Vì sao nhiều dự án “đất vàng” được đấu giá trái luật tại Thanh Hóa?

(Dân trí) - Trong thời gian từ năm 2014 -2017, gần chục dự án nằm ở vị trí đắc địa của TP Thanh Hóa nhưng lại được chỉ định với giá “bèo” khiến dư luận không khỏi băn khoăn. Việc làm trên đã khiến Chủ tịch UBND tỉnh này đã phải ra văn bản kết luận vi phạm luật đất đai 2013.

Theo đó, 9 dự án vi phạm cụ thể là: Dự án trung tâm thương mại và nhà phố Eden (phường Nam Ngạn và phường Đông Thọ, TP.Thanh Hoá); dự án khu dân cư Trường ĐH Hồng Đức (phường Đông Sơn); Dự án Khu nhà ở thương mại nam đường Nguyễn Phục (phường Quảng Thắng); Dự án Khu dân cư Đông Vệ, (phường Đông Vệ); Dự án Khu dân cư An Phú Hưng (phường Đông Hương); Dự án Công viên nước Đông Hương; Dự án Khu đô thị núi Long kết hợp khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng đường vành đai đông tây; Dự án Khu dân cư xóm Bắc Sơn 2, thị trấn Nhồi thuộc Lô 4 và biệt thự Khu dân cư xóm Bắc, phường An Hoạch.

8 dự án trên đều là những vị trí “đất vàng” thuộc TP.Thanh Hoá. Còn lại là dự án Khu đô thị Sao Mai rộng lớn thuộc xã Xuân Thịnh và xã Thọ Dân, huyện Triệu Sơn.

Đáng nói, theo quy định của pháp luật, việc thu tiền sử dụng đất theo Luật Đất đai 2013 được quy định tại Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ và được hướng dẫn cụ thể tại khoản 1, Điều 3, Thông tư số 76/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.

Dự án khu đô thị núi Long là một trong những dự án đất vàng được đấu giá trái luật.
Dự án khu đô thị núi Long là một trong những dự án đất vàng được đấu giá trái luật.

Cụ thể: “Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá thì tiền sử dụng đất phải nộp được xác định bằng giá đất tính thu tiền sử dụng đất theo mục đích sử dụng đất được giao tại thời điểm có quyết định giao đất nhân với diện tích phải nộp tiền sử dụng đất”.

Thực tế, các dự án nói trên đều chưa có quyết định giao đất nhưng UBND tỉnh Thanh Hoá đã ra quyết định phê duyệt tiền sử dụng đất nộp ngân sách nhà nước. Sau đó, nhà đầu tư ký hợp đồng với đơn vị được UBND tỉnh uỷ quyền, nộp tiền vào ngân sách rồi thi công, bán biệt thự...

Điều dư luận băn khoăn là rất nhiều dự án được duyệt kiểu này có sự chênh lệch khá lớn về giá trị đất trong quyết định phê duyệt và thị trường.

Đơn cử như tại dự án Khu dân cư thuộc phường Đông Hương TP.Thanh Hoá là dự án có vị trí đắc địa ngay trung tâm TP.Thanh Hoá. Dự án có tổng diện tích trên 2,88ha, trong đó, diện tích đất tính tiền sử dụng đất là 1,524ha.

Tại QĐ số 2736/QĐ-UBND ngày 27/7/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh, tiền sử dụng đất nộp NSNN sau khi trừ đi chi phí bồi thường GPMB là 54,99 tỉ đồng. Trên cơ sở này, tại QĐ số 3967-QĐ-UBND ngày 9/10/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã ký phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư dự án với số tiền sử dụng đất nộp NSNN là 55 tỉ đồng, nghĩa là chỉ hơn số tiền tối thiểu được xác định có 6 triệu đồng.

Nếu tính giá trị quyền sử dụng đất được xác định tại quyết định trên là 69,8 tỉ đồng (đã bao gồm chi phí GPMB) trên tổng diện tích tính tiền sử dụng đất là 15.245,90m2 thì mỗi mét vuông được xác định chỉ khoảng 4,58 triệu đồng. Thực tế, trên thị trường, giá đất tại vị trí này trong thời gian 2017 - 2018 dao động khoảng 19,5 - 25 triệu đồng/m2.

Hay tại dự án khu dân cư Trường Đại học Hồng Đức (phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa), là một trong số 9 dự án đã được UBND tỉnh tỉnh giao hơn 4,6 ha, trong đó có 24.155 m2 đất phân lô bán nền với giá trị ban đầu là hơn 29 tỷ đồng, sau đó điều chỉnh lên hơn 41,8 tỷ đồng.

Ngày 23/4/2018, UBND tỉnh ra QĐ số 1456/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thị Thìn ký về việc phê duyệt giá đất cụ thể làm căn cứ xác định tiền sử dụng đất nộp ngân sách nhà nước (đợt I). Theo đó, tổng diện tích được quy hoạch là 74.162,58m2, được xác định tại trích lục bản đồ địa chính khu đất số 483/TLBĐ, tỷ lệ 1/500, ngày 14/7/2017 do Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất - Sở TN-MT lập.

Đợt I giao 46.439,4 m2, trong đó đất ở chia lô là 24.155,4 m2 (gồm 249 lô đất). Số đất còn lại làm nhà văn hóa, công viên cây xanh, đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật. Giá trị quyền sử dụng đất mà liên doanh đầu tư phải nộp cũng chỉ 65.197.148.609 đồng (bao gồm tiền GPMB 23.324.882.000 đồng, tiền sử dụng đất phải nộp vào ngân sách Nhà nước là 41.872.266.609 đồng).

Như vậy, so với Quyết định 222/QĐ-UBND thì nhà đầu tư phải nộp thêm vào ngân sách Nhà nước với số tiền là 12.854.399.609 tỷ đồng. Nếu tính ra cả tiền GPMB và tiền đất nộp ngân sách nhà nước thì giá trị đất ở đây chỉ khoảng 2,7 triệu đồng/m2, trong khi nhà đầu tư rao bán ra thị trường với giá hàng chục triệu đồng/m2.

Nhận thấy việc giao đất cho 9 dự án này “có vấn đề”, ngày 5/12/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký Thông báo số 245/TB-UBND, nêu rõ: Cơ bản các dự án trên được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt hồ sơ yêu cầu và hợp đồng dự án giữa bên mời thầu và chủ đầu tư có nội dung tiền sử dụng đất nộp ngân sách Nhà nước không đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013.

Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Sở KHĐT kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân trong tham mưu trình phê duyệt, đồng thời chỉ đạo các sở, ngành liên quan dừng mọi hoạt động giao đất, cho thuê đất ở các dự án trên.

Bình Minh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm