Vì sao kỹ năng viết của học sinh ngày càng yếu?
Sự yếu kém về cách lập luận, diễn đạt cũng như kỹ năng viết của học thường bộc lộ rõ rêt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Vào các kỳ thi đó, nhiều cô tú cậu tú hoặc cử nhân tương lai lại “cống hiến” những bài Văn “dễ sợ”, nhưng bài Sử “cười ra nước mắt”, những bài Địa “ngớ ngẩn” cho các thầy cô giáo chấm thi!
Tình hình đáng báo động đó báo chí phản ánh và lên tiếng báo động nhưng hầu như chưa được cải thiên, thậm chí còn có xu hướng tăng lên. Vậy vì sao kỹ năng viết cũng như cách lập luận của học sinh ngày càng yếu? Theo suy nghĩ và kinh nghiệm của một nhà giáo, tôi xin mạnh dạn nêu lên những nguyên nhân sau đây:
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Thứ hai, ảnh hưởng của phim ảnh. Ngày nay truyền hình, phim ảnh phát triển đến chóng mặt. Có nhiều kênh chiếu những phim hấp dẫn với mật độ dày đặc khiến cho thanh thiếu niên ngòai giờ đến trường chỉ “mê mẩn” với phim ảnh. Việc xem phim nhiều khiến các em lười đọc sách. Bộ truyện “Kính vạn hoa” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh hay là thế nhưng xem phim rồi thì giới trẻ dù có truyện trong tay cũng không đọc. Việc lười đọc sách làm cho trí tưởng tưởng không còn phong phú, vốn từ và tư duy cũng theo đó mà mất đi. Cho nên khi viết “bí từ” sẽ dụng ngôn ngữ …chat chit làm nên những bài văn “dễ sợ”.
Thứ ba, ảnh hưởng của âm nhạc “thị trường”. Ngày nay có một bộ phận khá đông giới trẻ mê nhạc “thị trường” với những ca từ giai điệu mà khi hát lên như… đọc, như nói. Rất cộc cằn và thô thiển. “Ăn” món đó vào trong tâm hồn thì làm sao viết ra được những lời hay ý đẹp?
Thứ tư, dăm năm trở lại đây việc áp dụng hình thức thi trắc nghiệm với việc lựa chọn các phương án hoặc A, hoặc B, hoặc C, hoặc D cũng góp phần làm “cùn” tư duy cũng như cách diễn đạt của học sinh.
Thứ năm, ngày nay rất ít giáo viên dạy cho học sinh kỹ năng làm một bài viết hoàn chỉnh. Ngoài một số ít giáo viên dạy Văn khi chấm bài có sửa lỗi cho học sinh về chính tả, câu cú, diễn đạt, còn đa số giáo viên không sửa lỗi cho học sinh khiến cho các em không biết mình mắc lỗi gì để khắc phục, để lần sau sẽ tiến bộ. Thực tế có những bài văn học sinh viết dài ba trang giấy mà không có dấu chấm, dấu phẩy nhưng giáo viên vẫn cho 5 điểm. Còn giáo viên dạy Sử, Địa, Giáo dục Công dân thì hầu như không bao giờ yêu cầu học sinh viết bài phải có bố cục, cứ có ý là có điểm dù học sinh trình bày theo kiểu…gạch đầu dòng.
Tôi đồng tình với thầy giáo Trần Quang Đại trong bài viết “Báo động “văn hóa viết” khi cho rằng ngày ngay giáo viên rất lười viết do có “cây đũa thần” của giáo án vi tính, chỉ cần nhấp chuột là có giáo án cho cả năm. Giáo án đã có sẵn trên mạng, GV chỉ cần sửa lại ngày tháng và bổ sung một số chi tiết nếu thấy cần, sau đó in ra là xong. Giáo viên còn lười viết như thế thì khó mà yêu cầu, rèn luyện cho học sinh kỹ năng viết cho tốt được.
Bộ GD-ĐT đang hô hào “Đổi mới phương pháp dạy học” để nâng cao chất lượng giáo dục. Tôi nghĩ rằng dù có “Đổi mới phương pháp” như thế nào chăng nữa mà giáo viên không chú trọng kỹ năng viết, giáo viên không rèn cho học sinh kỹ năng viết cũng như cách lập luận chặt chẽ thì khi đó những bài Văn “dễ sợ”, những bài Sử “cười ra nước mắt’ những bài Địa “ngớ ngẩn” vẫn còn xuất hiện; và chất lượng giáo dục cũng khó mà cải thiện.
Phạm Được
(Đà Nẵng)
LTS Dân trí - Đã nhiều năm qua, cứ đến mỗi mùa thi hằng năm là dịp bộc lộ rõ rệt nhất sự yếu kém của học sinh phổ thông về kỹ năng viết cũng như cách lập luận, diễn đạt… Đấy là sự yếu kém thật đáng quan tâm vì những học sinh đã học hết bậc THPT mà chưa biết diễn đạt bằng thứ ngôn ngữ phổ thông của dân tộc mình, thậm chí còn mắc nhiều lỗi rất ngô nghê, ấu trĩ, làm cho các thầy giám khảo phải “cười ra nước mắt”!
Tác giả bài viết trên đây đã nêu lên nhiều nguyên nhân thuộc về trách nhiệm của các nhà quản lý lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng như trách nhịêm quản lý con cái của các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, về phía chủ quan, ngành giáo dục cũng như mỗi nhà trường cần sớm xác lập đúng vị trí cũng như đổi mới cách dạy và cách học môn ngữ văn cũng như các môn học khác thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.