Vì sao tiểu thương Kiên Giang quyết liệt phản đối vào chợ mới?
(Dân trí) - Thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Kiên Giang liên tiếp xảy ra nhiều vụ tiểu thương phản đối chính quyền địa phương khi đột ngột buộc họ rời chợ cũ vào chợ mới. Vì sao tiểu thương ngại vào chợ mới, phải chăng việc đầu tư các khu chợ mới chưa hợp ý dân?
“Mạnh tay” xóa chợ truyền thống…
Đến đảo ngọc Phú Quốc, du khách không thể bỏ qua điểm đến mua sắm, cũng như thưởng thức các món ăn hải sản trứ danh ở “Chợ đêm Dinh Cậu”. Chợ đêm này được thành lập 2007, có hai khu riêng biệt, một khu là nơi buôn bán quà lưu niệm, khu còn lại là nơi phục vụ các món ăn hải sản tươi ngon của Phú Quốc.
Chợ hoạt động rôm rả và trở thành điểm tham quan nổi tiếng của Phú Quốc. Thế nhưng cuối 2015, hơn 50 tiểu thương kinh doanh ở chợ đêm vô cùng lo lắng khi nhận được thông báo của UBND huyện Phú Quốc “đóng cửa” chợ đêm vào 6/2016. Khi nhận được thông báo này, bà con tiểu thương phản ứng quyết liệt bằng cách gửi đơn cầu cứu UBND tỉnh Kiên Giang; xin đối thoại với Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc…
Về lí do dời chợ, ông Phạm Văn Nghiệp - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, cho biết: Ban thường vụ huyện ủy Phú Quốc “đóng cửa” chợ đêm Dinh Cậu là trả lại sự thông thoáng cho tuyến đường này. Tại khu vực chợ đêm Dinh Cậu hiện có nhiều cơ quan hành chính nhà nước đóng tại đây. Khi có chủ trương địa phương đã thông báo với bà con và cuối năm 2015 không ký lại hợp đồng với các tiểu thương đang kinh doanh tại chợ đêm Dinh Cậu.
Tuy nhiên, lí do tiểu thương phản ứng là chính quyền địa phương chỉ thông báo “đóng cửa” chợ nhưng không ưu tiên bố trí họ vào chợ đêm Bạch Đằng ( do Công ty cổ phần Ngôi Sao Biển - làm chủ đầu tư). Theo các tiểu thương cho biết, họ góp phần làm nên văn hóa chợ đêm Dinh Cậu. Tuy nhiên khi địa phương đóng cửa chợ đêm lại không xem xét bố trí vào chợ đêm mới. Việc này đẩy các tiểu thương vào cảnh thua lỗ khi đầu tư nguồn hàng.
Trước sự phản ứng của bà con tiểu thương, UBND huyện Phú Quốc cho tiểu thương hoạt động đến 30/9 và đến ngày 1/10 vừa rồi UBND huyện Phú Quốc đã cắt điện. Tuy nhiên, ngày 2/10 vẫn còn nhiều tiểu thương bám chợ. Theo Ban quản lý chợ đêm Bạch Đằng, đến ngày 30/9 đã có 46 tiểu thương đến nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh, hiện Ban quản lý đang xem xét.
Liên quan đến việc xóa chợ truyền thống ở Kiên Giang, mới đây hàng trăm tiểu thương chợ Tân Hiệp (huyện Tân Hiệp) kịch liệt phản đối khi UBND huyện này ra quyết định đình chỉ hoạt động chợ thị trấn Tân Hiệp, buộc bà con di dời vào chợ mới do công ty Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Sao Mai đầu tư.
Được biết, chợ thị trấn Tân Hiệp là chợ truyền thống tồn tại hơn 60 năm, hiện có gần 300 tiểu thương kinh doanh buôn bán. Tuy nhiên, UBND huyện đã cho Công ty Sao Mai đầu tư chợ mới cách chợ cũ 1km. Khu chợ mới lọt thỏm trong khu dân cư nhưng hiện nay còn hoang vắng.
Khi chợ mới xây gần xong, cuối 2014, UBND thị trấn Tân Hiệp mời tiểu thương họp, thông báo về việc di dời chợ cũ sang chợ mới. Hạn chót cho bà con tiểu thương di dời là đến 20/3/2015. Tuy nhiên, bà con cho rằng việc đầu tư chợ mới là không cần thiết, còn nhiều điều khuất tất, như: giá thuê cao, khu chợ xa dân cư, gần nghĩa trang…
Tiểu thương Nguyễn Thị Ánh Tuyết, kinh doanh ở chợ cũ đã 29 năm cho rằng: Khi chính quyền muốn dời chúng tôi sang chợ mới thì chính quyền không bàn bạc, lấy ý kiến dân, cán bộ thỏa thuận với công ty rồi xây chợ, ép dân vào. Đặc biệt là cuối 2014 thông báo buộc bà con di dời chợ nhưng tháng 4/2014, UBND thị trấn Tân Hiệp còn xây dựng nhà lồng tiền chế và kêu gọi bà con tiểu thương tự bỏ tiền làm vách ngăn, lót nền, làm cửa cho kiot của mình?
Mới đây, 26/8/2016, Chủ tịch UBND huyện Tân Hiệp ra quyết định đình chỉ hoạt động chợ thị trấn Tân Hiệp để di dời sang khu chợ mới. Về lí do di dời chợ, Chủ tịch huyện này cho rằng: chợ cũ đã xuống cấp và hệ thống PCCC không đảm bảo nên buộc phải di dời sang chợ mới.
Theo thông báo 20/9 sẽ ngưng cung cấp điện ở chợ cũ đồng thời tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ toàn bộ khu chợ. Tuy nhiên do bà con tiểu thương phản ứng mạnh nên đến nay UBND huyện Tân Hiệp chưa “đóng cửa” chợ Tân Hiệp.
…đến chợ mới cũng lùm xùm
Chợ Bắc Sơn (phường Vĩnh Lạc, TP.Rạch Giá) được thành lập 2010. Hiện nay có hàng trăm hộ tiểu thương kinh doanh mua bán ổn định.
Nhưng đến 27/8 vừa qua, 17 hộ tiểu thương bất ngờ nhận thông báo số 190/TB-UBND do Phó chủ tịch UBND TP Rạch Giá, buộc 17 hộ tiểu thương này di dời vào chợ mới để lấy đất làm đường. (Theo quyết định thu hồi đất số 3120/QĐ-UBND ngày 18/12/2015 của UBND tỉnh Kiên Giang)
Nhận thông báo, 17 tiểu thương làm "Đơn cầu cứu" gửi đến các cơ quan chức năng trong tỉnh đề nghị xem xét tính hợp pháp, hợp lý của Quyết định thu hồi đất chợ Bắc Sơn của UBND tỉnh Kiên Giang. Theo đơn, các tiểu thương cho rằng họ kinh doanh hợp pháp, vì diện tích bị thu hồi nằm trong diện tích chợ Bắc Sơn (6.088m2). Toàn diện tích này đã được UBND tỉnh giao cho nhà đầu tư thuê làm chợ vào năm 2010 là Công ty CP Tư vấn xây dựng Kiên Giang (Công ty Tư vấn 2) bằng các Quyết định giao đất, hợp đồng cho thuê đất 25 năm và Giấy chứng nhận QSD đất.
Sau đó, Công ty Tư vấn 2 ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư và chuyển nhượng thương quyền cho đối tác là DNTN Nam Phương toàn quyền kinh doanh khai thác trên toàn bộ diện tích đất chợ. Và DNTN Nam Phương ký hợp đồng cho thuê kios và lô sạp trên đất chợ được giao đó với các tiểu thương (trong đó có 17 tiểu thương nhận thông báo di dời - PV) và thực hiện nghĩa vụ thuế của các bên liên quan với Nhà nước.
Theo tìm hiểu của PV, năm 2013 hận thấy chợ Bắc Sơn quá tải, không tiếp nhận thêm các tiểu thương buôn bán trên vỉa hè trên các đường gần khu vực chợ. Do vậy, UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch, mở rộng chợ Bắc Sơn giai đoạn 2 với quy mô 12.000m2 (quỹ đất công) nằm liền kề với chợ Bắc Sơn hiện hữu.
Thế nhưng, trong quá trình triển khai, nhà đầu tư và UBND TP Rạch Giá điều chỉnh quy hoạch thành khu dân cư nhà phố chiếm gần 80% diện tích toàn dự án. Diện tích mở rộng chợ chỉ còn 1.700 m2 xây chợ nhà lồng với sức chứa khoảng 100 lô sạp lại nằm ở sâu trong gốc khuất của dự án. Chính vì điều này, 17 hộ tiểu thương buộc tháo dỡ di dời vào khu chợ mới đã không đồng ý.
17 ki ốt buộc di dời vào chợ Bắc Sơn mới để chính quyền địa phương lấy đất làm đường, tuy nhiên quyền lợi của các tiểu thương này chính quyền địa phương chưa xem xét thấu đáo
Trước việc UBND tỉnh Kiên Giang ra quyết định thu hồi đất, ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế các tiểu thương nhưng UBND tỉnh không có phương án hỗ trợ, bồi thường cho 17 tiểu thương liên quan nên vừa qua các tiểu thương đã làm đơn khởi kiện UBND tỉnh.
Khi tìm hiểu những câu chuyện lùm xùm xung quanh việc tỉnh Kiên Giang xóa chợ cũ, xây chợ mới bị tiểu thương phản đối, nhiều người dân cho rằng: Chủ trương cấp trên hoàn toàn đúng đắng nhưng khi cấp dưới thực hiện chẳng biết vì lí do gì lại thực hiện chưa đúng như kế hoạch, nhất là quyền lợi của người dân, trực tiếp là các tiểu thương không được các sở, ngành địa phương xem xét thấu tình đạt lý. Đây là những lí do làm xung đột giữa người dân và chính quyền.
Ngoài ra, việc họp chợ, lập chợ là tập tục, thói quen của người dân. Do vậy khi chính quyền qui hoạch xây chợ cần họp dân, nghe ý kiến để tránh tình trạng chợ xây xong, tiểu thương không vào… Dẫn đến tình trạng chợ bỏ hoang, lãng phí tiền của nhân dân.
Nguyễn Hành