Vỉa hè Hà Nội chưa thuận tiện cho người khuyết tật

Ở nhiều nước trên thế giới, vỉa hè được thiết kế không chỉ thuận tiện cho người bình thường mà còn hỗ trợ cả cho người khuyết tật đi lại dễ dàng. Tuy nhiên, hiện nay ở Hà Nội vẫn còn một số tuyến phố được thiết kế chưa thực sự thuận tiện cho người khuyết tật.

 

Bạn đọc: Phan Thu Ngân

 
Ví dụ đầu tiên đó là phố Liễu Giai, đây là một trong rất ít những phố ở Hà Nội được công nhận là đẹp nhất thủ đô. Hầu như các đường phố tiếp giáp với phố này đều có thiết kế hiện đại. Lòng đường được phân làn cho ôtô, xe máy, xe đạp tham gia giao thông một cách khá thuận tiện. Nhưng hạ tầng cơ sở của các phố này đều chưa phù hợp với người cao tuổi, các cháu nhỏ và nhất là người khuyết tật sử dụng xe lăn.

 

Đến tuyến phố này, rất dễ nhận thấy hai bên vỉa hè phố Liễu Giai đều tương đối cao so với mặt đường. Các lối lên xuống lại có bó vỉa hè hạ chìm vẫn cao hơn 2cm so với mặt đường và đường lên dốc chưa đủ độ thoai thoải giúp người khuyết tật sử dụng xe lăn lên xuống dễ dàng. Các điểm dừng xe buýt, các lối đi qua đường dành cho người đi bộ cũng hầu như chưa có lối lên vỉa hè đủ bề rộng 1,2m theo tiêu chuẩn.

 

Vỉa hè Hà Nội chưa thuận tiện cho người khuyết tật - 1

Đường dành cho người mù đi bộ trên vỉa hè phố Văn Cao - Hà Nội lát sai quy cách với đường gồ đặt nằm ngang (hình trái). Lối đi bộ trên vỉa hè dành cho người mù tại Bắc Kinh (Trung Quốc) được thiết kế rất đúng tiêu chuẩn phù hợp tạo thuận tiện cho người khuyết tật khi tham gia giao thông trên đường.
 
Tương tự như vậy, đường Văn Cao có vẻ khá hơn với vỉa hè lát một hàng gạch có thiết kế mặt gạch dải gồ lên chỉ hướng đi giúp người khiếm thị di chuyển. Nhưng, những hàng gạch này thiết kế chưa đảm bảo độ sâu của các dải gồ trên bề mặt. Bên cạnh đó, đáng lẽ các dải gồ cần được đặt theo chiều dọc của con phố để có tác dụng giúp người khiếm thị có các thông tin định hướng, thì chúng lại bị đặt nằm ngang.

 

Ngoài ra, các phiến gạch chỉ đường này lại được lát sát nhà dân nên đường đi luôn có vật cản do các cửa hàng bày ra, trong khi đáng lẽ đường dẫn cho người khiếm thị cần được thông thoáng. Theo đúng quy cách thì những tấm gạch lát gần các điểm giao cắt phía trước đều có các điểm tròn gồ lên để báo hiệu, nhưng đoạn đường này không được lát những phiến gạch như vậy.
 
Vỉa hè Hà Nội chưa thuận tiện cho người khuyết tật - 2

Một đoạn vỉa hè vừa được lát mới trên phố Liễu Giai - Hà Nội nhưng phần đường dành cho người đi sang đường không có đường dốc dẫn lên vỉa hè (hình trái). Trong khi đó lối đi bộ trên vỉa hè dành cho người mù tại Bắc Kinhđược thiết kế rất phù hợp và tiện lợi.

 

Mặt khác, các tuyến phố trên nằm tại địa bàn quận Ba Đình có 18.641 người dân sinh sống (số liệu năm 2005), vì vậy có thể thấy nhu cầu sử dụng vỉa hè và các dịch vụ công cộng của những người cao tuổi và các gia đình có con nhỏ là rất lớn. Hơn nữa trên địa bàn còn hơn 1.500 người khuyết tật sinh sống lại càng khẳng định nhu cầu về giao thông tiếp cận giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng trên địa bàn quận Ba Đình hiện nay rất cấp bách.

 

Thiết nghĩ, người khuyết tật là một trong những đối tượng đặc biệt rất cần sự giúp đỡ của toàn xã hội để có thể hòa nhập với cộng đồng. Do đó, việc đi lại dễ dàng cũng là một vấn đề hết sức cần thiết. Mong rằng các cơ quan chức năng sẽ có những điều chỉnh hợp lí hơn không chỉ ở các tuyến phố nêu trên mà ở cả Hà Nội nhằm mang lại cơ hội hòa nhập hơn nữa cho những người có hoàn cảnh không may mắn.