Vì sao có “vấn nạn xe máy”?
Tôi đã đọc rất nhiều bài viết liên quan tới “vấn nạn xe máy”. Tôi xin có một vài ý kiến về vấn đề này như sau:
Thứ nhất, chúng ta thường quy trách nhiệm vấn nạn giao thông là do sự gia tăng nhanh chóng số lượng xe gắn máy. Tuy nhiên, tại sao lại có sự gia tăng số lượng xe máy đến mức chóng mặt như vậy? Tại sao các quốc gia khác lại không gặp tình trạng như chúng ta? Thiết nghĩ, điều này phải chăng do tầm nhìn chiến lược của các cấp lãnh đạo từ những ngày đầu xây dựng đất nước!
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn. |
Nhìn sang các quốc gia tiên tiến, cơ sở hạ tầng phải đi tiên phong trong công cuộc phát triển. Nếu như có tầm nhìn tốt về vấn đề giao thông thì có lẽ tình trạng có thể tốt hơn rất nhiều so với hiện tại. Không thể trách người dân tại sao lại mua xe máy nhiều vậy.
Thứ hai, cũng liên quan đến vấn đề cơ sở hạ tầng. Tôi lấy ví dụ, nếu bạn sử dụng xe bus, bạn có thể đi đến một địa chỉ nào đó trên đường Phạm Thế Hiển hoặc những khu vực lân cận không? Xin thưa là chắc chắn bạn sẽ phải tốn thêm một khoản tiền xe ôm và thậm chí có thể đi bộ mỏi cả chân. Vấn đề muốn nói ở đây là hệ thống đường xá của thành phố chúng ta quá phức tạp, lại chất lượng kém, hệ thống xe bus không thể vận hành trên những tuyến đường này trong một thời gian nữa, thậm chí là 5 năm nữa.
Thứ ba, đúng là người dân chúng ta lười đi bộ. Nhưng đi bộ thế nào dưới trời nắng gắt và hệ thống vỉa hè như hiện tại? Chưa kể đến mức độ ô nhiểm không khí.
Thứ tư, ở các nước phát triển, những khu dân cư, các khu vực sầm uất thường tập trung quanh các nhà ga, do đó đi bằng phương tiện công cộng rất tiện lợi. Còn thành phố chúng ta, không có những khu vực sầm uất tập trung mà phân bố theo diện rộng, với lại các khu vực sầm uất cũng ít liên thông với nhau. Điều này dẫn đến việc di chuyển bằng phương tiện công cộng sẽ gặp khó khăn, mất thời gian, thậm chí là tốn kém vì phải di chuyển nhiều tuyến.
Nói tóm lại, việc bùng nổ số lượng xe gắn máy là không thể tránh khỏi do tình trạng cơ sở hạ tầng của chúng ta, không thể đổ lỗi cho người dân.
Để giải quyết tình trạng này, nhất thiết phải nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng, cải tạo và mở rộng đường xá, hệ thống vỉa hè; quy hoạch lại các khu vực dân cư, các trung tâm phát triển. Đặc biệt nâng cấp và mở rộng hệ thống xe bus, xây dựng các tuyến xe điện.
Đến khi, mọi con đường đều đủ rộng, vỉa hè thông thoáng, việc di chuyển giữa các địa điểm dễ dàng, thì tự động người dân sẽ chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng.
Nguyễn Tuân
LTS Dân trí - Tác giả bài viết trên đây đã nêu lên khá rõ những nguyên nhân gây ra “vấn nạn xe máy”.
Những nguyên nhân ấy tựu chung là do chưa coi trọng đúng mức và chưa làm tốt công tác quy hoạch tổng thể phát triển các đô thị cũng như mạng lưới giao thông. Cho nên việc xây dựng cơ sở hạ tằng thường manh mún, chắp vá, không tương xứng với quy mô phát triển đô thị, đẻ ra nhiều sự mất cân đối, đặc biệt là tình trạng ách tắc giao thông nghiêm trọng như hiện nay ở những thành phố lớn Hà Nội, TPHCM…
Vấn đề quan trọng hiện nay là phải rà soát lại công tác quy hoạch với con mắt nhìn toàn cục, tránh tình trạng “sửa sai” chắp vá, làm nảy sinh những mâu thuẫn mới trong quá trình phát triển đô thị cũng như hệ thống giao thông. Từ đó tập trung lực lượng tăng cường cơ sở hạ tằng, phát triển đồng bộ hệ thống giao thông và các phương tiện đi lại công cộng; từng bước hạn chế, tiến tới loại trừ xe gắn máy trong nội đô.