Vì sao kết quả thi tuyển sinh đại học thấp?

(Dân trí) - Kết thúc kì thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay, có nhiều ý kiến nhận định kết quả chung không mấy khả quan.

Những con số buồn…

 

Năm nay, trường ĐH Thái Nguyên có gần 1.300 bài điểm 0 ở nhiều môn: Toán, Lý, Hoá, Văn, Sử, Địa. Trong đó, các bài thi môn Toán và Sử của trường này có tỷ lệ điểm 0 nhiều nhất (Toán: 1.090 bài; Sử: 133 bài). Trường Đại học Văn hóa, trong số hơn 4.300 thí sinh dự thi khối C có 174 em bị 0 điểm bài thi môn Lịch sử.

 

Trường ĐH Nông lâm TPHCM có hơn 600 bài thi môn Toán bị điểm 0. Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cũng có đến 986 thí sinh nhận điểm 0 môn Toán khối A, B, D1. Báo Tiền Phong ngày 31/7/09 cho biết: “Đại học Phú Yên (tỉnh Phú Yên): 100% thí sinh có điểm môn Toán và Tiếng Anh dưới điểm trung bình. Đại học Lạc Hồng (tỉnh Đồng Nai) trong môn lịch sử có đến 90,10% điểm dưới trung bình. Trong số hơn 2.700 thí sinh thi khối A vào Đại học Lạc Hồng có tới hơn 550 bài thi Toán dưới 1 điểm. 99% điểm bài thi khối A tại Đại học Kỹ thuật công nghệ TPHCM dưới trung bình.

 

Đại học An Giang có tới 98,19% bài thi môn Toán (khối A) dưới trung bình, 98,17% bài môn Hoá dưới trung bình và tỷ lệ này ở môn tiếng Anh là 96,4%%. Đại học Đà Nẵng có tới 84% bài thi môn Văn và Sử dưới trung bình. Đại học Tiền Giang, chỉ tiêu là 750 nhưng chỉ có 312 thí sinh đạt từ 13 điểm trở lên nên sẽ phải dành rất nhiều chỉ tiêu cho nguyện vọng 2, nguyện vọng 3. Đại học Tôn Đức Thắng có tới 97% bài thi môn Hoá dưới trung bình và điểm cao nhất môn Văn chỉ có 6,75”.

 

Điểm thấp không phải do trình độ học sinh sa sút?

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Những con số đó khiến những người quan tâm đến giáo dục băn khoăn về chất lượng học tập của HS phổ thông, nhất là môn Toán. Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Mai có một nhận định khác, thể hiện trong bài “Điểm thi đại học thấp: Không phải do trình độ học sinh sa sút” trên báo Tuổi Trẻ ngày 9/8.

 

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Mai cho rằng điểm thi ĐH thấp là do việc ra đề còn mang tính chủ quan do một nhóm chuyên viên, do không dựa trên một chương trình được chuẩn hóa theo tiêu chí đầu ra, với những dạng bài tập cụ thể, những kĩ năng, kiến thức cơ bản, có tính bắt buộc (trên cơ sở đó mới ra thêm câu hỏi nâng cao, có tính phân loại).

 

Từ đó, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Mai đề xuất nên xây dựng tiêu chí ra đề phải có thêm mức định lượng, chẳng hạn phải bảo đảm phổ điểm kết quả “đẹp”, phân bố chuẩn, định hình chuông rơi vào vùng quanh 5 (hoặc lớn hơn càng tốt), gộp lại ba môn sẽ khiến mức điểm sàn không dưới 15.

 

Chúng tôi thấy cách lập luận của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Mai là thiếu cơ sở, bởi vì: Để khẳng định điểm thi ĐH năm nay thấp không phải do trình độ HS (học sinh) sa sút thì phải chứng minh được trình độ HS không sa sút hoặc do đề ra quá khó so với năm ngoái, hoặc quá khó so với yêu cầu trình độ trung bình của HS.

 

Mặc dù Tiến sĩ Nguyễn Xuân Mai cho rằng khâu ra đề còn mang tính chủ quan của một nhóm chuyên gia, song không đưa ra một dẫn chứng nào để chứng minh.

 

Về đề thi năm nay, qua tham khảo ý kiến của nhiều đồng nghiệp và HS, chúng tôi được biết: Về mức độ khó, tuy có khó hơn năm trước nhưng chỉ khó hơn một ít (chủ yếu tập trung ở câu phân loại), không phải là quá khó. Những HS giỏi có thể làm xong trong vòng 160 phút (trước giờ 20 phút) là đạt điểm tuyệt đối.

 

PGS.TS Phan Huy Khải, chuyên gia môn Toán (Đại số) nhận xét về đề khối A: “Đề thi cơ bản, bao quát được toàn bộ chương trình, có tính phân loại. So với năm ngoái, đề năm nay khó hơn một chút. Tuy nhiên, không có câu nào là cực khó”. Theo TS Phan Huy Khải, các câu hỏi của đề: câu 1, phần 1 câu 2, câu 3, câu 6,7 (cả câu A và B) đều bình thường, cơ bản, thí sinh chỉ cần nắm kiến thức cơ bản là làm được. Như vậy, theo TS Phan Huy Khải, nếu thí sinh nào nắm vững kiến thức cơ bản, biết tính toán thì đã có thể đạt 6-7 điểm. (VnMedia, 4/7).

 

Anh Phan Đăng Nhân, một GV giỏi Toán ở Hà Tĩnh nhận định: Về nội dung kiến thức, phạm vi đề ra đều thuộc SGK, với những kiến thức cơ bản. Những HS trung bình, khá có thể làm được 4-5 điểm. Thậm chí có những câu còn dễ hơn đề năm ngoái. Câu khảo sát hàm số đã được viết rất kĩ trong SGK, thí sinh chỉ cần thay số vào là có kết quả. Câu này thí sinh chỉ cần nêu được tập xác định và vẽ đồ thị hàm số là đã được 0,5 điểm.

 

Các chuyên gia, GV cũng có những nhận định tượng tự về đề Toán khối B, D. Vì vậy, nhiều GV cho rằng, những thí sinh đạt điểm 0 thì có thể nói kết quả học tập quá yếu, hay “không biết gì”, “không chấp nhận được”. Xin hỏi Tiến sĩ Nguyễn Xuân Mai, vì sao có đến hàng nghìn bài thi điểm 0 môn Toán và hàng nghìn điểm môn Toán dưới trung bình, nếu không phải do trình độ thí sinh sa sút?

 

Vì cho rằng không phải do trình độ thí sinh sa sút, nên Tiến sĩ Nguyễn Xuân Mai chỉ đề nghị giải pháp về mặt kĩ thuật, đó là điều chỉnh cách ra đề sao cho sẽ có một phổ điểm “đẹp”. Cách làm ấy chẳng khác gì “gọt chân cho vừa giầy”, mang tính hình thức; cứ ra đề dễ, tất nhiên điểm thi sẽ cao, “đẹp”. Nếu chỉ có thế, thì không còn gì đơn giản hơn.

 

Xin hỏi Tiến sĩ Nguyễn Xuân Mai, phải chăng với nhận định “không phải do trình độ thí sinh sa sút”, ông cho rằng ngành giáo dục cứ yên tâm với thực tại, không cần phải phấn đấu nhiều nữa?

 

Theo chúng tôi, kết quả kỳ thi ĐH năm nay là một hồi chuông cảnh báo về sự sa sút của chất lượng GD phổ thông; buộc ngành giáo dục nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật để khắc phục.

 

Bộ GD-ĐT có lẽ cũng đã nhìn ra vấn đề khi xác định nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm học này với chủ đề: “Năm học đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”. Những giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ để nâng cao chất lượng GD-ĐT đang là một đòi hỏi bức thiết của thực tiễn.  

                                                                        

  Trần Quang Đại

 

 

LTS Dân trí - Nếu đánh giá một cách khách quan và nghiêm túc thì không ai có thể lạc quan về kết quả thi đại học - cao đẳng vừa qua. Điều đó cũng phản ánh kết quả đổi mới chương trình cũng như cách dạy, cách học ở bậc phổ thông chưa đạt kết quả bao nhiêu.

 

Mong rằng năm học này sẽ đúng là năm học “nâng cao chất lượng giáo dục” như mục tiêu của Bộ GD-ĐT đã xác định. Vấn đề quan trọng ở đây là tìm cho ra nguyên nhân vì sao kết quả bậc học phổ thông chưa như mong muốn, nếu không muốn nói là phải thất vọng về hàng nghìn số 0 giáng xuống một kỳ thi.

 

Đấy có phải là hệ quả của việc học sinh chán học hay không và các em chán vì đâu? Đã đến lúc chúng ta nên lấy học sinh làm đối tượng điều tra về chương trình học cũng như cách dạy các môn học để biết được ý kiến “nhân vật trung tâm” của quá trình giáo dục. Không thể tự yên tâm về nội dung giáo dục gọi là “toàn diện” nhưng trên thực tế lại rất phiến diện, cho nên mới có nhiều điểm 0 về môn toán và môn sử như vậy.