Bạn đọc viết:

“VAT” đang làm xấu đi hình ảnh du lịch Việt Nam

(Dân trí) - Dân trong nghề thường gọi tiền "bo" là một dạng "VAT" trong du lịch. Một trong những vấn đề đã âm ỉ khá lâu và cũng khá gây bức xúc của ngành du lịch chính là chuyện tiền "bo” cho hướng dẫn viên và lái xe các tour.

“VAT” đang làm xấu đi hình ảnh du lịch Việt Nam - 1
Những hành động thiếu văn hóa khiến du khách bất bình (Ảnh: Hữu Nghị)

Theo nhiều hướng dẫn viên, thì tiền "bo" là một phần tất yếu của nghề hướng dẫn, không thể không có. Nhưng vấn đề là làm thế nào để có tiền "bo" và nhận tiền "bo" một cách lịch sự thì ít người bàn đến.

Một hướng dẫn viên lâu năm tại Huế cho biết, nguồn thu nhập chính của các hướng dẫn viên không phải từ tiền công hướng dẫn đoàn/ngày, vì chỉ được khoảng từ 350.000đ - 400.000đ ngày bình thường và 500.000đ hoặc hơn vào những dịp lễ tết (được xem là mức bóc lột của các hãng du lịch đối với hướng dẫn viên),  mà chủ yếu là từ tiền "bo" của khách và các điểm đến.

Ví dụ như hướng dẫn một đoàn từ Đà Nẵng ra Huế, hướng dẫn viên sẽ đưa khách đến một số điểm như làng đá Non Nước, mua mè xửng, tôm chua ở Huế, mua hàng tại chợ Đông Ba, đến các nhà hàng, khách sạn.... Tuỳ theo số hàng khách mua tại mỗi điểm, hướng dẫn viên và tài xế sẽ được hưởng từ 25-30% tổng số tiền khách mua hàng (nếu khách mua 6 triệu đồng tiền hàng thì hướng dẫn và tài xế sẽ được 1-1,5 triệu hoặc hơn).

Các điểm dừng mua hàng, uống nước và ăn uống thường là những điểm quen của hướng dẫn viên hoặc tài xế. Chủ các cửa hàng đương nhiên phải trích % cho hướng dẫn viên và tài xế, vì nếu không lần sau họ sẽ không dẫn khách tới quán.
 
Khoản tiền "bo" cuối cùng là từ chính các đoàn khi kết thúc hành trình. Mức "bo" này phụ thuộc vào độ hài lòng của đoàn đối với hướng dẫn viên, nhưng không thể không "bo" bởi đó gần như là “luật” mặc dù... rất tế nhị.

Một hướng dẫn viên tại Hội An cho biết, hướng dẫn viên “trúng nhất” khi giới thiệu cho khách quốc tế mua đồ (vải hoặc đồ lưu niệm) hoặc may đồ (trong vòng 1 ngày hoặc một buổi). Khách quốc tế, nhất là khách Úc, New Zeland thường mua hoặc may đồ với hoá đơn rất lớn, từ vài trăm đến vài ngàn đô và đương nhiên hướng dẫn viên được hưởng từ 20-30% giá của hoá đơn đó.

Trên đường đi từ Nha Trang vào TP. Hồ Chí Minh và ngược lại, các đoàn khách thường được hướng dẫn viên đưa vào dừng chân uống nước và mua hàng tại các cửa hàng bán thanh long ở Bình Thuận. Hay từ Hà Nội đi Hải Phòng, các đoàn thường mua bánh đậu xanh tại khu vực thị trấn Sao Đỏ, Hải Dương... Các hướng dẫn viên và tài xế lâu năm và chạy trên những tuyến có định thường có những “quán ruột” của mình trên hành trình. Đây chính là những điểm tạo ra nguồn thu nhập cho các hướng dẫn viên và tài xế theo tuyến.

Còn đối với hướng dẫn viên tại điểm thì không có cơ hội nhận tiền "bo" (thường từ 100-200 ngàn đồng/đoàn) nhiều như hướng dẫn viên tuyến, nhưng họ cũng có nhiều cách để móc hầu bao của khách du lịch. Các hướng dẫn viên điểm thường nhìn các đoàn khách bằng “con mắt nhà nghề” và kinh nghiệm lâu năm. Sự nhiệt tình hướng dẫn tại các điểm phụ thuộc rất nhiều vào cách đánh giá ban đầu của hướng dẫn viên. Thường nhìn vào vẻ ngoài của các đoàn khách như cách ăn mặc, giọng nói, cách giao tiếp, số lượng đoàn để biết là khách giáo viên, khách công nhân, khách doanh nhân, khách về hưu, khách giàu, khách nghèo....

Những khách được dự đoán có khả năng "bo" hoặc là những khách nhiều tiền thường được “săn sóc” hết sức nhiệt tình, hướng dẫn chi li, tỉ mỉ, trả lời đầy đủ các câu hỏi và dẫn đến đầy đủ các điểm tham quan trong khu vực. Ngược lại những đoàn có khả năng "bo" ít, hoặc có vẻ... nghèo thì chỉ hướng dẫn qua loa và bỏ qua nhiều điểm đến trong khu vực, thậm chí nhiều lúc còn bị họ nhìn với cặp mắt “ghẻ lạnh”.          

Thực chất tiền "bo" của các điểm mua hàng, các quán ăn, nhà hàng… cho hướng dẫn và tài xế là tiền mà các cửa hàng, điểm đến này thu từ khách thông qua việc tăng giá các mặt hàng bán cho đoàn khách đó (thường tăng từ 40-50% và tuỳ theo % chi cho hướng dẫn viên).
 
Mặc dầu đã mua các tour với giá trọn gói và các cam kết về chất lượng, vậy mà khách vẫn phải bỏ ra những khoản tiền vô lý (nhưng vẫn nhầm tưởng là rất có lý). Nhiều vị khách du lịch có lúc rất bực mình về hiện tượng này, vì nhiều khi nó diễn ra khá công khai, trắng trợn. Nhưng phần lớn khách đều không lên tiếng mà xem đó như là một điều hiển nhiên. Chính điều này đã làm cho chi phí chính thức và không chính thức cho các tour ở nước ta luôn bị đẩy lên cao.

Thạc sĩ Trần Văn Anh (79 Trần Hưng Đạo, Quảng Nam)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm