Vì sao UBND tỉnh và Sở KH-ĐT Quảng Nam bị kiện ra tòa?

Trong thời điểm cuối năm 2013, bất ngờ cả UBND tỉnh Quảng Nam và Sở Kế hoạch - Đầu tư của tỉnh này bị các doanh nghiệp kiện ra tòa án với lý do gây thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp.

Kiện vì quyết định thu hồi trại sâm

Theo đó, Công ty cổ phần Thương mại - Dược - Sâm Ngọc Linh Quảng Nam (tiền thân đây là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) đã gửi đơn khởi kiện UBND tỉnh Quảng Nam vì cho rằng, quyết định thu hồi tài sản trái luật gây thiệt hại lớn và mất việc làm của hàng trăm lao động. Theo đó, ngày 29/10/2013, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 3337/QĐ-UBND về việc thu hồi Trạm dược liệu Trà Linh giao về cho Trung tâm phát triển sâm và dược liệu Quảng Nam, vừa được UBND tỉnh thành lập vào tháng 10.

Theo công ty, quyết định thu hồi này là “không thấu tình đạt lý” và trái luật.

Năm 2001, Trạm dược liệu Trà Linh được UBND tỉnh Quảng Nam sáp nhập vào Công ty Dược vật tư y tế Quảng Nam.
 
Trại sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam).
Trại sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam).

Đến năm 2004, UBND tỉnh thông qua phương án cổ phần hóa công ty. Từ năm 2005, công ty chuyển thành công ty cổ phần 100% vốn tư nhân. Sau khi sáp nhập, Trạm dược liệu Trà Linh được Công ty cổ phần Dược vật tư y tế Quảng Nam đầu tư nuôi trồng và quản lý.

Ngày 23/5, Công ty cổ phần Dược vật tư y tế Quảng Nam được đổi tên thành Công ty cổ phần Thương mại - Dược - Sâm Ngọc Linh Quảng Nam (trụ sở ở đường Huỳnh Thúc Kháng, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam).

Trong tất cả báo cáo, chứng từ tài chính, bảng cân đối tài sản công ty từ năm 2005 (năm cổ phần hóa) đến ngày 31/12/2012 đều ghi nhận tài sản cố định, công cụ lao động, các cây giống, sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh là tài sản của Công ty Dược - Sâm Ngọc Linh Quảng Nam.

Mặc dù là tài sản được xác định là của doanh nghiệp đã được cổ phần hóa. Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Nam vẫn ra quyết định thu hồi nhưng không thỏa thuận, không bồi thường, không có lý do chính đáng, làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Trả lời về việc doanh nghiệp kiện UBND tỉnh Quảng Nam ra tòa án để đòi lại trại sâm, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty bức xúc: “Gần 10 năm nay, trạm từ 2 ha đã phát triển lên 10 ha. Thế nhưng, UBND tỉnh không hề xem xét mà thu hồi toàn bộ tài sản, công sức của chúng tôi. Quyết định này không những trái luật mà còn thiếu đạo lý, đẩy doanh nghiệp vào bước đường cùng, gần 300 lao động của công ty sắp mất việc vì công ty không có nguyên liệu để tiếp tục sản xuất”.

Hiện Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam đã thụ lý đơn khởi kiện và yêu cầu các bên cung cấp các chứng cứ để tòa xem xét. Tuy nhiên, ngày 23/12, UBND tỉnh vẫn tiếp tục có thông báo yêu cầu tăng cường công tác quản lý và bảo vệ Trạm dược liệu Trà Linh nhằm thực hiện đúng quyết định 3337. Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Sở Y tế và Trung tâm phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam cử cán bộ lên tiếp quản; tiếp xúc, động viên, ký kết hợp đồng lao động với công nhân hiện đang làm việc tại trạm và thực hiện chi trả lương, chế độ chính sách... theo quy định của nhà nước.

Luật sư Bùi Bá Dũng, Trưởng văn phòng Luật sự Hoàng Hà - Đoàn Luật sự Quảng Nam, cho biết, việc người dân và doanh nghiệp đưa cơ quan công quyền ra tòa là dấu hiệu cho việc phát huy dân chủ và tinh thần thượng tôn pháp luật. “Chuyện thắng thua khi đi kiện là việc bình thường. Nhưng tôi tin rằng, khi người dân và doanh nghiệp có đầy đủ chứng cứ, họ sẽ thắng trong bất kỳ vụ kiện nào. Và cơ quan công quyền nếu làm sai cũng phải đền bù thiệt hại cho người dân”, ông Dũng thẳng thắn.

Bỗng dưng mất tiền tỷ vì chữ ký bị giả mạo

Cũng mới đây, bà Đoàn Phan Kim Đan (thường trú tại K84/15, đường 2/9, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) kiện Sở Kế hoạch - Đầu tư Quảng Nam ra Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam vì sở này đã tạo “điều kiện” cho người khác chiếm đoạt tài sản của mình. Đơn của bà Đan đã được TAND tỉnh Quảng Nam thụ lý và tiến hành các bước theo qui định của tòa.

Theo đơn khởi kiện, bà Đan cho biết đã bị một số đối tượng trong Công ty CP Đ.H, chuyên sản xuất gạch ngói, đóng tại huyện Đại Lộc, Quảng Nam cấu kết, giả mạo chữ ký, tự chuyển nhượng 825.000 cổ phần của bà Đan với số tiền tương đương 8,25 tỷ đồng. Sự việc bại lộ, bà Đan mới nhận được “Chứng nhận đăng kinh doanh” - sửa đổi, bổ sung lần thứ 8 - không có ghi tên mình.

Tháng 4/2013, bà Đan đã khiếu nại Sở KH-ĐT Quảng Nam, tố cáo bị giả mạo chữ ký, và sở này đã cấp “Chứng nhận đăng kinh doanh” mới cho Công ty Đ.H là thiếu thủ tục, hồ sơ, sai quy định...

Tiếp nhận đơn thư khiếu nại, Sở KH-ĐT Quảng Nam cũng đã gửi hồ sơ trưng cầu giám định tại Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Quảng Nam xác định chữ ký. Kết luận của công an cho thấy chữ ký của bà Đan bị giả mạo.

Mặc dù phát hiện giả mạo chữ ký của bà Đan, nhưng đến nay Sở KH-ĐT Quảng Nam vẫn không thu hồi, huỷ bỏ “Chứng nhận đăng kinh doanh” mới cấp (lần thứ 8), tạo điều kiện cho người khác tiếp tục chiếm dụng, trục lợi trên cổ phần 8,2 tỷ đồng của bà Đan.

Bức xúc trước việc vô trách nhiệm trên, bà Đan đã đâm đơn ra tòa kiện Sở này đã tiếp tay cho các đối tượng chiếm đoạt tài sản của mình

Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng cả Sở Kế hoạch - Đầu tư và UBND tỉnh Quảng Nam bị kiện ra tòa vì có liên quan đến các quyết định, văn bản của mình.
 
Theo Petro Times