chia thành các ô nhỏ, mái lợp tôn nhưng đã lốc gần hết.

Theo lời của ông Đỗ Văn Bình, trưởng thôn Thống Nhất, thị trấn Lập Thạch, thì “nhà hoang” này chính xác là được xây dựng với mục đích xử lý rác nhưng không hiểu sao xây xong lại bỏ hoang. Hiện tại,có một hợp tác xã phụ trách vấn đề vệ sinh của toàn thị trấn gồm có 11 nhân viên phụ trách 11 tổ dân phố và một ban quản trị.

Mỗi tháng mỗi người dân phải đóng 3 nghìn đồng tiền phí vệ sinh chỉ để các nhân viên gom rác và đổ về bãi rác. Cũng theo ông Bình thì các hộ dân đã phản ánh rất nhiều về việc rác tràn ra lấn hết đường đi và gây ô nhiễm.
 
Rác đổ thành núi nằm sát khu dân cư
Rác đổ thành núi nằm sát khu dân cư

Ông Bình ngần ngại khi chia sẻ: “Trong vòng 4 năm trở lại đây, sức khỏe của người dân bắt đầu suy giảm. Rất nhiều trường hợp mắc các căn bệnh hiểm nghèo như: ung thư vòm họng, ung thư hạch, ung thư phổi… Tuy không thể khẳng định chắc chắn nhưng sự ô nhiễm của bãi rác ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân”.

Theo ghi nhận của chúng tôi và phản ánh của người dân, khi rác được đốt ở bãi rác thì trong vòng bán kính 1km vẫn ngửi thấy mùi nồng nặc, khét lẹt của túi ni- lông (nếu gió thổi hướng Đông Nam thì ảnh hưởng phía xã Tân Lập; nếu gió hướng Bắc thì ảnh hưởng đến hai thôn Phú Lâm và Thống Nhất).

Theo như thông tin mà ông Bình cung cấp thì thị trấn Lập Thạch đã triển khai xây dựng bãi rác mới nhưng khi nào mới chuyển thì không thể đoán trước được. Hiện tại, khi nào đường không còn lối đi thì máy cẩu và xe vận tải được “điều” đến để di chuyển rác từ nơi “tràn nhiều” sang nơi “tràn ít”.

Thanh Nga
(Lớp Báo in K30A1, Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền)