Bài 1:

Vì sao những dự án giao “đất vàng” tại Bình Thuận không qua đấu giá?

Trung Kiên Anh Thế

(Dân trí) - Trước những lùm xùm gây xôn xao dư luận về các dự án giao “đất vàng” cho doanh nghiệp không qua đấu giá, cho thuê đất “thần tốc”, UBND tỉnh Bình Thuận đã có thông tin chính thức xoay quanh vấn đề này.

UBND tỉnh Bình Thuận đã thông tin những vấn đề liên quan đến dự án lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long (TP Phan Thiết); Dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 của Công ty Cổ phần Tân Việt Phát; Dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương (tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam và xã Tiến Thành, TP Phan Thiết) và Dự án Trường mầm non Lê Quý Đôn (tại phường Phú Thủy, TP Phan Thiết).

Vì sao những dự án giao “đất vàng” tại Bình Thuận không qua đấu giá? - 1

Dự án Lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long (tên thương mại là Hamubay) có diện tích dự án là gần 123 ha.

Khu đất được dư luận đặc biệt quan tâm là dự án lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long (tên thương mại là Hamubay) có diện tích dự án là gần 123 ha.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, dự án này có diện tích mặt nước biển khoảng 27 ha thuộc phần biển của phường Đức Long và xã Tiến Thành, hiện trạng thực tế không có đất, chỉ có mặt nước biển và nằm ngoài diện tích tự nhiên của phường Đức Long, xã Tiến Thành nên UBND tỉnh Bình Thuận không đưa ra đấu giá.

Đối với phần đất của các hộ gia đình, cá nhân, các tổ chức khác đang sử dụng là 95,9 ha, chủ đầu tư phải thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời mồ mả. UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng vì không có đất sạch nên không đủ điều kiện để đấu giá đất theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013.

Vì sao những dự án giao “đất vàng” tại Bình Thuận không qua đấu giá? - 2

Dự án Hamubay Phan Thiết có diện gần 123 ha, nằm trong danh mục Nhà nước thu hồi đất được HĐND tỉnh Bình Thuận thông qua tại Nghị quyết số 40/2017/NQ-HĐND ngày 19/12/2017.

Vì sao những dự án giao “đất vàng” tại Bình Thuận không qua đấu giá? - 3

Dự án này có diện tích mặt nước biển khoảng 27 ha thuộc phần biển của phường Đức Long và xã Tiến Thành, 95,9 ha còn lại đất của các hộ gia đình, cá nhân, các tổ chức khác.

Dự án được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư đúng quy định của Luật Đầu tư năm 2014 và nằm trong danh mục Nhà nước thu hồi đất được HĐND tỉnh Bình Thuận thông qua tại Nghị quyết số 40/2017/NQ-HĐND ngày 19/12/2017.

Về thông tin không đấu giá quyền sử dụng đất thuộc 3 lô đất số 18,19 và 20 có diện tích khoảng 9,2 ha của dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 của Công ty Cổ phần Tân Việt Phát, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận xác định, 3 lô đất này đã được thông báo bán đấu giá 6 lần từ năm 2013 – 2015.

Vì sao những dự án giao “đất vàng” tại Bình Thuận không qua đấu giá? - 4
Vì sao những dự án giao “đất vàng” tại Bình Thuận không qua đấu giá? - 5

3 lô đất số 18,19 và 20 có diện tích khoảng 9,2 ha của dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2.

Riêng lần thứ 6 (ngày 26/11/2015) có mở rộng thông báo trên các báo Trung ương ngoài địa phương nhưng không có người tham gia nên UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất đối với 3 lô đất trên cho Công ty Cổ phần Tân Việt Phát là đúng theo quy định pháp luật.

Đối với dự án Trường mầm non Lê Quý Đôn, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định, đây là dự án rất cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế, giải quyết được nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn TP. Phan Thiết.

Vì sao những dự án giao “đất vàng” tại Bình Thuận không qua đấu giá? - 6

Dự án Trường mầm non Lê Quý Đôn.

Theo đó, các thủ tục thực hiện thủ tục kêu gọi đầu tư, về đấu giá (không đấu giá) quyền sử dụng đất; Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư... của dự án đều đúng theo quy định của pháp luật, đảm bảo đúng quy định của Luật Đầu tư năm 2014.

Tại buổi họp báo ngày 18/11, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận cũng cung cấp thông tin liên quan đến dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương. Theo đó, dự án này được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư vào tháng 12/2016 cho Công ty TNHH Biển Quê Hương - Phan Thiết (trước đây là Công ty Cổ phần giao nhận vận tải và hóa chất Việt Nam). Sau đó chủ trương đầu tư được điều chỉnh vào các năm 2018, 2019 và 2020.

Vì sao những dự án giao “đất vàng” tại Bình Thuận không qua đấu giá? - 7

Dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương (tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam và xã Tiến Thành, TP Phan Thiết).

Dự án được UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất vào tháng 9/2018, điều chỉnh lại vào tháng 5/2019 với diện tích hơn 12,5 ha. Trong đó, diện tích gần 10,5 ha tại xã Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam) với mục đích sử dụng đất là “Đất thương mại dịch vụ”, hình thức sử dụng đất là Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần. Diện tích khoảng 2,06 đất tại xã Tiến Thành (TP Phan Thiết) với mục đích đầu tư các hạng mục đích công cộng theo hình thức sử dụng đất là Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất.

Vì sao những dự án giao “đất vàng” tại Bình Thuận không qua đấu giá? - 8

Bản thông tin dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định, dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương thuộc trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 2 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013.

Trước những thông tin cho rằng, tỉnh Bình Thuận “ưu ái” cho chủ đầu tư chuyển đổi hơn 7 ha rừng để làm dự án, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với diện tích 7,17 ha cây phi lao nằm trong khu vực dự án được trồng từ ngân sách Nhà nước, nằm ngoài quy hoạch 03 loại rừng qua các thời kỳ nên không phải là rừng phòng hộ.

Vì sao những dự án giao “đất vàng” tại Bình Thuận không qua đấu giá? - 9

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với diện tích 7,17 ha đảm bảo điều kiện theo quy định tại Điều 19 Luật Lâm nghiệp.

Đây là diện tích nằm riêng lẻ tại khu vực giáp ranh 2 địa phương, trên diện tích thuộc bãi ngang ven biển Tiến Thành - Thuận Quý, trước đây là bãi đất trống được UBND xã Thuận Quý và Tiến Thành bố trí trồng cây phi lao năm 1995. Qua rà soát, hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với diện tích 7,17 ha đảm bảo điều kiện theo quy định tại Điều 19 Luật Lâm nghiệp.

Dù UBND tỉnh Bình Thuận đã thông tin về 4 dự án trên, tuy nhiên có dự án xuất hiện liên tiếp những văn bản, tờ trình nhanh lạ kỳ của cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận khi giao đất công cho doanh nghiệp không thông qua đấu giá khiến dư luận không khỏi băn khoăn đặt ra câu hỏi có hay không sự “đặc cách” xuất phát từ đề xuất của các cơ quan tham mưu, sau đó UBND tỉnh Bình Thuận giao “đất vàng” cho doanh nghiệp?.

Cụ thể, ngày 22/3/2017, UBND tỉnh Bình Thuận có Quyết định số 738/QĐ-UBND về phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2017 của TP. Phát Thiết, trong đó có việc quy hoạch và phát triển dự án lấn biển tại phường Đức Long, TP. Phan Thiết.

Vì sao những dự án giao “đất vàng” tại Bình Thuận không qua đấu giá? - 10

Nhiều văn bản, tờ trình được ban hành sát nhau trong dự án lấn biển tại phường Đức Long, TP. Phan Thiết.

Một ngày sau, ngày 23/3/2017, đầy đủ các ban ngành liên quan của tỉnh Bình Thuận đã tổ chức họp để quyết định cho Công ty Trường Phúc Hải được triển khai dự án này hay không. Tại cuộc họp này, các sở ngành và UBND TP Phan Thiết đã thống nhất việc đầu tư dự án.

Ngày 27/3/2017, Công ty Trường Phúc Hải nộp hồ sơ đề nghị thực hiện dự án và cam kết tiến độ thực hiện đầu tư.

Ngày 28/3/2017, Sở TNMT tỉnh Bình Thuận có văn bản số 1153/STNMT-CCQLĐĐ gửi Công ty Trường Phúc Hải về việc thẩm định nhu cầu sử dụng đất, thẩm định điều kiện giao thuê đất; chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án lấn biển, bố trí sắp xếp lại khu dân cư và chỉnh trang đô thị tại phường Đức Long và xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết.

Sở TN-MT kết luận, dự án của Công ty Trường Phúc Hải đủ điều kiện thực hiện thủ tục đất đai theo quy định.

Tới ngày 17/4/2017, UBND tỉnh Bình Thuận có Quyết định chủ trương đầu tư số 1017/QĐ-UBND với việc chấp thuận cho Công ty Trường Phúc Hải thực hiện dự án này với yêu cầu Công ty Trường Phúc Hải phải ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư trước thời điểm giao đất cho thuê đất.

Ngày 7/7/2017 UBND tỉnh Bình Thuận có Quyết định số 1909/QĐ-UBND về việc phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.

Ngày 10/7/2017, UBND tỉnh Bình Thuận đã có Quyết định số 1943/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chi tiết dự án này.

Ngày 27/2/2018, UBND tỉnh Bình Thuận có quyết định số 590/QĐ-UBND về việc giao đất cho thuê đất thực hiện dự án trên cho Công ty Trường Phúc Hải.

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Việc giao đất thông qua đấu giá được pháp luật quy định cụ thể. Mục đích của quy định này là tránh lợi ích nhóm, câu kết giữa cán bộ với doanh nghiệp trục lợi gây thất thoát tài sản của nhà nước. Với các dự án “đất vàng” trên tại tỉnh Bình Thuận, tôi cho rằng chính quyền địa phương cần cân nhắc hết sức kỹ lưỡng việc đấu giá hay không đấu giá để giao đất. Vì điều này không những đảm bảo tài sản nhà nước được thu lợi tối đa nhất và còn đảm bảo tính công khai, minh bạch, củng cố niềm tin của nhân dân với chính quyền địa phương”.

Báo Dân trí tiếp tục thông tin vụ việc

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm